Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 12 năm 2018 | 16:48

Thủ tướng chỉ ra các ‘từ khóa’ phát triển cho An Giang

Chứng kiến dòng vốn hơn 132.000 tỷ đồng đầu tư vào An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng sứ mệnh của vùng đất mang tên “Dòng sông yên lành” là mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam.

Vẻ đẹp này cần được nhận diện và trở thành quốc kế dân sinh mới cho sự phát triển của du lịch Việt Nam.

nqh_4856.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang sáng 15/12, bày tỏ niềm vui khi về thăm một trong những vùng đất huyền thoại, chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh, có sức hấp dẫn bậc nhất của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng và tiến trình hình thành đất nướcViệt Nam nói chung, Thủ tướng đã chia sẻ những cảm nhận, đánh giá về tiềm năng của An Giang.

Theo nghiên cứu khảo cổ, vùng đất này từ 2.000 năm trước đã chứng kiến sự phát triển rực rỡ và huyền bí của nền văn minh Óc Eo, là nơi có nền thương mại phát triển sôi động ở Đông Nam Á cổ xưa, là trung tâm giao lưu trên bến dưới thuyền, từng kết nối với Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu.

Có thể nói, vùng đất này đã tham gia vào hệ thống thương mại toàn cầu từ rất sớm, xét trên bình diện lịch sử của châu Á. Ngược lại, chính những điều kiện nêu trên đã góp phần đưa miền đất An Giang trù phú của ĐBSCL trở thành trung tâm hội tụ các giá trị văn hóa và tâm linh, hòa quyện bản sắc của cộng đồng dân cư như người Hoa, Khmer, Chăm, người Kinh và giữa các tôn giáo Phật giáo, Cao Đài, Công giáo, Tin lành, Tịnh độ cư sĩ, Tứ ân hiếu nghĩa, Hồi giáo…

Vùng đất này cũng là nơi quy tụ biết bao nhân sĩ, trí sĩ và trí thức yêu nước và nơi đây chứng kiến tầm nhìn xa trông rộng, sự hy sinh cũng như nhiều quyết tâm, hoài bão của các bậc tiền nhân từ những cư dân đầu tiên và tiếp nối qua nhiều thế hệ.

An Giang ngày nay không chỉ là vựa lúa, vựa cá, là vùng đất linh thiêng với hệ sinh thái đa dạng hàng đầu của ĐBSCL xét về lịch sử hình thành và phát triển, cha ông chúng ta đã “mưu xa, nghĩ lớn” về nơi đây như một vùng biên giới vững chắc, về giao thương, hòa bình và thịnh vượng cho nhân dân.

“Tất cả những điều trên đã và đang tái hiện trong tâm trí tôi với tất cả kỳ vọng, một niềm tin mạnh mẽ về một An Giang nối tiếp lịch sử để bước chân mạnh mẽ hơn nữa vào một giai đoạn hội nhập phát triển mới”, Thủ tướng nói. “Có một điều ngẫu nhiên thú vị và có lẽ hàm chứa cả sự may mắn cho hôm nay. Đó là chúng ta đang cùng nhau sống trong ngày hội bóng đá với tinh thần thể thao và tinh thần dân tộc thực sự hòa quyện với nhau. Tôi có niềm tin và xin chúc mỗi nhà đầu tư đến với An Giang hôm nay đều sẽ tài tình, chính xác và đi đến thắng lợi cuối cùng như ông Park Hang-seo trong lĩnh vực kinh doanh”. 

Thủ tướng chụp ảnh cùng các nhà đầu tư được An Giang cấp phép đầu tư tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chúc mừng An Giang đã cấp cấp giấy phép, chứng nhận đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư với hơn 132.000 tỷ đồng, Thủ tướng bày tỏ xúc động khi nghe một chuyên gia Hà Lan phát biểu về những giá trị cốt lõi của đất An Giang cùng với các tham vấn có tính thực tiễn và giàu ý nghĩa. 

Cho rằng chủ đề hội nghị có 2 từ khóa rất quan trọng là kết nối và hợp tác, Thủ tướng đề nghị “tất cả chúng ta hãy cùng nhau hành động nhất quán theo tinh thần đó”. 

Theo Thủ tướng, hội nghị hôm nay là chỉ dấu cho thấy nhiều khả năng năm 2019 và những năm tiếp theo, An Giang sẽ tiếp tục có những bứt phá quan trọng, đưa địa phương này trở thành một trong những ví dụ thành công sau Nghị quyết 120 về ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Là tỉnh đông dân nhất vùng, nằm ở vị trí đầu nguồn sông Cửu Long, mỗi một thành công của An Giang có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của Nghị quyết 120 cũng như sức bật của toàn Tây Nam Bộ.

Sứ mệnh của An Giang 

Với tinh thần kết nối và hợp tác để thành công, Thủ tướng khái quát một số quan điểm chiến lược vì sự phát triển của An Giang.

 

Trước hết, với hai nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy song song gần 100 km, An Giang được thiên nhiên ban tặng những giọt phù sa màu mỡ khó có nơi nào sánh bằng. Do vậy, An Giang không những là vựa cá, vựa lúa, nguồn xuất khẩu nông thủy sản chiến lược, không những chỉ là chỉ dẫn địa lý cho các thương hiệu lúa gạo, cá da trơn toàn cầu… mà tỉnh cần tích cực thu hút những doanh nghiệp tầm cỡ và từ đây phát triển những thương hiệu toàn cầu về nông sản Việt, gắn với các yếu tố đặc thù, độc đáo của địa phương An Giang. 

Cho rằng liên kết vùng là vấn đề rất quan trọng đối với sự phát triển của An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung, Thủ tướng nêu rõ lợi thế về nông sản, thủy sản, du lịch miền sông nước là lợi thế của cả ĐBSCL, của các doanh nghiệp và các thị trường mang tính bền vững, không bị chia cắt bởi địa giới hành chính. Do vậy, sẽ rất khó để mỗi địa phương cũng như cả ĐBSCL phát triển với cách “mạnh ai nấy làm”. 

An Giang chính là nét chấm phá trong bức tranh Mekong, là bảo tàng sinh thái tự nhiên và văn hóa độc đáo của ĐBSCL. Sứ mệnh của An Giang là phải mở mang tầm nhìn của du khách về vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam. An Giang, nơi hội tụ, giao thoa các giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo và tâm linh, cần được bảo tồn, cần được du khách khắp thế giới biết đến. 

“Vừa rồi, tôi làm việc với Tập đoàn tư vấn nổi tiếng BCG của Mỹ về mục tiêu đưa Mekong trở thành điểm đến sông nước số 1 châu Á khi họ trình bày ý tưởng, tôi liên tưởng đến rất nhiều về tỉnh nhà trong phát triển du lịch”, Thủ tướng nói. 

An Giang không chỉ thuộc về ĐBSCL, hạt lúa, con cá do người nông dân và doanh nghiệp nơi đây nuôi trồng và đi rất nhiều nơi trên thế giới. An Giang ngày nay là cửa ngõ quan trọng của ĐBSCL, hướng về thị trường Campuchia, toàn bộ thị trường ASEAN và hàng chục nước ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. 

Trong toàn bộ tiến trình lịch sử và phát triển của vùng đất này, An Giang tất yếu là một phần di sản cần được bảo tồn, cần được biết đến trên mọi phương diện văn hóa, tôn giáo, lịch sử của châu Á. Đây cũng là vẻ đẹp tiềm ẩn cần được nhận diện và trở thành quốc kế dân sinh mới cho sự phát triển của du lịch Việt Nam. 

Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Thủ tướng lưu ý rằng những kiến tạo địa chất đặc biệt hàng triệu năm trước ở An Giang đã hình thành 7 ngọn núi giữa vùng ĐBSCL thẳng cánh cò bay là sự hàm chứa giá trị tâm linh đậm chất phương Đông trong một vùng đất có sự giao thoa về tôn giáo và tín ngưỡng. Điều này rất hấp dẫn du khách. Đối với các nhà đầu tư, đây là yếu tố phong thủy rất tốt cho sự phát triển bền vững.

Nhân sự kiện hôm nay, Thủ tướng mong muốn có nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến An Giang đầu tư, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, trong đó có phần lợi nhuận của doanh nghiệp, công ăn việc làm, thu nhập của người dân và tạo nguồn thu ngân sách cho chính quyền. Đây không phải là câu chuyện của nhà nước và doanh nghiệp mà đây thực sự là sự chung tay của tất cả các bên có liên quan.

Với niềm vui về các dự án được cấp giấy chứng nhận, xúc tiến hôm nay, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp nói đi đôi với làm, quyết tâm làm ăn bền vững, thực hiện tốt tam giác phát triển “kinh tế, xã hội và môi trường”.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Nhân dịp này, Thủ tướng công bố cho các nhà đầu tư định hướng quy hoạch giao thông đối với An Giang, với 4 phương thức vận tải với mong muốn “phải tìm cách làm đại lộ để có đại phú”. Trong đó, về đường bộ, đối với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 54 km, Chính phủ đang tháo gỡ vướng mắc cơ chế chính sách về lãi suất cho dự án để bảo đảm tiến độ cơ bản thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành vào năm 2021.

“Tuyến TP.HCM, Trung Lương, Mỹ Thuận, Cần Thơ đến Cà Mau là tuyến tôi day dứt rất nhiều. Tôi đã cùng thảo luận với các thành viên Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là mong mỏi của nhân dân ĐBSCL”, Thủ tướng bày tỏ. Còn với cầu Vàm Cống, sẽ khắc phục sự cố nứt dầm và hoàn thành thi công toàn bộ khối lượng còn lại trong tháng 3/2019.

Tại Hội nghị, Bộ VHTT&DL đã trao quyết định công nhận khu du lịch Núi Sam là “Khu Du lịch quốc gia”. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Lẫm (trú tại phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) có chồng, chị và em là liệt sĩ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm hỏi, động viên gia đình bà Nguyễn Thị Lẫm, 80 tuổi, là con của Mẹ Việt Nam Anh hùng, có chồng, chị và em là liệt sĩ, trú tại phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên.

 

Đức Tuân
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top