Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 10 năm 2018 | 9:54

Tiền Hải, đất và người

Tự hào với trang sử 190 năm hình thành và phát triển, Tiền Hải hôm nay đang đổi mới, hội nhập và phát triển, trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh Thái Bình. Tiền Hải phấn đấu sớm trở thành huyện NTM giàu đẹp, văn minh.

33-lang-bia-doanh-ddien-su-nct.JPG
Lăng bia Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ 

 

Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ khẩn hoang thành lập huyện

Tiền Hải là huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, diện tích tự nhiên 23.130,3ha; phía Tây giáp huyện Kiến Xương, phía Đông giáp vịnh Bắc Bộ (Biển Đông); phía Bắc giáp huyện Thái Thụy (ranh giới là sông Trà Lý), phía Nam giáp tỉnh Nam Định (ranh giới là sông Hồng). Huyện nằm giữa hai cửa biển Trà Lý và Ba Lạt của sông Hồng; có chiều dài bờ biển trên 23km thuộc địa bàn 8 xã, 3 cửa sông: sông Hồng, sông Lân và sông Trà Lý; có trục đường 39B từ thành phố Thái Bình đến bãi biển Đồng Châu; là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng ở vùng duyên hải Bắc bộ.

Huyện Tiền Hải có quy mô dân số 209.583 người, gồm 1 thị trấn Tiền Hải và 34 xã, đó là: An Ninh, Bắc Hải, Tây Giang, Tây Lương, Tây Ninh, Tây Phong, Tây Sơn, Tây Tiến, Vân Trường, Vũ Lăng, Phương Công, Tây An, Đông Cơ, Đông Hải, Đông Hoàng, Đông Lâm, Đông Long, Đông Minh, Đông Phong, Đông Quý, Đông Trà, Đông Trung, Đông Xuyên, Nam Thịnh, Nam Trung, Nam Chính, Nam Cường, Nam Hà, Nam Hải, Nam Hồng, Nam Hưng, Nam Phú, Nam Thanh, Nam Thắng. 

Huyện Tiền Hải ra đời vào đầu thế kỷ XIX (năm 1828), cách đây 190 năm, do cuộc khẩn hoang đại quy mô, dưới sự tổ chức và chỉ huy của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Theo sách Đại Nam thực lục thì huyện Tiền Hải trong buổi đầu thành lập gồm 7 tổng (Tân An, Tân Thành, Tân Hưng, Tân Phong, Tân Định, Tân Bồi, Tân Cơ) với 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 4 giáp. Năm 1828, dân số toàn huyện có 2.350 người, số ruộng đất sau cuộc khẩn hoang là 18.970 mẫu. Huyện lỵ ban đầu đặt tại làng Phong Lai (xã Đông Phong ngày nay). Đến đầu thời vua Tự Đức chuyển về làng Hoàng Tân (xã Tây Sơn ngày nay).

Khi mới ra đời, huyện Tiền Hải thuộc trấn Nam Định. Đến cuối thế kỷ XIX (năm 1895), tách tổng Tân Bồi về huyện Thái Ninh, đồng thời sáp nhập tổng Đại Hoàng (Kiến Xương) và tổng Đông Thành (Giao Thủy - Nam Định) về huyện Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái Bình. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, huyện Tiền Hải có 8 tổng, 81 xã, 30 thôn, 1 phường. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1950 đến năm 1954, Tiền Hải có 15 xã. Từ sau năm 1954, Tiền Hải được chia thành 3 khu, gồm 26 xã, lấy chữ Đông, Tây, Nam làm đầu tên gọi các khu.

Năm 1962, thành lập hợp tác xã cói Nam Cường, năm 1975, xã Nam Cường được thành lập. Ngày 17-6-1969, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 93/QĐ-CP về hợp nhất và điều chỉnh địa giới hành chính các huyện. Tỉnh Thái Bình từ 12 huyện, thị nhập lại còn 7 huyện và 1 thị xã. Tiếp theo đó, Bộ Nội vụ ra Quyết định số 428/QĐ-NV phê chuẩn việc chuyển 5 xã của huyện Kiến Xương về Tiền Hải là: An Ninh, Vũ Lăng, Phương Công, Vân Trường, Bắc Hải.

Năm 1986, Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định thành lập 1 thị trấn và 2 xã mới là Đông Hải và Nam Phú. Từ năm 1986 đến nay, huyện Tiền Hải có 34 xã và 1 thị trấn.  

3_6-btv-huyen-uy.jpg
Ban Thường vụ Huyện ủy Tiền Hải nhiệm kỳ 2015-2020.

 

Dũng cảm, kiên cường, đoàn kết, sáng tạo

Trong quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ người Tiền Hải đã đoàn kết, chung lưng đấu cật vượt qua gian nan thử thách, kiên cường chống chọi với thiên tai địch hoạ, quai đê lấn biển, mở rộng diện tích đất canh tác “đẩy sóng ra xa, kéo chân trời gần lại”. Văn hóa của người Tiền Hải mang dấu ấn của nền văn minh sông Hồng, đồng thời cũng hun đúc nên những nét văn hóa đặc trưng, mang dấu ấn riêng của mình. Đó là “dũng cảm, kiên cường, đoàn kết, sáng tạo”.

Ở Tiền Hải có 2 tôn giáo chính: Phật giáo có 47 chùa ở 31 xã, thị trấn, 86 tăng ni, gần 30.000 tín đồ phật tử quy y tam bảo; Công giáo có 76 xứ, họ, 75 nhà thờ, 1 đền khấn, 2 nhà phước, 26 vị linh mục, với số tín đồ trên 43.000 người, chiếm khoảng 20% dân số toàn huyện, bằng 1/3 số giáo dân của tỉnh Thái Bình.

Tiền Hải là quê hương của nhiều danh nhân đất nước như vị võ tướng Vũ Đức Cát thuộc triều đại Tây Sơn, nhà tư tưởng Bùi Viện đề xướng duy tân đất nước dưới triều Nguyễn; nhà yêu nước, nhà thơ Ngô Quang Bích, Phó bảng Trần Xuân Sắc… Những chiến sĩ cách mạng ưu tú của quê hương, như Vũ Trọng, Vũ Nhu, Ngô Duy Phớn… đã xuất hiện ở thời kỳ đầu khi Chủ nghĩa Mác - Lênin truyền bá vào quê hương và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập, góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước và dân tộc.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, chi bộ Đảng ở Tiền Hải đã tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân đấu tranh, kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, đòi quyền dân sinh, dân chủ, giảm sưu, thuế. Điển hình là cuộc đấu tranh của gần 1.000 nông dân Tiền Hải ngày 14-10-1930, bắt đầu từ Nho Lâm, Thanh Giám, Đông Cao và các làng xã lân cận kéo về huyện đường ủng hộ, hưởng ứng phong trào đấu tranh của Xôviết - NghệTĩnh; kết hợp với đấu tranh kinh tế: đòi giảm sưu thuế, xóa bỏ việc bắt muối, bắt rượu, đòi trả tiền đào sông Cốc giang… Mặc dù cuộc đấu tranh của nhân dân Tiền Hải đã bị chính quyền tay sai và thực dân Pháp đàn áp dã man, nhưng tiếng vang của nó cùng với phong trào đấu tranh của nhân dân Tiên - Duyên - Hưng (tháng 5-1930) và phong trào Xôviết - Nghệ Tĩnh đã báo hiệu một giai đoạn cách mạng mới - giai đoạn phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Tiền Hải cùng nhân dân cả nước đã đứng lên đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hưởng ứng lời kêu gọi “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, chi bộ Đảng huyện Tiền Hải đã lãnh đạo nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, thực hiện “đời sống mới”, “diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”; đồng thời tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất xây dựng làng kháng chiến. Những đơn vị lực lượng vũ trang của huyện, các đội du kích, tổ dân quân được hình thành ở khắp nơi trong huyện đã trực tiếp và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chủ lực diệt ác, trừ tề, tiêu diệt đồn bốt, đánh trả các cuộc càn quét của giặc, giải phóng quê hương. Tổng kết cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân và dân Tiền Hải đã chiến đấu 216 trận lớn nhỏ, san bằng 23 đồn bốt, tiêu diệt 1.203 tên địch, diệt 2 xe tăng, 1 tàu chiến, thu 1.500 súng các loại, hàng chục tấn đạn dược, bức hàng, bức rút nhiều đồn bốt, phá hàng ngàn mét đường giao thông và nhiều cầu cống ngăn cản bước tiến của địch, góp phần cùng quân chủ lực đánh thắng quân Pháp, giải phóng hoàn toàn địa bàn huyện. Điển hình là các trận đánh bốt La Cao, diệt xe tăng trên cánh đồng thôn Đông Hào xã Nam Hà, cửa sông Hồng cùng các trận chống càn năm 1951, 1952, 1953. Cũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Tiền Hải đã hăng hái đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, động viên 2.926 thanh niên tham gia quân đội, hàng ngàn dân công hỏa tuyến và huy động các loại phương tiện đáp ứng cho nhiệm vụ chiến đấu. Thời kỳ này, Tiền Hải còn là cơ sở hoạt động của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng cùng nhiều cán bộ cấp cao khác. Đến nay, huyện có 49 cơ sở cách mạng và 127 cán bộ lão thành cách mạng được Nhà nước công nhận.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải đã quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân, quan điểm toàn dân, toàn diện, dốc lòng, dốc sức vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương và chia lửa cùng miền Nam ruột thịt. Với quyết tâm “Tất cả vì giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, các xã, cơ quan, xí nghiệp trong toàn huyện đều xây dựng đại đội dân quân tự vệ, cả huyện hình thành 5 cụm chiến đấu. Có 5 trung đội pháo trực chiến săn máy bay, bảo vệ các mục tiêu kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bằng không quân và hải quân vào địa bàn huyện Tiền Hải, các đơn vị dân quân tự vệ đã chiến đấu 391 trận, trong đó điển hình là các trận chiến đấu bảo vệ cống Lân, cầu Đông Cao, khu vực thị trấn, phà Trà Lý, khu vực bờ biển… Các đơn vị đã dũng cảm chiến đấu phối hợp tác chiến với các đơn vị pháo phòng không của bộ đội tỉnh, bắn rơi 4 máy bay, bắn cháy 1 tàu chiến của địch. Trong đó đại đội nữ dân quân xã Đông Lâm bắn rơi 2 máy bay và phối hợp cùng Đại đội 4 pháo cao xạ bộ đội tỉnh bắn rơi 2 chiếc và 7 chiếc khác bị thương. Năm 1973, Đại đội nữ dân quân xã Đông Lâm đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu “Đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Trong các trận chiến đấu với pháo hạm địch, lực lượng pháo trực chiến của huyện đã bắn chìm 1 tàu chiến Mỹ. Đồng thời kết hợp cùng với đơn vị công binh của tỉnh phá gỡ hàng ngàn quả thủy lôi, bom bi, bom xuyên, bom nổ chậm, bảo đảm an toàn các mục tiêu kinh tế, xã hội. Những năm tháng chống Mỹ, cứu nước, huyện Tiền Hải luôn giữ vững và phát huy truyền thống thóc thừa cân, quân vượt mức, có 38.221 thanh niên lên đường nhập ngũ, 3.672 thanh niên tham gia dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, 5 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ở hậu phương, nhân dân vừa tích cực sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Xuất hiện những  cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ, tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa và các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp của địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần cùng quân, dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tiền Hải luôn đi đầu trong thực hiện nghĩa vụ với đất nước. Những người con của Tiền Hải lên đường bảo vệ Tổ quốc đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó có những đồng chí đã trưởng thành là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội như Đại tướng Hoàng Văn Thái, Trung tướng Trần Độ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Ngọc Trìu, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Thái Bình Ngô Duy Đông…

Tổng kết hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới, toàn huyện có trên 22.000 người tham gia quân đội, 4.916 liệt sĩ, 616 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 3.200 thương binh, bệnh binh, 2.230 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 427 lão thành cách mạng, 66 gia đình có công với nước, trên 11.000 người tham gia hoạt động kháng chiến trong các thời kỳ cách mạng được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Hầu hết các gia đình của huyện Tiền Hải đều có người tham gia trong các lực lượng vũ trang, trong đó 23 gia đình có hai thế hệ là liệt sĩ, 71 gia đình có con độc nhất là liệt sĩ. Ghi nhận những đóng góp to lớn về sức người, sức của trong các thời kỳ cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm năm 1962. Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Tiền Hải, Đại đội 4 dân quân nữ xã Đông Lâm; Hợp tác xã mua bán Tây Giang được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng lao động xã hội chủ nghĩa; có 10 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là: Đông Lâm, Tây Tiến, An Ninh, Tây Giang, Nam Hà, Đông Minh, Tây An, Vũ Lăng, Tây Lương, Tây Ninh; cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Tiền Hải được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới; có 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng các danh hiệu cao quý khác. Đó là những tài sản vô giá của Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải.

134-canh-dong-mau-nt.JPG
Một góc cánh đồng mẫu ở xã Nam Thắng.

 

Phát triển kinh tế,  củng cố quốc phòng

Bước vào giai đoạn cách mạng mới, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Tiền Hải không ngừng đẩy mạnh xây dựng phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng ngày càng vững mạnh. Trong đó, xây dựng 6 cụm chiến đấu, 6 tiểu đoàn dân quân và 20 đơn vị tự vệ (từ trung đội đến đại đội), 5 trung đội pháo trực chiến ven biển, 1 đại đội pháo cao xạ (nữ dân quân xã Đông Lâm), chiếm khoảng 13% dân số toàn huyện. Năm 1990, tỷ lệ dân quân tự vệ giảm còn 3% dân số, nhưng vẫn duy trì hoạt động có chất lượng cao, đặc biệt là trong điều kiện cơ chế có thay đổi nhưng huyện vẫn duy trì 5 trung đội pháo trực chiến ven biển, 1 trung đội cao xạ dân quân nữ. Năm 1992, thành lập 3 tổ dân quân mặt nước. Trong các lần tham gia diễn tập và hội thao ở cấp tỉnh, quân khu và toàn quân, các lực lượng vũ trang Tiền Hải đều đạt kết quả cao, liên tục nhiều năm liền dẫn đầu về công tác quân sự quốc phòng địa phương.

Phát huy truyền thống quê hương, Tiền Hải hôm nay đang đổi mới, hội nhập và phát triển. Kinh tế huyện tăng trưởng khá, trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh Thái Bình. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2012-2017 luôn đạt trên 12% mỗi năm. Năm 2017, đạt 13,02%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: nông, lâm, thủy sản là 39%; công nghiệp, thủ công nghiệp, xây dựng đạt 43%; thương mại, dịch vụ 18%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Khai thác hiệu quả tiềm năng biển để nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản; phát triển các dịch vụ du lịch tại Đồng Châu và Cồn Vành. Khai thác nguồn khí đốt để phát triển công nghiệp. Trên địa bàn huyện có 1 khu công nghiệp với diện tích 466ha; có 16 xã nằm trong khu kinh tế Thái Bình với diện tích gần 15.000ha; 5 cụm công nghiệp Trà Lý, Tây An, Cửa Lân, An Ninh và cụm công nghiệp Nam Hà với diện tích trên 298ha; có các điểm công nghiệp và làng nghề ở các xã Tây An, Tây Sơn, Đông Cơ, Nam Hà; có khu du lịch sinh thái Cồn Vành với quy hoạch gần 2.000ha; trên 5.000ha bãi bồi ven biển, có lợi thế phát triển nuôi trồng thuỷ, hải sản.

131-nt-lam-ntm.JPG
Người dân xã Nam Trung tham gia làm đường giao thông nông thôn.

 

Sớm trở thành huyện nông thôn mới giàu đẹp, văn minh

Phong trào xây dựng nông thôn mới đã và đang tạo nên diện mạo mới cho Tiền Hải. Nhân dân các xã trong huyện đang nỗ lực, đoàn kết, hiến đất, đóng góp công sức, tiền của, phát huy nội lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, đường làng ngõ xóm, dồn điền đổi thửa kết hợp chỉnh trang đồng ruộng, giao thông nội đồng, xây dựng cánh đồng mẫu. Triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Năm 2012, Tiền Hải có 34/34 xã hoàn thành công tác dồn diền đổi thửa, xây dựng xong quy hoạch chi tiết giao thông thuỷ lợi nội đồng. Năm 2017, huyện có 27/34 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, đạt gần 80%.

Văn hoá - xã hội có tiến bộ. Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, phát thanh, truyền thanh phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được đẩy mạnh. Tiền Hải có 250 di tích lịch sử văn hóa, 97 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, trong đó 14 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 83 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhiều công trình xây dựng có ý nghĩa lớn được hoàn thành. Năm 2017, trên 90% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 161/174 thôn, khu phố đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 92,5%; 30/35 xã, thị trấn đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 132/145 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đạt chuẩn văn hóa, 38 chùa, 69 xứ họ đạo được công nhận “chùa cảnh 4 gương mẫu”, “xứ họ đạo 4 gương mẫu”. Các tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn được tạo điều kiện thuận lợi hoạt động theo pháp luật. Giáo dục - đào tạo có những chuyển biến mới, chất lượng dạy và học được nâng cao, dạy nghề được mở rộng; phong trào xây dựng xã hội học tập đã và đang được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng.

Năm 2007, Tiền Hải là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn quốc gia y tế cơ sở ở 100% xã, thị trấn; đến nay có 35/35 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia y tế giai đoạn 2 (giai đoạn 2011 - 2020). Chất lượng các hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ và các chỉ số sức khoẻ của nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm sau giảm hơn năm trước. Công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm được chỉ đạo sát sao nên không có dịch bệnh lớn xảy ra. Việc thực hiện chế độ và chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với nước và giảm nghèo, xóa nhà ở dột nát cho người nghèo được tổ chức tốt với nhiều hoạt động thắm đượm đạo lý uống nước nhớ nguồn”. Các vấn đề dân sinh, bức xúc được quan tâm giải quyết. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Tình hình chính trị ổn định, an ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo và có chuyển biến tích cực.

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể được tăng cường. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ,  trong thời gian qua, những nội dung cơ bản về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Điều này đã và đang góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; vai trò quản lý của chính quyền các cấp, phương thức lãnh đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nêu gương trong cách làm việc, phục vụ, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Tự hào với trang sử 190 năm hình thành và phát triển, Đảng bộ và nhân dân Tiền Hải đã và đang đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết thống nhất, giữ vững ổn định chính trị xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển văn hoá - xã hội, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đổi mới phương thức lãnh đạo, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước đột phá, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đề ra, đưa huyện Tiền Hải phát triển vững chắc, sớm trở thành huyện nông thôn mới giàu đẹp, văn minh.

Nhân kỷ niệm 190 năm thành lập (1828-2018), huyện Tiền Hải vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

 

 

 

Ban TV Huyện ủy Tiền Hải
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top