Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, một số địa phương thực hiện chưa nghiêm hoạt động đấu giá, có hiện tượng để lộ thông tin, thông đồng giữa người tham gia đấu giá và bên tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 (ngày 4/4), phóng viên đã đặt câu hỏi với Bộ Tài nguyên và Môi trường liên quan đến việc giá đất nhiều nơi đang tăng nhanh, có hiện tượng sốt đất, liệu rằng đây có phải bong bóng bất động sản? Và đề nghị Bộ này cho biết giải pháp nhằm xử lý tình trạng này.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, trong 2 năm qua, dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước và quá trình đầu tư, sản xuất; đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu tư hướng dòng tiền sang đất đai và các kim loại quý hiếm như vàng.
Theo ông Lê Công Thành, cũng có thể có lý do nữa là 2 năm 2020, 2021 cũng là giai đoạn đầu mà các bộ, ngành, địa phương triển khai các quy hoạch; một số nhà đầu tư đã tranh thủ dịp này để mua gom đất, phân lô, bán nền nhằm kiếm lời bất hợp pháp.
"Hiện tượng giá đất tăng cục bộ tại một số địa phương đã ảnh hưởng, làm mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư tại địa phương, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương và ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô.
Một số nơi thực hiện chưa nghiêm hoạt động đấu giá, có hiện tượng để lộ thông tin, thông đồng giữa người tham gia đấu giá và bên tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất", Thứ trưởng Lê Công Thành nêu rõ.
Bàn về các giải pháp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, về đấu giá quyền sử dụng đất, giá bất động sản có trách nhiệm của một số Bộ, ngành, trong chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao.
"Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 1454/BTNMT-TCQLĐĐ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất vào ngày 30/3/2021 gửi UBND các địa phương, trong đó Bộ khuyến cáo các địa phương tăng cường kiểm soát chặt các dự án bất động sản, nhất là bất động sản hình thành trong tương lai. Bảo đảm việc theo đúng pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản đủ các điều kiện, không những theo luật đất đai và còn theo quy định pháp luật về đầu tư, luật kinh doanh bất động sản", ông Lê Công Thành cho biết.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các địa phương công khai thông tin quy hoạch để người dân tiếp cận, tránh để giới đầu tư lợi dụng, thổi giá đất. Đặc biệt, cần có biện pháp quản lý sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt. Quản lý để quy hoạch được triển khai nghiêm túc nhất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến cáo thực hiện nghiêm quy định về đăng ký quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất. "Việc này giúp cho việc thu nghĩa vụ thuế và kiểm soát giao dịch ảo của giá đất, giá bất động sản. Đặc biệt quản lý chặt chẽ việc tách thửa đất, xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng .Sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư", ông Thành nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã khuyến cáo các địa phương có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ ra thị trường thông qua tạo quỹ đất sạch để đấu giá theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.