Hơn 130 giáo viên THCS ở Diễn Châu (Nghệ An) bị điều chuyển xuống dạy tiểu học đang làm cho dư luận xôn xao và đặt câu hỏi: Chất lượng giáo viên điều chuyển xuống dạy cấp học dưới như thế nào? Liệu chất lượng giáo dục có đảm bảo?
Thừa - thiếu mang tính cục bộ
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT), trên 43 tỉnh, thành của cả nước hiện đang thiếu gần 76.000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non thiếu đến 40.000 người.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, tính đến ngày 15/8, trên phạm cả nước có gần 310.000 giáo viên mầm non và nếu so với định mức mà Bộ GD - ĐT, Bộ Nội vụ đã thống nhất thì số giáo viên mầm non còn thiếu khoảng 40.000 người. Số giáo viên mầm non thiếu chủ yếu tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và ở Điện Biên.
Ở cấp tiểu học thiếu gần 19.000 giáo viên. Trong khi cấp THCS và THPT xảy ra tình trạng thừa - thiếu cục bộ. THCS thiếu 10.000 người nhưng cũng lại thừa 12.000 người; còn bậc THPT thì thiếu trên 3.000 giáo viên. Đây là tình trạng thừa, thiếu cục bộ xảy ra trong một tỉnh, huyện và nhà trường. Có nhà trường thiếu giáo viên do không có người dạy môn này, nhưng ở môn học khác lại thừa...
Theo bà Nghĩa, tình trạng thừa - thiếu giáo viên xảy ra cục bộ do nhu cầu gửi con em ngày càng tăng cao, đặc biệt là những khu công nghiệp có lượng công nhân nhiều từ nơi khác đến làm việc và sinh sống, từ các khu chung cư được đưa vào sử dụng, từ việc tinh giản biên chế, từ công tác quy hoạch và dự báo ở các địa phương, từ những năm gần đây các địa phương không có chỉ tiêu tuyển dụng...
“Giải quyết tình trạng thiếu - thừa giáo viên, một mình Bộ GD - ĐT khó có thể làm nổi do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục thuộc UBND các cấp và ngành Nội vụ. Chúng tôi đã đề nghị các địa phương điều tiết giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ cấp học thừa sang cấp học thiếu để khắc phục tình trạng có học sinh mà không có giáo viên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư để giảm tải cho trường công”, bà Nghĩa nói.
Điều chuyển giáo viên cấp học trên dạy cấp học dưới: Liệu có khả thi?
Theo thông tin được đăng tải trên các báo, có 131 giáo viên dạy hai môn Văn, Toán bậc THCS ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) vừa bị điều chuyển xuống dạy tiểu học trong huyện bắt đầu từ năm học 2018 - 2019. Việc bị điều chuyển đầu năm học mới khiến một số giáo viên bức xúc.
Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi tham khảo ý kiến với nhà giáo Phùng Minh Vượng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều. Đặt câu hỏi với nhà giáo lão thành có kinh nghiệm quản lý và đứng lớp dạy môn Văn hàng chục năm, đến bây giờ lại đang làm quản lý một trường THPT tư thục trên địa bàn TP. Hà Nội về việc điều chuyển giáo viên cấp học trên xuống dạy cấp học dưới, bà cho biết: “Trong quá trình được đào tạo tại các nhà trường sư phạm, chỉ riêng đối với các cấp học mầm non và tiểu học là có chương trình đào tạo riêng, cho nên mới có khoa giáo dục tiểu học và khoa giáo dục mầm non. Đây là hai đối tượng học sinh rất cần thiết phải có phương pháp giáo dục riêng biệt, vì mầm non là các cháu nhỏ đến trường để bắt đầu làm quen với sinh hoạt tập thể, hoạt động tập thể, biết hát múa…; còn tiểu học là cấp học mà các em bắt đầu được học biết chữ, biết đọc và luyện tập những kiến thức sơ khai nhưng cơ bản nhất, do vậy, đòi hỏi ở những giáo viên dạy ở hai cấp học này phải có kỹ năng vừa làm mẹ, biết chăm sóc trẻ, biết nuôi dạy, đồng thời vừa phải là những người dạy dỗ, hướng dẫn, rèn luyện các em để hình thành thói quen, tư duy, phương pháp học tập sau này.
Đối với giáo viên dạy ở cấp học khác sẽ đơn giản hơn trong quá trình dạy cho học sinh, vì học sinh đã được các thầy cô giáo ở các cấp học mầm non, tiểu học uốn nắn, hình thành mọi thói quen, tư duy, phương pháp học tập, nên ở các cấp học THCS và THPT, giáo viên chỉ cần có phương pháp dạy học tốt, phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, nâng cao phương pháp để lựa chọn những học sinh có khả năng đặc biệt, tạo điều kiện cho các em sau này được phát triển. Do vậy, chỉ có thể điều chuyển giáo viên ở cấp học THPT xuống cấp học THCS là hợp lý.
Việc điều chuyển giáo viên từ cấp bậc học THPT xuống THCS thì có thể được, nhưng cần phải được đào tạo lại phương pháp và phải có thời gian để làm quen với học sinh cấp học đó. Còn đối với các giáo viên từ cấp học THCS xuống cấp học tiểu học thì cần phải có thời gian đào tạo, thậm chí rất khó khăn để đảm bảo cho chất lượng giáo dục”.
Thận trọng trong điều chuyển
Theo nhà giáo Phùng Minh Vượng, việc điều chuyển giáo viên ở cấp học cao hơn xuống cấp học thấp hơn để giảng dạy mà cụ thể là từ cấp học THCS xuống cấp học tiểu học hoặc mầm non để giải quyết vấn đề thừa thiếu giáo viên cục bộ đang xảy ra tại một số địa phương cần phải hết sức thận trọng. Vì đối tượng dạy học ở hai cấp học khác nhau, hơn nữa, trong quá trình đào tạo cũng có sự chuyên biệt.
Tham khảo ý kiến của một hiệu trưởng trường THCS trên địa bàn của TP. Hà Nội, chúng tôi được cô giáo này chia sẻ: Trước đây, tôi được đào tạo giáo viên dạy môn Toán THPT. Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi được phân công đi về địa phương để giảng dạy tại một trường cấp III tên gọi lúc bấy giờ. Sau này nhà nước có chủ trương hợp lý hóa nên tôi xin chuyển về gần nhà và được tiếp nhận dạy môn Toán tại một trường THCS.
“Theo tôi, việc điều chuyển giáo viên ở cấp học trên xuống cấp học dưới chỉ phù hợp ở hai cấp học, đó là THPT xuống THCS, còn đối với giáo viên đang dạy THCS điều chuyển xuống để dạy cấp tiểu học hoặc mầm non là không khả thi”, vị giáo viên này cho hay.
Hiện tượng thiếu giáo viên đang diễn ra ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước là một vấn đề nan giải của ngành GD-ĐT trước mỗi năm học mới. Sự mất cân đối này dẫn đến tình trạng phải điều chuyển giáo viên tại Nghệ An vừa qua làm dư luận không yên tâm về chất lượng giáo dục ở đây.
Trong Hội nghị Tổng kết năm học 2017 - 2018 và phướng hướng nhiệm vụ cho năm học mới 2018 - 2019 do Bộ GD - ĐT tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết: Không cho phép điều chuyển giáo viên ở cấp học thừa xuống dạy ở cấp học thiếu để bảo đảm chất lượng giáo dục.
Phó thủ tướng chỉ rõ: Nghị quyết về tinh giản biên chế nêu từ nay đến 2021 giảm 10% biên chế hưởng lương, nhưng không phải là cắt 10% biên chế giáo viên. Nghị quyết sẽ chủ yếu tinh giản biên chế gián tiếp. Còn tinh thần là phải đủ giáo viên để dạy… Giáo viên cấp nào dạy cấp đó, không được máy móc điều giáo viên cấp này dạy cấp khác do thừa-thiếu hay tinh giản.
Chủ trương của Chính phủ là như vậy nên việc điều chuyển giáo viên ở các cấp học trên xuống cấp học dưới cần phải được xem xét lại.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.