Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 9 năm 2021 | 16:12

Thủ tướng: Khởi tố hình sự một số vụ khai thác thủy sản bất hợp pháp để răn đe

Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

thu_tuong_2_0.jpg

Ngày 7/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan với các tỉnh, thành phố có biển về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Cuộc họp được kết nối giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ và các điểm cầu tại 28 tỉnh, thành phố; 144 huyện, thị xã và 392 xã, phường, thị trấn có biển. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ: Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt; Ban Chỉ đạo, các Ban, Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua đã rất tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Phía EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 02 lần vào các năm 2017, 2019; ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chúng ta và giảm từ 9 xuống 4 khuyến nghị đối với Việt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được “Thẻ vàng” mà nguy cơ cao bị nâng lên “Thẻ đỏ”. Tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài – đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng; EC đã khẳng định sẽ không gỡ “Thẻ vàng” nếu còn tình trạng này. Các tỉnh có tàu cá vi phạm đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản, đến nay mới đạt 27.628/30.609 tàu cá (90,26%); hơn nữa, lắp đặt rồi thì lại ngắt kết nối khi đánh bắt với số lượng lớn.

Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm; có địa phương thì xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền nhắc nhở.

Nguyên nhân không chỉ từ nhận thức của người dân mà còn là tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa quyết liệt của một bộ phận cán bộ, cơ quan trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ.

Thủ tướng cơ bản thống nhất với các đề xuất, giải pháp mà các đại biểu tham dự cuộc họp đã nêu trên tinh thần là chúng ta phải quyết tâm gỡ cho được “Thẻ vàng” của EC trong năm 2022. Để thực hiện điều này, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, các Ban, Bộ, ngành và 28 địa phương ven biển tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, Ngành và địa phương: Trên bờ: Kiểm soát chặt chẽ ngay từ khi tàu cá xuất bến hoạt động trên biển để phát hiện, ngăn chặn xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm, khi tàu về bờ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát để xử lý, tránh bỏ sót các vụ việc vi phạm; đảm bảo tàu cá khi xuất bến hoạt động trên biển phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục, giấy tờ và trang thiết bị theo đúng quy định của pháp luật; Trên biển: Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm tại các khu vực vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Ban, Bộ, ngành có liên quan tham mưu, đề xuất ranh giới cho phép tàu cá hoạt động khai thác hải sản tại các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp. Tăng cường công tác nắm tình hình tại các nước bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam, phối hợp với nước sở tại thu thập thông tin, hồ sơ bằng chứng tàu cá vi phạm để kịp thời trao đổi với cơ quan chức năng trong nước củng cố hồ sơ, bằng chứng tàu cá vi phạm, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an chỉ đạo tập trung điều tra, củng cố hồ sơ, xử lý dứt điểm các đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài (trong năm 2021 đưa khởi tố hình sự một số vụ việc để răn đe, làm gương).

 

khai-thac-thuy-san.jpg
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp thủy sản chung tay kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành Đề án được giao về phòng, chống khai thác IUU; tăng cường kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Đề xuất kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU các nội dung, giải pháp, điều kiện cần thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng”; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển để tổ chức triển khai đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, hệ thống thông tin quản lý nghề cá hiện đại, kết nối đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý nghề cá bền vững, chống khai thác IUU; trước mắt tập trung tại các Trung tâm nghề cá lớn và hệ thống các cảng cá chỉ định phục vụ cho công tác chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản từ khai thác để xuất khẩu; Phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hợp tác khai thác hải sản với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động hợp tác nghề cá, để đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hợp pháp, giảm áp lực khai thác trong nước, phát triển sinh kế của người dân.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính ưu tiên, cân đối, bố trí đủ nguồn vốn cho các Ban, Bộ, ngành và địa phương để thực hiện Đề án phòng, chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng” nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nghề cá bền vững.

Các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá, đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… và xử lý nghiêm theo quy định nếu cố tình đi khai thác hải sản trên biển.

Kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là tại các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nam Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh…

Lập danh sách, khoanh vùng đối tượng, địa bàn có tàu cá vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các địa phương có liên quan để siết chặt quản lý đối với tàu cá địa phương hoạt động thường xuyên trên địa bàn ngoài tỉnh, xử lý kịp thời tàu cá có hành vi khai thác IUU.

Ưu tiên bố trí tài chính và nhân lực cho các cơ quan quản lý thủy sản địa phương để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thực thi; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng cá, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động quản lý, kiểm soát tàu cá để đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật thủy sản tại địa phương, chống khai thác IUU.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần, trách nhiệm để xảy ra sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao.

Đối với những địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như: Bình Định, Bà Rịa Vũng Tàu, Cà Mau… đặc biệt là Kiên Giang phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các Ban, Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cùng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản: Tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ vận động các doanh nghiệp thủy sản kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản làm ăn phi pháp, hợp thức hóa hồ sơ, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU.

Ngoài các biện pháp nêu trên, chúng ta cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về chống khai thác IUU cả trong nước và ngoài nước để nâng cao nhận thức của người dân và khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trên trường quốc tế về cam kết ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng” của EC; nâng cao ý thức trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan, đơn vị trong thực thi nhiệm vụ.

 

 

Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top