Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị...
Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thuỷ sản của Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị và tiếp tục vào kiểm tra thực hiện bốn nhóm khuyến nghị đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gồm: khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.
Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế của Tổng vụ này không đáp ứng được các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu thì Việt Nam có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp thẻ đỏ. Đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu thủy sản vào EU - thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Kinh nghiệm từ các nước
Quy định về IUU được EU ban hành vào năm 2008 và có hiệu lực từ năm 2010 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại bỏ mọi hoạt động đánh bắt cá IUU. Thông thường, các quốc gia đánh bắt cá IUU sẽ bị phạt thẻ vàng cảnh cáo trong vòng 6 tháng.
Thực tế thì Việt Nam không phải quốc gia duy nhất của EU “tuýt còi” vì IUU. Trước đây, đã từng có nhiều quốc gia trên thế giới phải nhận thẻ vàng, thậm chí thẻ đỏ từ EU, do đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý.
Cụ thể, theo Tổng cục Thuỷ sản Việt Nam, đến nay đã có 25 quốc gia, vùng lãnh thổ từng bị EU áp dụng biện pháp phạt thẻ; trong đó có 6 quốc gia đã phải nhận thẻ đỏ.
Trong khu vực ASEAN, Campuchia đã nhận thẻ đỏ của EU từ tháng 3/2014, Philippines nhận thẻ vàng vào tháng 6/2014. Ngoài ra, cũng do đánh bắt cá trái phép tràn lan, Thái Lan nhận thẻ vàng từ EU vào tháng 4/2015.
Để gỡ thẻ vàng, Thái Lan đầu tư khoảng 125 triệu USD (tương đương gần 2.900 tỷ đồng) trong gần 4 năm để triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu và thực hiện cải tổ bộ máy, tổ chức thêm 10 đầu mối để kiểm soát nghề cá với khoảng gần 2.000 cán bộ.
Tất cả các tàu cá của nước này đều lắp đặt hệ thống định vị giám sát tàu cá VMS. Ngoài chi phí lắp đặt hệ thống định vị khoảng 1.000 USD, hàng tháng các chủ tàu sẽ phải trả khoảng 25 USD cho các nhà cung cấp dịch vụ định vị tàu cá VMS và ứng dụng của dịch vụ này trên điện thoại di động.
Trong khi đó, Philippines đầu tư khoảng 10 triệu EURO (tương đương 260 tỷ đồng) trong 11 tháng để triển khai thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về khai thác IUU.
Xem thẻ vàng là động lực phát triển bền vững
Việc nhận thẻ vàng trong hoạt động giao thương thủy sản từ phía EU là không hề dễ dàng đối với Việt Nam, khi những ảnh hưởng đã thấy rõ như xuất khẩu giảm sút, gia tăng chi phí kiểm tra, lưu kho hay trong dài hạn là gây tác động tiêu cực đến tâm lý các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam tại những thị trường khác.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, trao đổi với truyền thông về vấn đề thẻ vàng, Đại sứ EU tại Việt Nam Bruno Angelet lại cho hay: “Nhận được thẻ xanh là một điều tuyệt vời, nhưng cũng đừng xem thẻ vàng là một sự trừng phạt của EU. Hãy xem thẻ vàng là động lực giúp Việt Nam hiện đại hóa ngành thủy sản, nâng cao năng lực cạnh tranh tốt hơn so với các nước trong khu vực”.
Là một trong những quốc gia từng bị EU rút thẻ vàng vào năm 2014, Philippines đã rất nhanh chóng gỡ được chiếc thẻ này chỉ trong 10 tháng sau đó nhờ vào những nỗ lực rất cao của toàn bộ hệ thống chính trị. Cùng thời điểm với Philippines, Hàn Quốc cũng được EU “bật đèn xanh” cho xuất khẩu thủy sản.
Giải thích về quyết định gỡ bỏ chiếc thẻ vàng cảnh cáo đối với hai quốc gia châu Á, Ủy viên châu Âu về môi trường, các vấn đề hàng hải và thủy - hải sản Karmenu Vella cho hay, cả Hàn Quốc và Philippines đều đã có những hành động trách nhiệm trong việc sửa đổi, cải cách hệ thống pháp luật nhằm hướng tới một cách tiếp cận chủ động hơn trong cuộc chiến chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp.
Đặc biệt, phía EU thừa nhận Philipines rất có thiện chí hợp tác và đã bắt tay vào thực hiện một loạt cải cách nhằm nâng cấp hệ thống quản lý thủy sản để đến bây giờ hệ thống này đã có thể sánh ngang với luật quốc tế.
Không chỉ đơn giản là câu chuyện đối phó
Những cải cách mà “quốc gia vạn đảo” này đưa ra tập trung vào 3 nội dung chính là: sửa đổi hệ thống khung pháp lý, trọng tâm là Luật Thủy sản và nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm; cải tổ bộ máy quản lý nghề cá, tập trung vào tăng biên chế cho cơ quan thực thi pháp luật và tăng ngân sách cho thực thi pháp luật, kiểm soát các hoạt động khai thác trên biển; triển khai chương trình thực thi pháp luật, tập trung vào truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, thông qua Cơ quan Nguồn lực thủy hải sản và Nông nghiệp Philippines (BFAR), Chính phủ vào thời điểm đó đã bắt đầu đào tạo thêm lính canh biển cũng như tiến hành thu mua các thiết bị giám sát và quản lý tàu thuyền.
Đặc biệt, BFAR đã lên khung kế hoạch tầm cỡ quốc gia, bao gồm những hành động nhằm chống lại tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp và quyết định không cấp giấy phép đánh bắt cá mới trong vòng 3 năm. Đây là quyết định mà các nhà hoạt động vì môi trường và thủy - hải sản rất hoan nghênh.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên tại Philippines Joel Palma khẳng định: “Chúng tôi hoan nghênh BFAR và tất cả các bên liên quan vì thành công này, tuy nhiên, chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây. Chúng tôi đã tạo ra được một động lực để chuyển đổi ngành thủy sản của đất nước theo hướng bền vững hơn”.
Trong khi đó, Tổ chức phi chính phủ Hòa bình xanh (Greenpeace) lại cảnh báo Manila cần đảm bảo bộ Luật Thuỷ sản mới sau cải cách sẽ phục vụ cả lợi ích của ngư dân nhỏ, những người lâu nay đã phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp.
Tại Thái Lan, quốc gia cũng đang phải vật lộn với chiếc thẻ vàng từ EU trong nhiều năm nay, tình hình cũng đã khả quan hơn khi phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự hài lòng trước những nỗ lực và kết quả tích cực mà Bangkok đã đạt được trong việc đối phó với vấn đề IUU.
Trong đó, EU đặc biệt đánh giá cao việc Bangkok áp dụng hệ thống truy nguyên nguồn gốc hải sản và điều chỉnh một số quy định pháp luật nhằm hạn chế việc đánh bắt ngoài lãnh hải.
Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã huy động lực lượng đông đảo cán bộ về các địa phương để triển khai chiến dịch bồi dưỡng kiến thức, nâng cao hiểu biết và ý thức cho ngư dân, giáo dục nhận thức về sự điều tiết trong đánh bắt sẽ giúp duy trì hoạt động nghề cá một cách bền vững, từ đó đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp thủy sản Thái Lan.
Ngoài ra, việc tiến hành đăng ký lao động và quy định trả lương bằng tài khoản tín dụng cũng là những nỗ lực của Chính phủ Thái Lan nhằm giúp nâng cao mức sống và thu nhập của lao động nước ngoài.
Có thể nói, việc tái cơ cấu ngành hay liên kết hợp tác cùng hội nhập trong ngành thủy sản vừa là yêu cầu, vừa là động lực cho giai đoạn mới nhằm phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm, chứ không chỉ đơn giản là câu chuyện đối phó với chiếc thẻ vàng của EU.
Vi phạm khai thác thủy sản phạt đến 1 tỷ đồng
Phạt tới 1 tỷ đồng là một trong những mốc mới theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong khai thác thủy sản mà Thủ tướng Chính phủ vừa ký ngày 19/5. Điều này cho thấy những nỗ lực của Việt Nam nhằm tháo gỡ thẻ vàng thủy sản trong bối cảnh ít ngày nữa đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ tiếp tục sang kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ của Việt Nam.
Gỡ được thẻ vàng thủy sản của EC, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn khi xuất khẩu sang thị trường thủy sản lớn thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu lên tới 1,4 tỷ USD. Con số này sẽ còn cao hơn nhiều khi Hiệp định tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) dự kiến được ký kết vào tháng 6 này.
Theo đó, Nghị định 42/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản vừa được Chính phủ ban hành, quy định rõ mức phạt đối với vi phạm nghiêm trọng trong khai thác thủy sản. Và Nghị định này có hiệu lực thi hành từ 5/7/2019.
Đặc biệt, mức phạt cao nhất trong Nghị định là phạt tiền từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với chủ tàu cá có một trong các hành vi vi phạm sau: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên không có Giấy phép khai thác thủy sản hoặc Giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của Tổ chức nghề cá khu vực mà không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn, hoặc không có giấy chấp thuận/giấy chấp thuận hết hạn; tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn.
Bên cạnh đó, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu thủy sản khai thác, chuyển tải trái phép đối với hành vi vi phạm quy định; tịch thu tàu cá đối với hành vi vi phạm; tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định…
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chủ tàu cá phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác đối với hành vi vi phạm quy định.
Siết chặt các vấn đề kiểm tra, giám sát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của ngành thủy sản là nghiêm túc thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ; tăng cường tuần tra, giám sát thực thi pháp luật; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài… Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị 28 tỉnh, thành phố ven biển phải hoàn thành cấp hạn ngạch giấy phép khai thác cho tàu cá xong trước tháng 7/2019; nghiêm túc thu hồi giấy phép những tàu cá vi phạm vùng; đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá…
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.