Năm 2016, thị trường bất động sản (BĐS) cho thấy sự lệch pha cung - cầu trong các phân khúc cũng như việc nguồn vốn tín dụng BĐS sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, hạn chế nguồn vốn ngắn hạn vào thị trường. Nhu cầu nhà ở vẫn là vấn đề cấp bách, do đó năm 2017 được dự báo nhu cầu nhà ở giá rẻ sẽ phát triển mạnh.
Nhu cầu bức thiết
Theo thống kê, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với khoảng hơn 50.000 cặp vợ chồng trẻ kết hôn có nhu cầu về nhà ở cùng với lượng dân nhập cư vào thành phố ngày một đông, trong số đó rất nhiều người chưa có nhà. Bên cạnh đó, số lượng sinh viên ra trường hàng năm ở lại lập nghiệp tại thành phố cần một chốn an cư để lập nghiệp cũng ở mức cao. Những đối tượng trên đa số có nguồn vốn tích lũy chưa nhiều hoặc có nguồn thu nhập chưa cao. Vì thế, phân khúc căn hộ với giá bán trên dưới 1 tỷ đồng được đánh giá có nhu cầu cao và tương đối phù hợp.
Bên cạnh đó, tại các đô thị lớn như, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, hàng năm đón nhận thêm hàng triệu lao động từ các vùng nông thôn chuyển ra thành thị sinh sống đặc biệt công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì thế, hàng năm tại các đô thị lớn sẽ cần thêm hàng chục triệu m2 về nhà ở. Vấn đề dân số tăng cơ học, chuyển dịch dân số từ nông thôn ra thành thị, tách hộ… đang cùng diễn ra cho thấy nhu cầu về nhà ở trung và dài hạn của Việt Nam rất lớn. Nhìn ra các nước trong khu vực, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ thấp. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại giá trung bình, giá rẻ để phù hợp với nhu cầu thật cũng như giải quyết được bài toán lệch pha cung - cầu trên thị trường BĐS được xem cần thiết trong năm 2017.
Thị trường BĐS năm 2017 được đánh giá nhu cầu nhà ở phân khúc vừa túi tiền sẽ chiếm lĩnh thị trường
Theo thông tin từ đơn vị nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam, trong giai đoạn năm 2015 tới 2017, phân khúc căn hộ trung cấp và cao cấp dù có tính thanh khoản ổn định và được ưa chuộng, song những căn hộ giá vừa túi tiền trên dưới 1 tỷ đồng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại của người dân, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Năm 2017, được đánh giá nguồn cung căn hộ giá rẻ sẽ tăng hơn so với năm 2016 với sự tham gia nhiều “ông lớn” đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS. Cụ thể, Tập đoàn Vingroup, Mường Thanh cũng cam kết đẩy mạnh đầu tư vào phát triển nhà bình dân, cho thấy một tín hiệu tốt vào thị trường BĐS năm 2017 ở phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ. Theo đó, tập đoàn VinGroup sẽ phát triển 200.000 - 300.000 căn nhà với giá từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/căn trong 5 năm tới tại các đô thị lớn ở Việt Nam, trong đó có TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Tập đoàn Mường Thanh, Công ty Hoàng Quân cũng dự kiến đưa hàng ngàn căn hộ dành cho đối tượng chính sách, công nhân và người có thu nhập thấp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam từ nay đến năm 2019, điều này sẽ đáp ứng được phần nào nhu cầu thực của người dân.
Sự thông thoáng từ chính sách
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ X, trong đó nhấn mạnh "Chương trình chỉnh trang đô thị cũ" với 03 chương trình lớn như chương trình chỉnh trang nhà trên và ven kênh rạch, chương trình xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng, chương trình chỉnh trang các khu dân cư cũ. Song song với đó là chương trình phát triển các khu đô thị mới định hướng phát triển các khu đô thị vệ tinh. Việc phát triển nhà ở xã hội, sự chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại vừa túi tiền, giải quyết nhà ở cho sinh viên, công nhân, lao động, cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, người thu nhập thấp đô thị, người nhập cư sẽ là những chương trình động lực thúc đẩy thị trường BĐS thành phố phát triển theo hướng lành mạnh và bền vững.
Năm 2017, Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cũng đánh giá sẽ có những tác động của hệ thống pháp luật, trước hết là pháp luật về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng, đầu tư, đấu thầu, tín dụng, tiền tệ, thuế..… đang và sẽ tiếp tục được hoàn thiện. Tuy nhiên, xu hướng tác động tích cực hơn so với thời gian trước đây.
Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thì nhiều Bộ ngành như, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng có những chính sách nhằm hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp. Cụ thể, hạn chế nguồn vốn tín dụng vào BĐS cao cấp để tập trung cho nhà ở thương mại giá rẻ. Theo đó, sẽ dành một phần chi ngân sách hỗ trợ lãi suất cho vay đối với phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội. Minh chứng đầu năm 2017, thị trường BĐS đã đón nhận tin vui khi Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định theo quy định tại Nghị định số 100/2015/NĐ - CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, mức lãi suất áp dụng là 5%/năm với thời hạn vay tối thiểu 15 năm kể từ ngày giải ngân khoản vay đầu tiên đối với các đối tượng được vay vốn quy định tại Điều 49 của Luật Nhà ở.
Lại Hùng
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.