Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 4 năm 2021 | 17:5

Tin NN ĐBSH: Quyết liệt khống chế các ổ dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò

Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Các địa phương đang rất nỗ lực và chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh này.

20201102163646-img-20191002-215003.jpg
Người chăn nuôi cần chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vi rút gây ra ở trâu, bò.

 

Hà Nội: Chương Mỹ đã khống chế thành công bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò

Theo UBND huyện Chương Mỹ (Hà Nội), từ đầu tháng 4, trên địa bàn huyện xuất hiện đàn bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục tại thị trấn Xuân Mai.

Ngay lập tức UBND huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo UBND thị trấn Xuân Mai thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục; xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò theo quy định; đồng thời, tiêu hủy toàn bộ gia súc có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh này hoặc gia súc trong cùng địa bàn thị trấn (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh.

Cùng với đó, huyện tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng... liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc biểu hiện bị bệnh và tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh; đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn thị trấn có dịch cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác gia súc chết, gia súc bệnh ra môi trường; hướng dẫn người dân chủ động giám sát gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh...

Đi đôi với công tác tuyên truyền, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh, huyện Chương Mỹ thực hiện hỗ trợ cho chủ vật nuôi có gia súc buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh theo các quy định hiện hành. Nhờ đó, đến nay, huyện Chương Mỹ đã khống chế thành công bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò.

 

Thanh Hóa: Không chủ quan, lơ là và khẩn trương phòng dịch viêm da nổi cục

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cho biết: Bệnh viêm da nổi cục ở đàn trâu bò đã xuất hiện tại Thanh Hóa từ ngày 3/2/2021, đến nay đã lây lan ra 24 huyện, làm gần 4.000 con trâu, bò mắc bệnh.

Trước thực trạng này, Thanh Hóa đã khẩn trương đẩy mạnh công tác giám sát dịch bệnh, tiêu độc khử trùng... Đặc biệt, tốc độ tiêm phòng vắc - xin viêm da nổi cục được triển khai nhanh, đã đạt trên 94% diện tiêm. 

201d2130110t77615l0.jpg
Cán bộ thú y phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi.

 

Theo đánh giá của Chi cục Thú y vùng 3, Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiêm phòng vắc - xin viêm da nổi cục cho đàn trâu, bò đạt tỷ lệ cao nhất cả nước. Đây là một trong những biện pháp kiềm chế có hiệu quả dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Vì vậy, đến thời điểm này, số trâu, bò bị mắc bệnh trên địa bàn Thanh Hóa so với lúc cao điểm đã giảm từ 140 đến 150 con mỗi ngày; số trâu bò chết chỉ chiếm 7% số trâu bò mắc bệnh.

Để có được kết quả này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Cùng với sự hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với các địa phương có dịch, thực hiện cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh đồng thời thực hiện việc nuôi nhốt gia súc tại các khu vực có bệnh hoặc nghi mắc bệnh…

Là một trong những địa bàn có trâu, bò mắc bệnh, Vĩnh Lộc đã hướng dẫn các địa phương và hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh; đẩy nhanh công tác tiêm phòng vắc - xin viêm da nổi cục trên đàn trâu bò; đồng thời lập các chốt kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia súc trên địa bàn. Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp đồng bộ nên đến nay huyện Vĩnh Lộc đã cơ bản khống chế được dịch, không để dịch phát sinh và lây lan ra diện rộng.

Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, cho biết: Chúng tôi đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo điều hành, đặc biệt là trong công tác tiêm phòng, triển khai nhanh trên diện rộng và tiêm đạt 100% cho trâu, bò thuộc diện tiêm.

Thanh Hóa nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh viên da nổi cục trên trâu bòCán bộ thú y phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố Thanh Hóa, trên địa bàn có 2.700 con trâu, bò. Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố có 3 con trâu, bò ở 3 hộ chăn nuôi thuộc phường Đông Cương, Tào Xuyên và xã Hoằng Đại bị mắc bệnh viêm da nổi cục.

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp thành phố phối hợp với các phường, xã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục; Tổ chức thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và hướng dẫn cách xử lý khi có trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục; phân công cán bộ thú y cơ sở thường xuyên sâu sát nắm bắt tình hình dịch bệnh, đồng thời phát hiện sớm các ổ dịch, bao vây dập tắt dịch ngay khi mới phát sinh, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng; tập trung chỉ đạo tiêm phòng bổ sung đối với đàn trâu, bò mới tái đàn hoặc chưa được tiêm phòng; vận động người dân thường xuyên vệ sinh, phun thuốc diệt côn trùng chuồng trại tại khu vực chăn nuôi, nơi có nguy cơ cao mắc bệnh, nơi buôn bán gia súc, gia cầm và các phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy định… kiên quyết không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn.

Để tăng cường kiểm soát dịch bệnh, cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa đang tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua bán, vận chuyển gia súc ra, vào địa bàn, đảm bảo việc buôn bán gia súc ra vào địa bàn phải có giấy kiểm dịch vận chuyển hợp lệ.

Các địa phương cũng chỉ đạo việc rà soát, thống kê các hộ chăn nuôi trâu, bò, dê, trong đó ghi rõ thông tin tình trạng gia súc khỏe mạnh, gia súc có biểu hiện bị bệnh, thời gian xuất hiện các triệu chứng của bệnh, tình trạng xuất bán, giết mổ, vận chuyển gia súc ra khỏi địa bàn.

Tuy đã được khống chế, song đây là loại bệnh mới xuất hiện, lại đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, cũng như khống chế dịch không lây ra diện rộng, cơ quan thú y khuyến cáo các địa phương và người chăn nuôi không chủ quan, lơ là, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh, công tác tiêu độc khử trùng, nuôi nhốt trâu bò nhằm tránh các nguy cơ lây lan, phát tán dịch bệnh.

 

Vĩnh Phúc: Không để bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lây lan trên diện rộng

Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục  trên trâu, bò đã xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây là bệnh truyền nhiễm mới ở gia súc, không lây sang người nhưng lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Để chủ động ngăn chặn bệnh viêm da nổi cục bùng phát, lây lan trên địa bàn tỉnh, công tác phòng, chống dịch bệnh đang được các cấp, các ngành, địa phương và người dân triển khai thực hiện.

1_62.jpg
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống biện viêm da nổi cục trên trâu, bò, hiện nay, đàn vật nuôi của HTX nông nghiệp hữu cơ Sơn Thành (Vĩnh Tường) phát triển tốt, khỏe mạnh.

 

Ông Nguyễn Văn Chúc - 1 trong những hộ chăn nuôi đang có bò thịt xuất hiện triệu chứng viêm da nổi cục cho biết: "Gia đình tôi đang nuôi 1 bò sinh sản và 1 bò thịt. Khoảng hơn 1 tuần nay, con bò thịt của gia đình vẫn ăn uống bình thường nhưng nổi cục ở phần da cổ và da đầu.

Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, gia đình đã phối hợp với thú y xã để tiêm kháng sinh đề phòng kế phát; phun khử trùng, tiêu độc và rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại, tách con vật bị bệnh ra khỏi đàn vật nuôi.

 Đồng thời, đảm bảo chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Đến nay, con bò mắc bệnh đang hồi phục tốt và không lây lan sang đàn vật nuôi của gia đình".

Ông Nguyễn Hiệp Khôi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm do virut thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò và không gây bệnh trên người.

Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt như: Muỗi, ruồi, ve; tiếp xúc giữa gia súc bệnh và gia súc khỏe mạnh; bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình từ 4-14 ngày.

Thông thường, trâu, bò mắc bệnh thường có dấu hiệu: Sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa; da và niêm mạc nổi những nốt sần có đường kính khoảng 2-5 cm, đặc biệt là vùng da cổ, đầu, bầu vú, cơ quan sinh dục và vùng đáy chậu. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, kịp thời, tỷ lệ chết thấp (từ 3-5%).

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, bệnh viêm da nổi cục lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam: Từ tháng 10/2020 đến nay đã xảy ra 705 ổ dịch tại 25 tỉnh, thành phố với 14.123 con trâu bò mắc bệnh, 1.014 con chết, buộc phải tiêu hủy. 

 

Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò nguy hiểm nhưng không lây cho người

Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, mặc dù bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò khá nguy hiểm vì khả năng lây lan bệnh nhanh, gây thiệt hại cho gia súc và người chăn nuôi, nhưng véc tơ truyền bệnh này không có khả năng lây lan trên người nếu người tiêu dùng “lỡ ăn” phải trâu bò bệnh.

"Quy định của pháp luật cấm tuyệt đối việc buôn bán vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, bao gồm cả bệnh viêm da nổi cục. Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý các đối tượng cố tình buôn bán các sản phẩm đó. Nếu không may mua phải các sản phẩm bị nghi nhiễm mầm bệnh thì người dân cứ yên tâm là virus này không lây nhiễm và không gây bệnh ở người", ông Long nhấn mạnh.

Theo ông Long, hiện nay, trên thế giới đã có vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục. Bộ đã giao Cục Thú y chỉ đạo các phòng chức năng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I và các cơ quan liên quan đang khẩn trương tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục; tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng vaccine.

Đây là bệnh mới, lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam trong khi đó vaccine lại chưa có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Căn cứ theo quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và PTNT xem xét quyết định cho phép nhập khẩu trên bốn triệu liều vaccine.

Trong số hơn bốn triệu liều được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép nhập khẩu, đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu, cung ứng và các địa phương đã sử dụng gần 700.000 liều, hiện nay 1 triệu liều đang trong quá trình đánh giá vô trùng và an toàn theo quy định của Luật Thú y trước khi đưa vào sử dụng.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, để ngăn chặn nguy cơ mua phải thịt gia súc bị bệnh, ông Long khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thịt cần phải hỏi rõ gia súc đó nguồn gốc ở đâu.

Mặt khác, mua thịt gia súc ở những cơ sở giết mổ, buôn bán đã được cơ quan thú y, cơ quan có thẩm quyền kiểm soát.

“Gia súc là vật nuôi có giá trị lớn, trước khi đưa vào giết mổ thường qua công tác kiểm dịch nếu vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh kia hoặc tại các cơ sở giết mổ đều có nhân viên thú y thực hiện việc kiểm soát. Chúng ta sẽ truy suất được nguồn gốc của gia súc đó như thế nào”, ông Long nói.

Ngoài ra, ông Long cũng lưu ý người tiêu dùng khi mua thịt cần để ý với gia súc bị bệnh thường trên da nó hình thành các u cục, thậm chí là loét. Với những thịt có da thì chúng ta có thể nhận biết được xem da đó có biểu hiện bất bình thường, bị bệnh hoặc lở loét không.

“Một số người dân phản ánh với gia súc bị bệnh thịt thường có mùi tanh, không được thơm như thịt gia súc khỏe mạnh”, ông Long nói thêm.

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh mới xuất hiện tại Việt Nam, nhiều địa phương chưa có kế hoạch và chưa bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh, trong đó có kinh phí mua vaccine và tổ chức tiêm phòng khẩn cấp vaccine để chống dịch lây lan diện rộng. Do đó, các địa phương cần khẩn trương lên kế hoạch, đăng ký mua vaccine và triển khai tổ chức vào cuộc quyết liệt để phòng chống dịch bệnh có hiệu quả.

 

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top