Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 26 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 4 năm 2022 | 9:57

Tính cách để bưởi “đẻ hoa, đậu trái” trĩu ngọt

Hoa bưởi trong vườn vừa chớm nở, gia đình ông Phạm Như Trung và bà Nguyễn Thị Sáu ở thôn Cầu Thầy, xã An Thượng (Yên Thế - Bắc Giang) đã mua nylon về giăng kín trên ngọn cây và tính toán thời điểm bón phân phù hợp để cây ra hoa đậu quả có chất lượng như ý

Tính cách cho bưởi “đẻ hoa, đậu trái” theo ý muốn

Sở hữu vườn bưởi đường chín muộn   được đánh giá là chuẩn và ngon nhất miền Bắc, gia đình ông Phạm Như Trung và bà Nguyễn Thị Sáu luôn tìm cách để vườn bưởi ra hoa, đậu trái trĩu cành.

Do vườn bưởi ra hoa, thụ phấn đúng vào thời điểm có mưa nhiều, thậm chí có năm bị sương muối, giá lạnh… nên tỷ lệ đậu quả không cao. Như trong năm 2021, vườn bưởi trồng được 6 năm, cây phủ tán rộng nhưng có cây chỉ cho vài chục trái quả, ảnh hưởng đến thu nhập của gia đình.

Vốn là giống bưởi ngọt, ngon, nhiều người ưa thích liên hệ đặt mua nên cung không đủ cầu. Theo ông Trung, năm 2021, gia đình ông thu hoạch được 2 vạn quả bưởi. Bưởi loại 1 (từ 9 lạng đến 1,6kg trở lên) được gia đình bán với giá 50.000 đồng/quả, với quả loại 2 (dưới 9 lạng) bán với giá 25-30 nghìn đồng/quả.

Do bưởi cho nguồn thu lớn nên đến mùa hoa bưởi năm 2022, gia đình ông đã quyết định mua nylon về giăng lên từng cây bưởi khi hoa bắt đầu chớm nở.

 

Bắc Giang hiện là vùng cây ăn quả lớn của cả nước. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt 52.000ha cây ăn quả, tập trung phát triển các vùng sản xuất vải thiều, cây có múi (cam, bưởi), cây na chất lượng cao.

Trong đó, cây bưởi có diện tích khoảng 5.700ha (riêng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 2.500ha), tập trung tại Lục Ngạn (2.388 ha), Yên Thế (555ha), Hiệp Hòa (437ha), Lục Nam (425ha), sản lượng đạt 55.650 tấn.

 

Để giăng cho khoảng 800 gốc bưởi trong vườn, gia đình ông chi phí khoảng 5-6 triệu đồng tiền mua nylon và 1-2 triệu tiền công. Tính ra, chi phí không cao nhưng lại bảo đảm cho bưởi ra hoa, đậu quả sai trĩu cành, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi như những năm trước.

“Ở vùng Yên Thế, giai đoạn hoa bưởi nở hầu như vào dịp mưa dầm nhiều. Nên gia đình khắc phục bằng cách che phủ nylon trên ngọn, trên tán lá để cho nó tránh mưa phùn, vừa mưa phùn, sương muối, mưa axit, đấy là do thời tiết. Chăng phủ được như vậy nó sẽ rất thuận lợi cho việc thụ phần hoa bưởi ở giai đoạn đại trà”, ông Trung nói.

Cùng với việc chăng phủ nylon, gia đình ông cũng chủ động dùng chổi lông để thụ phấn phụ cho bưởi, qua đó tăng thêm phấn cho hoa. Đối với những chùm hoa ở tầm cao, ông lấy gậy đề gõ vào từng cành, cộng với thả ong mật để thụ phấn. Việc chủ động thụ phấn như vậy sẽ giúp tỷ lệ đậu quả tăng gấp đôi so với việc để cây bưởi tự nhiên.

 

gia-đình-ông-phạm-như-trung-ở-thôn-cầu-thầy-xã-an-thượng-huyện-yên-thế-tỉnh-bắc-giang-giăng-ni-lông-lên-từng-cây-bưởi-khi-hoa-bắt-đầu-chớm-nở.jpg
Ông Trung giăng nylon lên từng cây bưởi khi hoa bắt đầu chớm nở.

 

Sử dụng phân bón hữu cơ

Theo ông Trung, vườn bưởi nhà ông canh tác theo quy trình VietGAP. Về phân bón, ông sử dụng toàn bộ bằng phân trâu, phân bò trộn với chế phẩm vi sinh ủ hoai mục.

Dùng loại phân này bón cho cây bưởi đường, chất lượng quả bưởi ngọt, thơm ngon tự nhiên trong khi chi phí giảm đi một nửa, khoảng 150-200 nghìn đồng/cây. Với khoảng 1,5ha bưởi, gia đình ông sử dụng khoảng 50 tấn phân trâu, bò.

“Phân vô cơ hay có đạm nhiều, tăng nồng độ đạm, độ bốc lên lá cao hầu như gặp thời tiết bất lợi sẽ mang bệnh, sâu sẽ xâm nhập dễ hơn so với vườn bưởi trồng theo hữu cơ” - ông Trung nói và cho biết vườn bưởi nhà ông hầu như không phát hiện cả sâu lẫn nấm gây bệnh, nhất là những bệnh thường gặp trên cây bưởi như khô vằn, đốm mắt cua, nấm nhọ nồi…

 

 

Khương Lực - DV
Ý kiến bạn đọc
Top