UBND thị xã Sơn Tây đang khẩn trương triển khai tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây cho người dân và du khách khi đến nơi đây để tham quan và tìm hiểu những giá trị văn hóa của mảnh đất xứ Đoài, dự kiến ngày 30/4 và 1/5 sẽ hoạt động.
Tuyến phố đi bộ thí điểm đoạn từ cổng cũ trụ sở UBND thị xã Sơn Tây (phố Phó Đức Chính) đến cầu Cửa Tiền (ngã ba phố Quang Trung - Nguyễn Thái Học). Với chiều dài 820 m, tuyến phố đi bộ gồm: Tuyến phố Phó Đức Chính, Phan Chu Trinh, đường dạo phía ngoài của Thành cổ Sơn Tây, vườn hoa trung tâm thị xã, quảng trường khu vực vườn hoa trung tâm, sân trước khu vực Trung tâm văn hóa thị xã, quảng trường sân vận động thị xã. Thời gian hoạt động tuyến phố đi bộ từ 19 giờ ngày thứ Bảy đến 12 giờ ngày Chủ nhật.
Ông Nguyễn Huy Khánh, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, đến thời điểm hiện nay, các đơn vị đã hoàn thành toàn bộ công tác chỉnh trang hè phố, sơn kẻ vạch đường các tuyến phố xung quanh Thành cổ và một số tuyến phố lân cận khu vực hoạt động của phố đi bộ; hoàn thành lắp đặt biển thông tin, biển chỉ dẫn quanh hào Thành cổ; triển khai lắp đặt hàng rào tiểu cảnh.
Công tác chỉnh trang các hạng mục bên trong Thành cổ Sơn Tây cũng được gấp rút thực hiện. Trong đó, dự án bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành cổ Sơn Tây đã thi công được khoảng 80% khối lượng, các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thiện như hệ thống đường dạo, sân nghỉ…
Dự án gia cố, cải tạo các đoạn kè bờ hào bị sạt lở và số hóa hệ thống cây xanh tại di tích Thành cổ Sơn Tây được giao cho Ban quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm triển khai. Dự án đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Khi đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ, người dân và du khách có thể trải nghiệm, thưởng thức các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại, ca nhạc đường phố, nhảy dân vũ, vẽ chân dung, ký họa, thư pháp, đua thuyền, câu cá, múa rối nước…
Thị xã Sơn Tây cũng sẽ tổ chức triển lãm tranh, ảnh, giới thiệu sách, báo, tạp chí; hoạt động vui chơi của thanh niên, thiếu nhi; các dịch vụ ẩm thực; giới thiệu hàng lưu niệm, sản phẩm đặc trưng của Sơn Tây. Các gia đình nằm trong khu vực này vẫn có thể mở cửa kinh doanh những mặt hàng hiện có.
Tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ tư của TP Hà Nội, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 Phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội) và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.
Ngoài thành cổ Sơn Tây vùng đất này còn có làng cổ Đường Lâm, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của con người xứ Đoài, với những ngôi nhà mang đậm chất vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.