Thời gian qua, thầy và trò các trường trên địa bàn huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) luôn đề cao và xác định phát huy giá trị, giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc là nhiệm quan trọng cần phải thực hiện song hành với việc giảng dạy và học tập.
Bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống đậm bản sắc
Nậm Nhùn là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, cách thành phố Lai Châu 130km (theo Tỉnh lộ 127, Quốc lộ 12, 4D), cách Hà Nội khoảng 600km (theo Quốc lộ 12). Địa hình có mức độ bị chia cắt sâu và ngang rất mạnh, phổ biến là địa hình núi cao và núi trung bình.
Nơi đây có dân số trên 27.000 người, gồm 11 dân tộc cùng sinh sống; dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, trong đó, dân tộc Mông chiếm 39,6%; dân tộc Thái 30,8%; dân tộc Mảng 11,33%; dân tộc Cống 2,0% (theo số liệu năm 2018). Chính vì tập trung chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên cộng đồng dân cư ở Nậm Nhùn mang nhiều giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống đậm bản sắc riêng.
Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Nhùn đề ra chủ trương bên cạnh việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, vấn đề tạo dựng cho học sinh ý thức bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tộc mình cũng là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết. Phát huy giá trị, gìn giữ văn hóa được triển khai ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện, nhiều trường đã đạt được những kết quả nổi bật.
Cụ thể, Trường phổ thông DTBT THCS Nậm Chà đưa hoạt động học sinh mặc trang phục dân tộc mình ở mỗi giờ sinh hoạt ngoại khóa, ngày thứ 2 đầu tuần. Bởi thế, sân trường mỗi dịp hoạt động là rực rỡ sắc màu trang phục dân tộc truyền thống của các em người Dao, người Mông, người Cống…
Lồng ghép các hoạt động văn hóa vào chương trình dạy và học
Thầy Bùi Văn Phi, Hiệu trưởng Trường phổ thông DTBT THCS Nậm Chà, cho biết, nhà trường nỗ lực, khuyến khích đưa văn hóa truyền thống đặc trưng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn vào trong những buổi học ngoại khóa. Trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học, góp phần giải quyết những vấn đề của địa phương.
“Không chỉ tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa, chào cờ, văn hóa văn nghệ, vào những tiết học: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Âm nhạc, đặc biệt là môn Giáo dục địa phương, giáo viên bộ môn còn khéo léo lồng ghép tuyên truyền văn hóa dân tộc vào để tăng phần hứng thú cho học sinh”, thầy Phi nói.
Xuyên suốt năm học, nhà trường thường tổ chức hoạt động vui chơi, tập hát, múa ca khúc, nhạc điệu truyền thống của các dân tộc. Từ đây, giúp học sinh giảm bớt căng thẳng sau những giờ học văn hóa và dần yêu quý, tự hào về vẻ đẹp của dân tộc mình.
Em Lý Thị Kiều (lớp 8B) chia sẻ: “Em là người Cống – một trong những dân tộc đặc biệt khó khăn, ít người trên địa bàn. Chính vì thế, em thấy việc gìn giữ những nét đẹp trong văn hóa dân tộc mình càng quan trọng. Khi đến trường, chúng em được thầy, cô giáo dục tình yêu và lòng tự tôn dân tộc, góp phần hình thành tình yêu, biết gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình”.
Xã Mường Mô có tới 320 học sinh, đa số là con em đồng bào Thái. Việc giúp các em duy trì, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc Thái luôn được Trường Tiểu học Mường Mô chú trọng, quan tâm, áp dụng nhiều biện pháp linh hoạt trong giảng dạy.
Cô Phạm Thị Thanh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Mường Mô đi đầu, về đích xây dựng nông thôn mới sớm nhất của huyện Nậm Nhùn, vấn đề tuyên truyền cho thế hệ trẻ hiểu và dần hình thành ý thức duy trì, phát huy nét đẹp của dân tộc là rất cần thiết. Để làm được điều đó, vai trò của giáo viên là người địa phương hết sức quan trọng; thông qua việc giữ gìn tiếng nói, trang phục, các bài ca, điệu múa, thầy, cô giáo là người địa phương cần làm gương cho học sinh”.
Thời gian tới, huyện Nậm Nhùn cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện sẽ tập trung chỉ đạo nhà trường tăng cường giảng dạy môn giáo dục địa phương. Qua đây, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư các dân tộc, hình thành những năng lực, phẩm chất cần có ở chương trình giáo dục phổ thông mới.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.