Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 7 năm 2018 | 14:0

Thương binh Bắc Giang trên “mặt trận” làm vườn

Mới đây, tôi có dịp công tác tại 2 huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa (Bắc Giang). Tại đây, tôi được giới thiệu những tấm gương lao động sản xuất sáng tạo. Điều đặc biệt là, tất cả họ đều là thương binh, nhiều người mất tới 61% sức khỏe.

tr4.JPG
Ông Thứ (phải), thương binh 2/4, trao đổi kinh nghiệm nuôi ong với ông Trần Ngọc Lý (Phó chủ tịch Thường trực HLV huyện Yên Dũng).

 

Sáng ngời những tấm gương và nghị lực làm giàu

Ông Nguyễn Văn Bính, 63 tuổi, ở xã Đức Thắng (Hiệp Hòa), kể lại, ông đi bộ đội năm 1973, năm 1986 trở về quê nhà. Mới ngoài 30 tuổi, nhưng bị xơ gan, mất 61% sức khỏe, ông là thương binh loại 1/8. Lúc này đất nước khó khăn và thiếu thốn đủ bề, lại thêm không có việc làm, ông phải vay mượn bạn bè, anh em, mua 1 con ngựa 3- 4 triệu đồng (tương đương 30-40 triệu đồng bây giờ), và dùng xe ngựa đi chở hàng, ai thuê gì thì chở, đa phần là vận chuyển vật liệu xây dựng. Công việc vất vả như vậy, nhưng mỗi ngày cũng chỉ kiếm được 15.000 - 20.000 đồng để nuôi cả nhà, nên không có điều kiện chăm sóc sức khỏe. Gần 10 năm như vậy thì chú ngựa già yếu cũng ngã khụy, ông chắt chiu dành giụm mua 1 chiếc xe công nông để tiếp tục hành nghề. Song, không được bao lâu, lại đành phải bỏ công nông, bởi đây không phải là việc nhẹ nhàng, nhất là đối với người chỉ còn 39% sức khỏe. Bán xe, ông đầu tư làm vườn.

Nhưng buổi đầu, để chỉnh trang lại khu vườn rộng 3.600m2, phần lớn đang bỏ hoang, cũng không hề đơn giản; còn phải lựa theo sức khỏe để sắp xếp công việc, vì tất cả đều làm thủ công. Khởi đầu, thấy cây táo dễ trồng, dễ sống, ông trồng 100 gốc táo. Nhưng đến kỳ thu hoạch, 1kg táo chỉ được 2.000-4.000 đồng, mỗi cây khoảng 20kg. 3 năm sau, 100 gốc táo lại bị chặt bỏ. Đây cũng là thời điểm Bắc Giang có phong trào, lấy vải thiều làm cây “xóa đói giảm nghèo”, ông Bính cũng trồng 100 gốc. Song, vận may vẫn chưa mỉm cười với người thương binh lắm gian truân và nhiều lận đận này. Quả vải thường chín hàng loạt, thời gian thu hoạch ngắn  và 1 cây chỉ được vài chục kilôgam đến 1 tạ quả; giá bán cũng chỉ 3.000- 6.000 đồng/kg. Mặc dù giá vải cũng rẻ như táo, nhưng vì chưa tìm được cây trồng hiệu quả hơn, ông Bính vẫn duy trì cây vải, và 10 năm sau mới chặt bỏ.         

“Rất may, năm 2003, tôi được đi tham quan mô hình ở Hưng Yên, thấy bà con ở đây trồng bưởi Diễn, thu nhập ổn định, giá lại cao, khoảng 25.000-30.000 đồng/quả. Thời gian thu hoạch kéo dài 2-3 tháng, tuổi thọ của bưởi cao, vì vậy, tôi mạnh dạn trồng 140 gốc, và cây bưởi Diễn đã trụ lại quê nhà từ bấy đến nay. Ngoài ra, dưới vườn bưởi, tôi còn nuôi gần 1.000 con gà ta, ngỗng,  cho ăn thóc, ngô, cám gạo nên bán được giá, khoảng 80.000- 90.000 đồng/kg. Đồng thời, kết hợp nuôi chim cút đẻ trứng và thương phẩm, phục vụ đám cưới, nhà hàng (trứng cút lộn), các sản phẩm đều được thương lái đến lấy tại nhà. Nhờ có thu nhập khá và ổn định nên cuộc sống nhàn hạ hơn khi làm vận tải, tôi quên hết bệnh tật, sức khỏe dần phục hồi, đạt 50-60%. Hiện, bình quân thu lãi   400 -450 triệu đồng/năm”, ông Bính chia sẻ.      

Cũng như ông Bính, ông Phan Đình Thứ, ở xã Lão Hộ (Yên Dũng), cho biết, ông đi bộ đội ở chiến trường Quân khu 5 năm 1969. Năm 1974, nhân một chuyến đi công tác ra miền Bắc, ông được nghỉ phép 1 tháng và gia đình 2 bên đã tranh thủ tổ chức đám cưới cho ông. Năm 1975, ông Thứ có con trai đầu lòng. Năm 1980, ông xuất ngũ với thương tật loại 2/4; mất 61% sức khỏe. Ông bắt tay vào đào ao để vừa nuôi cá, vừa lấy đất nung gạch làm nhà, đón vợ con ở nhà ông bà nội về. Lúc này, 2 vợ chồng ông Thứ mới có nhà riêng; ngoài ao cá,  ông còn nuôi gà thả vườn để cải thiện bữa ăn, tăng thêm thu nhập.  

Được biết, khi rời quân ngũ, ông Thứ mới 33 tuổi, nhưng sức khỏe rất yếu. 10 năm đầu sau khi ra quân, ông chỉ ở nhà nuôi gà, đi chăn bò ở cánh đồng gần. 10 năm sau, ông học cách nuôi ong, lúc đầu chỉ có 10 thùng, sau nâng dần lên 20 thùng.  Đến nay, sau hơn 20 năm cần mẫn với nghề, vượt lên bệnh tật, ông có 150 thùng ong. Tương đương 1,5 tấn mật/năm, với giá 150.000 -160.000 đồng/lít, bình quân thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm; và trở thành Chủ tịch Hội nuôi ong xã Lão Hộ

Ngoài  ra, ông Thứ còn có 3ha bạch đàn, bưởi, nhãn, trám đen, trám trắng, đây cũng là những loại cây có hoa mà loài ong ưa thích. Hàng năm, thu nhập từ trám, nhãn, bưởi, gà ta thả vườn đạt 400-500 triệu đồng.       

Luôn có HLV dẫn dắt đồng hành 

Trao đổi với chúng tôi, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) trang trại cây có múi Bắc Giang (HLV Bắc Giang), ông Nguyễn Trường Thinh, cho biết: “Thương binh nặng như ông Bính, chúng tôi rất quan tâm, nhất là khi ông làm công việc vận tải nặng nhọc. Sau khi ông ấy chuyển sang vườn, đích thân tôi đã tiếp cận ngay. Buổi đầu tư vấn cho ông Bính trồng lạc, đỗ, khoai, sắn; chăn nuôi gia cầm; làm vườn dinh dưỡng, để phụ thêm vào bữa ăn hàng ngày. Tiếp đến, tôi lại đưa ông đi tham quan mô hình trồng bưởi Diễn, mua cây giống và hướng dẫn cách trồng, chăm sóc. Năm 2017, chúng tôi đã giúp ông Bính tiêu thụ 2 vạn quả bưởi, nhờ liên kết với một công ty rau quả ở Hà Nội”.

Hàng năm, Hội Làm vườn còn mời Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang, các chuyên gia đầu ngành về cây ăn trái của tỉnh tập huấn cho hội viên, nông dân. Hoặc, thông qua kỳ giao ban, giao lưu HLV 7 tỉnh phía Bắc hàng năm, để cùng nhau chia sẻ, đúc rút kinh nghiệm về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nâng cao chất lượng cây ăn trái. Giúp hội viên kết nối với các công ty phân bón chất lượng cao như Sen Ca (châu Âu); Bayer (Đức); Công ty Phân bón Việt - Nhật để có sản phẩm tốt.  Liên kết đầu ra cho hội viên, thông qua các thương lái tiêu thụ bưởi Diễn lớn ở Hà Nội; thành lập Hội cây có múi huyện Hiệp Hòa gồm 30 hội viên (sắp tới là 50 hội viên).

Ông Trần Ngọc Lý, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn huyện Yên Dũng, cho biết: “Chúng tôi luôn ở bên các thương, bệnh binh, đặc biệt là những người vượt khó, làm vườn hăng say để rèn luyện sức khỏe và quên đi bệnh tật.  Yên Dũng hiện còn 1.109 thương binh, trong đó có 36 người loại B; 571 bệnh binh; 692 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”.

Theo ông Lý, Yên Dũng là vùng quê chiêm trũng, đất đồi ít, những năm gần đây, nhờ có chính sách chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của tỉnh Bắc Giang nên kinh tế VAC phát triển mạnh; diện tích cây ăn trái được nâng lên. Vì vậy, Hội đã khảo sát thị trường và tư vấn cho hội viên, nông dân trồng thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, mang lại thu nhập cao. Sắp tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình cam, chuối tiêu hồng Đài Loan, dự kiến khoảng 3.000-4.000 cây; cây đinh lăng từ 3-5 vạn cây giống. Về chăn nuôi,  phát triển đàn dê 600 con; nhân rộng mô hình sản xuất giống gà, vịt. Trước mắt, đã có máy ấp trứng của hội viên Nguyễn Ngọc Khoa,  giúp bà con tiêu thụ con giống trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, ông Lý cho biết, Hội còn có máy cày để làm dịch vụ. Hội vừa tích cực vận động hội viên triển khai trồng cây, nuôi con mới, vừa tích cực tìm đầu ra. Đó là những công việc thường ngày mà Hội đã và đang làm cho hội viên, nông dân, trong đó có các thương, bệnh binh.

Không đơn độc trên “mặt trận” làm vườn

Chủ tịch Hội Làm vườn Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Bái, cho biết: “Những thương, bệnh binh khi về địa phương, đều được các cấp Hội đặc biệt quan tâm. Dẫu không có nhiều vật chất, nhưng các anh không đơn độc trên “mặt trận” làm vườn. Điều đọng lại trong họ là tình đồng đội, đồng chí sâu nặng, các anh đã hỗ trợ nhau trong sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, chúng tôi cũng thường xuyên cử chuyên viên đi cơ sở, để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn hội viên làm VAC; nhất là những thương, bệnh binh, người có hoàn cảnh khó khăn, mới gia nhập Hội”.

Ông Bái cho biết thêm, mặc dù Hội Làm vườn tỉnh được công nhận là hội đặc thù; cán bộ huyện và xã vẫn kiêm nhiệm, không có phụ cấp, song, các đồng chí vẫn hoạt động tận tâm, trách nhiệm và nhiệt tình, điển hình như ông Lý (HLV Yên Dũng), ông Thinh (CLB Cây có múi Bắc Giang)... Hiện, CLB cây có múi hoạt động khá tốt, năng động, hiệu quả, đoàn kết, thu hút ngày càng nhiều hội viên tham gia và liên kết tiêu thụ sản phẩm.  

Những thương binh như ông Thứ, ông Bính... xứng đáng là tấm gương sáng để hội viên, thương - bệnh binh trong toàn tỉnh noi theo.

“Nhân ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, thay mặt HLV Bắc Giang, xin chúc các thương, bệnh binh sức khỏe, làm VAC tốt. Luôn phát huy tinh thần bộ đội cụ Hồ, sống vui, sống khỏe sống có ích và hạnh phúc bên gia đình, con cháu”, ông Bái nói.

 

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top