Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 7 năm 2020 | 14:45

Thực hiện NĐ 100: Nhận thức của người tham gia giao thông thay đổi tích cực

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đã thực sự đi vào cuộc sống.

Điều này đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân khi tham gia giao thông, góp phần giảm mạnh cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương).

 

tr46.jpg
Người dân chấp hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hợp tác với lực lượng chức năng đo nồng độ cồn (Ảnh: Ngọc Toàn)

 

Vừa hiệu quả, vừa có tính răn đe, vừa tạo được sự đồng thuận

Từ khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, các tỉnh, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm Nghị định 100 của Chính phủ. Cùng với đó là hoạt động tuyên truyền của các cấp, các ngành và quy định xử phạt tăng từ 2 - 3 lần so với quy định trước đây, người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đa phần đã chấp hành nghiêm túc.

Ông Lường Văn Thoạn, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở (Mường Ẳng - Điện Biên Phủ), chia sẻ: Nếu trước kia, khi chưa có Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc uống rượu, bia của người dân địa phương gần như không thể kiểm soát. Các cuộc vui thường kéo dài với sự chúc tụng, “kích nhau” để uống thêm vài chén rượu, cốc bia. Thậm chí từ cuộc vui lại xảy ra hiềm khích “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Từ khi Nghị định 100 có hiệu lực thi hành, tình trạng này giảm hẳn. Thời gian của những cuộc vui được rút ngắn lại, những người uống rượu, bia đã tự ý thức được bản thân để không điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đại bộ phận người dân trên địa bàn, đặc biệt là người điều khiển phương tiện giao thông đã thay đổi thói quen sử dụng rượu, bia; các vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia trên địa bàn và các xã lân cận giảm rõ rệt.

Nói về việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Thượng tá Trần Văn Vang, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Điện Biên), cho biết: So với trước đây, lượng người vi phạm quy định về an toàn giao thông do sử dụng rượu, bia đã giảm đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm, các vụ tai nạn giao thông do lái xe có sử dụng rượu, bia trên toàn tỉnh giảm so với các năm trước; ý thức khi tham gia giao thông của người dân cũng được nâng lên. Đặc biệt là hiện nay khi đã sử dụng rượu, bia, nhiều người đã chủ động sử dụng dịch vụ taxi hoặc gọi người thân đón. Điều này cho thấy Nghị định 100 không những hiệu quả vì có sức răn đe người tham gia giao thông, mà còn tạo được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo người dân.

Đến nay, sau gần 2 tháng bị xử phạt về hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong hơi thở có nồng độ cồn, anh V.H, ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) vẫn nhớ, chỉ vì vui vài chén rượu với bạn bè, sau đó tham gia giao thông, anh đã bị lực lượng Cảnh sát giao thông lập biên bản xử phạt 17 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 17 tháng. “Đây là bài học đắt giá đối với tôi khi uống rượu mà vẫn tham gia giao thông, số tiền không phải nhỏ, nhưng ngẫm lại cũng là sự răn đe cần thiết cho tất cả mọi người khi tham gia giao thông. Vừa bảo đảm tính mạng cho mình, vừa đem đến sự an toàn cho cả xã hội”, anh V.H chia sẻ.

Thực tế thấy, những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 là phù hợp với thực tiễn và có hiệu lực răn đe cao. Ý thức chấp hành quy định về nồng độ cồn của người dân được nâng cao và chuyển biến rõ rệt, vi phạm quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông giảm hẳn.

Giảm sâu cả 3 tiêu chí

Theo số liệu tổng hợp từ Văn phòng Bộ Công an và Ủy ban ATGT quốc gia, 6 tháng đầu năm nay (từ 15/12/2019 - 14/6/2020), toàn quốc xảy ra 6.790 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.242 người, bị thương 4.939 người. So với cùng kỳ năm ngoái, giảm 1.595 vụ tai nạn giao thông (giảm hơn 19%), số người chết giảm 568 người ( giảm gần 15%), số người bị thương giảm 1.419 người (giảm 22,3%).

 

tr47.jpg

Chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn quận 1 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: M.Linh/Báo Tin tức.

 

Phân tích các vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên thấy, có đến 97,7% xảy ra trên tuyến đường bộ, với 3.775 vụ, làm chết 3.165 người, bị thương 1.918 người. Tuy nhiên, con số này lại có những chuyển biến tích cực khi so với cùng kỳ năm trước giảm trên cả 3 tiêu chí với 523 vụ (giảm hơn 12%), giảm 573 người chết (giảm 15,3%), giảm 371 người bị thương (giảm hơn 16%).

Số liệu từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt 86.044 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.

Cụ thể, có 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 7 địa phương giảm trên 40% là Cà Mau, Lâm Đồng, Hậu Giang, Điện Biên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hải Phòng. Tuy nhiên, vẫn còn 14 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2019, trong đó 8 tỉnh tăng trên 15% là Đắk Nông, Ninh Thuận, Hòa Bình, Bạc Liêu, Kon Tum, Bến Tre, Phú Yên, An Giang.

“Tai nạn giảm, ý thức tăng”

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2020, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 100. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, phát huy kết quả 6 tháng đầu năm là “tai nạn giảm, ý thức tăng”.

Phó thủ tướng nhấn mạnh: Từ nay đến cuối năm 2020, công tác đảm bảo trật tự ATGT cần phải được đặc biệt quan tâm, trong đó mục tiêu đề ra là tiếp tục kéo đà giảm sâu TNGT cả 3 tiêu chí.

Để đảm bảo mục tiêu trên,  các bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật TTATGT để nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, tổ dân phố.

Tập trung tuyên truyền, vận động vào các đối tượng có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao như lái xe khách, người điều khiển xe mô tô, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn. Phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn. 

Tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương công tác đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm chất lượng phương tiện...

Xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản bảo đảm ATGT tại các khu dân cư tồn tại dọc theo các tuyến đường sắt, đặc biệt là qua khu vực đô thị…

Phải thừa nhận rằng, đâu đó vẫn còn những ý kiến trái chiều nhưng nổi lên những kết quả đáng mừng cho thấy Nghị định 100 đã và đang góp phần hình thành thói quen văn minh cho người tham gia giao thông. Bởi lẽ pháp luật không cấm người dân sử dụng rượu, bia một cách hợp pháp mà chỉ cấm không sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Sự kiên quyết, không có tình trạng “giơ cao đánh khẽ” của cơ quan chức năng bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện tốt chủ đề năm An toàn giao thông (ATGT) 2020 là “Đã uống rượu bia, không lái xe”, đưa Nghị định 100 lan tỏa và tác động mạnh mẽ trong cộng đồng..

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top