Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 22/CT-TTG về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước.
Chỉ thị nêu rõ: Hiện nay, trên cả nước có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang hoạt động, đã phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi vừa và nhỏ đã được xây dựng từ nhiều năm trước, trong điều kiện thiếu kinh phí, số liệu tính toán, kinh nghiệm thiết kế, kỹ thuật thi công hạn chế, đặc biệt đa số hồ chứa nhỏ được thi công bằng thủ công, nhiều đập, hồ chứa nước không phù hợp với điều kiện mưa, lũ cực đoan hiện nay. Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành đập, hồ chứa thủy lợi còn mỏng, không bảo đảm năng lực chuyên môn, nhất là hồ nhỏ thiếu kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên nên nhiều hồ đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn và đe dọa tính mạng người dân và tài sản vùng hạ du.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn đập, hồ chứa nước của các Bộ, ngành, địa phương dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn lúng túng, bị động. Công tác quản lý, giám sát chất lượng công trình xây dựng trong thiết kế, thi công một số đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ, nhất là đối với công trình do chính quyền cơ sở, các hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư còn hạn chế, chưa chặt chẽ. Việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước chưa đầy đủ, nghiêm túc; chưa xây dựng phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập, hồ chứa nước; chưa thực hiện kiểm tra, kiểm định và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của đập, hồ chứa nước...
Triển khai các biện pháp cấp bách bảo đảm an toàn hồ, đập
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường và sự xuống cấp theo thời gian tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến mất an toàn đập, hồ chứa nước; trước thực tế một số hồ đập trong nước và quốc tế đã xảy ra sự cố thời gian qua, để đảm bảo an toàn, nhất là đối với các đập, hồ chứa nước quy mô lớn, tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao thành lập ngay các đoàn công tác phối hợp với các địa phương kiểm tra các đập, hồ chứa nước có quy mô lớn, các đập có nguy cơ mất an toàn, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách để bảo đảm an toàn, đồng thời chủ động xây dựng phương án ứng phó trong mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho đập và vùng hạ du.
Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; phân cấp quản lý gắn với trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư trong việc quản lý đầu tư xây dựng đập, hồ chứa nước; rà soát, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; rà soát, quy định chặt chẽ về năng lực của chủ đầu tư, tổ chức tư vấn và nhà thầu thi công đập, hồ chứa nước để nâng cao chất lượng công trình; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật, hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương đối với công tác quản lý đầu tư, xây dựng đập, hồ chứa nước.
Lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chấn chỉnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, rà soát các dự án đập, hồ chứa nước chưa triển khai xây dựng, kiên quyết dừng thực hiện các dự án hiệu quả thấp, ảnh hưởng lớn đến môi trường, xã hội, không đảm bảo phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, củng cố lực lượng quản lý chuyên trách, đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, đặc biệt là đối với các đập, hồ chứa thủy lợi vừa và nhỏ, các đập, hồ chứa thủy điện do tư nhân đầu tư, quản lý; thường xuyên thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa.
Rà soát, chấn chỉnh việc kê khai đăng ký an toàn đập; lập, phê duyệt và thực hiện quy trình vận hành hồ chứa nước; lắp đặt thiết bị quan trắc công trình, hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng trên lưu vực hồ chứa nước; lắp đặt hệ thống giám sát vận hành hồ chứa, hệ thống thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du; lưu trữ hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu; xây dựng quy trình vận hành cửa van, quy trình bảo trì công trình; thực hiện cắm mốc chỉ giới xác định phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước; xây dựng phương án bảo vệ, phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho đập, hồ chứa nước; thực hiện kiểm tra, kiểm định và kiểm tra tính toán lại dòng chảy lũ, khả năng xả lũ của đập, hồ chứa nước.../.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.