Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 2 tháng 4 năm 2022 | 19:32

Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại miền Trung

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại...

Hoa màu miền Trung ngập úng do mưa lớn

Trong 24 giờ qua, hoàn lưu vùng áp thấp kết hợp với không khí lạnh gây mưa cho miền Trung. Một số trạm quan trắc ghi nhận mưa lớn như: Hương Nguyên (Thừa Thiên Huế) 430 mm; Hòa Phú Thành (Đà Nẵng) 250 mm; Thăng Bình (Quảng Nam) 470 mm; Trà Phú (Quảng Ngãi) 270 mm.

Tại Thừa Thiên Huế, một số tuyến đường tại thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, ngập 0,3-0,4 m. Nhiều diện tích lúa đang kỳ trổ bông ở các huyện Phú Vang, Quảng Điền, bị gãy đổ, ngập úng do mưa lớn kèm gió giật mạnh. Người dân đã dùng máy bơm công suất lớn để tiêu úng, cứu lúa.

Chiều 31/3, một trận lốc xoáy quét qua xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, làm 4 người bị thương, 27 nhà tốc mái, chìm 7 ghe thuyền. Chính quyền xã huy động công an, dân quân hỗ trợ người dân khắc phục.

 

Cánh đồng lúa xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam ngập nước sáng 1/4. Ảnh: Đắc Thành

Cánh đồng lúa xã Bình An, huyện Thăng Bình, Quảng Nam, ngập nước sáng 1/4. Ảnh: Đắc Thành

 

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam cho biết đến sáng 1/4, đợt mưa trái mùa khiến 19.740 ha lúa, rau màu bị hư hại, chiếm 33% tổng diện tích vụ đông xuân toàn tỉnh.

Trong mưa lớn, ông Nguyễn Văn Khánh, trú thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, cùng ba người thân ra ven sông Vu Gia thu hoạch lạc. Ông Khánh trồng 5 sào lạc, còn 10 ngày nữa mới đến kỳ thu hoạch, nhưng hiện bị ngập úng.

"Năng suất lạc không cao nhưng nếu để ngâm nước củ sẽ nảy mầm", ông giải thích và cho biết thời điểm này của 7 năm trước cũng xảy ra đợt mưa trái mùa. Nước lũ không gây ngập nhà cửa song cây trồng hư hỏng nhiều.

Mưa lớn làm nhiều diện tích lúa đông xuân đang đến kỳ làm đòng, trổ bông và bắt đầu chín ở Quảng Ngãi ngã đổ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh gieo sạ hơn 38.000 ha, diện tích bị ngã đổ chiếm 40%. Sở đã chỉ đạo với diện tích lúa chín, hạt đã chắc hơn 85%, các địa phương thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".

Mưa lớn đêm qua làm nhiều tuyến đường nội thành TP Quảng Ngãi như Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Trần Tế Xương, Quang Trung đoạn gần đại học Phạm Văn Đồng, khu đô thị Ngọc Bảo Viên ngập đến nửa mét. Một số phương tiện phải dừng vì chết máy. Đến sáng nay, mưa ngớt, nước rút chỉ còn đường Quang Trung đoạn gần đại học Phạm Văn Đồng ngập 0,3 m.

Tại tỉnh Quảng Trị, mưa phổ biến 20-50 mm, một số nơi cao hơn như A Vao, Tà Rụt và Tà Long 130 mm. Một số cầu tràn tại các xã Ba Lòng, Tà Rụt (huyện Đăkrông) và Hướng Sơn (Hướng Hóa) bị ngập 0,3-0,5 m, khiến một số thôn bản bị chia cắt cục bộ. Các địa phương đã rà soát, sẵn sàng sơ tán 4.900 hộ với 15.700 khẩu ở vùng nguy cơ bị ảnh hưởng.

Trước đó sáng 31/3, mưa lũ khiến hai người ở Tuy Hòa (Phú Yên) mất tích khi cho tôm hùm ăn, hiện đã tìm thấy một thi thể. Gần 180 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng, trong đó Phú Yên hơn 90 ghe thuyền, gần 2.500 lồng bè tôm hùm thiệt hại.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai sáng 1/4, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng đã có cảnh báo mưa lũ, song nhiều người chủ quan. "Những ngày tới cần kiên quyết khi dự báo gió giật trên cấp 8 thì không để người trên các lồng bè và không di chuyển từ lồng bè này sang lồng bè khác", ông Hiệp nói.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các tỉnh chủ động hỗ trợ người dân trục vớt thuyền bè, bởi "nếu để chậm một vài ngày thì sẽ hỏng"; lên phương án hỗ trợ người bị hư hỏng nhà, lồng bè, hoa màu, thủy sản.

Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại miền Trung

Thủ tướng vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng; Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ bất thường tại miền Trung.

 

hoa-mau-ngap.jpg
Ông Nguyễn Văn Khánh, ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) đội mưa thu hoạch lạc trồng ven sông Vu Gia. Ảnh: Đắc Thành

 

Trong Công điện, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất đến thân nhân các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương của miền Trung, đặc biệt là 2 tỉnh Bình Định và Phú Yên.

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất có thể còn tiếp tục xảy ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai, trong đó tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu.

Cụ thể, Thủ tướng đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân;

Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ nghèo, khó khăn, gia đình có người bị nạn; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, tập trung sửa chữa lại nhà cửa, gia cố lồng bè, trục vớt tàu thuyền, xử lý môi trường sau lũ, khôi phục sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kịp thời, bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người dân. Tổng hợp thiệt hại, báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp địa phương chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, hiệu quả, an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ;

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu của địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Những ngày qua tại khu vực miền Trung đã xảy ra mưa lớn, tổng lượng mưa phổ biến 200 - 500 mm, có nơi tới trên 750 mm. Đây là đợt mưa lũ bất thường ngay giữa mùa khô, kèm theo dông lốc, sóng lớn đã gây thiệt hại về người, nhà cửa, đặc biệt là thiệt hại và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, nhất là tại các tỉnh Bình Định và Phú Yên.

VOV.VN/VnExpress.net

 

Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top