Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024  
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024 | 11:50

Hàng nghìn hecta dừa ở Bến Tre bị nhiễm sâu đầu đen

Tỉnh Bến Tre có 79.078 ha dừa, diện tích nhiễm sâu đầu đen là 353,97 ha, tăng 122,45 ha so với tháng trước. Lũy kế diện tích dừa bị nhiễm đến nay đã lên đến 2.627,28 ha. Trong đó, đã có hơn 93,95 ha diện tích dừa bị sâu đầu đen gây hại phải đốn bỏ.

Sâu đầu đen bùng phát

Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất nước, đã có nhiều giải pháp bền vững để cứu lấy vườn dừa, loại cây trồng chủ lực của khoảng 800.000 người dân nơi đây, trước sự tấn công của các loài sâu bọ ngoại lai…Theo những người trồng dừa ở đây cho hay, loại sâu đầu đen làm kén trú ngụ dưới lá dừa nên phun xịt rất khó khăn. Sâu ăn hết biểu bì màu xanh làm lá mỏng và khô đi. Chúng ăn hết lá già đến lá non, rồi đến trái, kể cả những cây dừa con mới nhô khỏi mặt đất cũng có thể bị ăn trụi.

Hơn 2.600 ha diện tích trồng dừa ở Bến Tre bị sâu đầu đen tấn công, (Ảnh: Thành Nhân).

Ông Bình ở huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết, các vườn dừa gần nhà đều có chung tình trạng bị cháy lá, không có trái hoặc có nhưng trái bị nhỏ, hư. Nhiều vườn dù đã phải phun xịt nhiều lần, tốn nhiều chi phí mới cứu được vườn dừa. Dù được các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn phun xịt, nhưng do cây quá cao nên phương pháp này không ăn thua. Gia đình tôi thiệt hại một nửa vườn dừa.

Tương tự như ông Bình, ông Nghĩa cùng ở huyện Châu Thành cho biết, phát hiện cây dừa tự nhiên héo lá bất thường. Khi đó, tôi kéo mấy tàu lá dừa bị héo xuống xem thử thì phát hiện hàng trăm con sâu lạ đang ẩn nấp trong các bẹ lá, xúm nhau ăn lá cây. Dừa bị sâu ăn, phun xịt đủ thứ thuốc mà cây vẫn chết. Cây dừa đang tươi tốt mà bị nó ăn hết lá non, lá già.

Dọc theo Quốc lộ 57, nhất là đoạn qua các xã An Định, An Thới, Ngãi Đăng, Cẩm Sơn, Tân Trung (thuộc huyện Mỏ Cày Nam - địa phương có vườn dừa lớn nhất nhì của Bến Tre với khoảng 17.000 ha), ghi nhận sâu đầu đen đã “hạ gục” hàng nghìn cây dừa mà nông dân phải mất nhiều năm chăm sóc mới có được.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (Ba Dừa), ở ấp Phú Lợi Hạ, xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, cho biết, năm nay đã 60 tuổi và sống chuyên nghề dừa nhưng ông chưa từng thấy loài sâu bọ nào gây hại cây dừa khủng như thế. Không như bọ dừa, loài sâu này tấn công lá rồi… thịt luôn cả trái. Bọ dừa đáp thì chỉ gây ảnh hưởng năng suất cho trái còn loài sâu này nếu không kịp phát hiện, điều trị kịp thời, đúng cách, coi chừng đi đứt luôn cả vườn dừa.

Một người dân xã Hữu Định, huyện Châu Thành phá bỏ vườn dừa bị sâu đầu đen tấn công, (Ảnh :TTXVN).

 Tại huyện Mỏ Cày Bắc - nơi có khoảng 9.300ha dừa, một cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bến Tre nhớ lại, sâu đầu đen xuất hiện và tấn công một số vườn dừa ở xã Tân Bình của huyện vào gần cuối năm 2020. Ban đầu chỉ khoảng 5ha nhưng sau đó lây lan nhanh đến nhiều xã lân cận…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, diện tích cây dừa trên địa bàn khoảng 79.078 ha, diện tích nhiễm sâu đầu đen là 353,97 ha, tăng 122,45 ha so với tháng trước. Lũy kế diện tích dừa bị nhiễm đến nay đã lên đến 2.627,28 ha. Trong đó, lũy kế diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học là 2.179,36 ha, diện tích dừa đốn bỏ do bị sâu đầu đen gây hại là 93,95 ha.

Triển khai các giải pháp phòng trừ

Nông dân Huỳnh Văn Thanh, ấp Tân Lễ 2, xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam cho biết, khi phát hiện vườn dừa nhà mình bị sâu đầu đen tấn công (khoảng 80 cây, trên diện tích 0,4ha), gia đình lập tức cắt các tàu dừa bị sâu cắn phá đem đốt hoặc thả xuống mương nước để tiêu diệt sâu - kén, trứng. Tiếp đó, cũng nhằm giảm mật độ sâu, tôi xịt thuốc hoá học tập trung nhiều vào mặt dưới của các tàu dừa còn trên cây. Sau khoảng 2 tuần, khi thuốc hết hiệu lực thì tiến hành thả ong ký sinh (OKS).

Cuộc chiến phòng, trừ sâu đầu đen tại Bến Tre đang diễn ra quyết liệt.

Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng sớm phát hiện và đặc biệt là nắm vững các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen để bảo vệ vườn dừa một cách bài bản như ông Thanh. Một phần do đây là loài dịch hại ngoại lai khá mới đối với bà con. Việc việc sử dụng thuốc BVTV gặp nhiều khó khăn (do đặc tính cây dừa có thân cao); đó là chưa kể công phun xịt khá tốn kém...

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre, bên cạnh nỗ lực của nông dân, từ tháng 9/2022, tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng trừ sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh. Trước đó, tỉnh đã ghi nhận kết quả một đề tài khoa học (do Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh chủ trì; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) là đơn vị phối hợp thực hiện; Sở Khoa học và Công nghệ được giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả).

Sau khi xác định được đặc điểm sinh học của loài dịch hại nguy hiểm này, tỉnh cho xây dựng 4 quy trình nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh (OKS) nhộng Brachymeria sp, OKS ấu trùng Bracon hebetor, OKS nhộng Trichospilus pupivorus và quy trình nhân nuôi và phóng thích thiên địch ăn mồi. Cùng với đó, tổ chức thí điểm 9 mô hình quản lý tổng hợp sâu ăn lá dừa theo hướng sinh học; 10 điểm nhân nuôi OKS trên địa bàn tỉnh (đã nhân nuôi thành công và tổng lượng OKS được phóng thích năm 2023 gần 310 triệu con OKS nhộng và ký sinh ấu trùng, vượt 3 lần so với kế hoạch).

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, trước khi thực hiện đề tài, lũy kế tổng diện tích vườn dừa trên toàn tỉnh nhiễm sâu đầu đen là 1.576,6 ha. Đến khi triển khai thực hiện đề tài, áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp, diện tích phục hồi là 728,55ha, diện tích bị nhiểm khoảng 850 ha. Sau khi các địa phương tổ chức nhân nuôi và thả OKS đến cuối năm 2023, con số chỉ còn gần 300ha, tỷ lệ nhiễm nặng chỉ chiếm 1,76% tổng diện tích nhiễm,...

Cùng với những nỗ lực khác, từ đầu 2024 đến nay, Bến Tre thực hiện kế hoạch duy trì nhân nuôi và phóng thích OKS sâu đầu đen hại dừa với mục tiêu sẽ phóng thích 240 triệu con OKS đến cuối năm nay.

Nhiều cây dừa dọc theo QL57 đổ gục sau khi bị sâu đầu đen tấn công.

Tuy nhiên, đúng như nhận định ban đầu, ngành chức năng tỉnh Bến Tre ghi nhận dịch sâu đầu đen có dấu hiệu bùng phát lại, diện tích nhiễm sâu đầu đen tăng mạnh trong đầu năm 2024. Tại Mỏ Cày Nam, nếu như đầu năm 2023, có gần 292ha dừa bị nhiễm, đến cuối năm giảm còn 53 ha, song đến cuối tháng 4/2024, con số đã lên gần 130ha, nâng tổng lũy kế diện tích dừa bị nhiễm lên gần 640ha.

Về nguyên nhân, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT giải thích là do nguồn OKS ngoài tự nhiên giảm theo khi sâu đầu đen giảm, đồng thời vào thời điểm nắng nóng, OKS phát triển kém trong khi sâu đầu đen lại phát triển mạnh. Không chỉ gây hại và tái bùng phát tại xứ dừa, theo ghi nhận của Trung tâm BVTV phía Nam, sâu đầu đen đang ngày đêm lan rộng không chỉ vùng ĐBSCL mà sang khu vực Đông Nam bộ (Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh).

Trước thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ sớm xem xét, hỗ trợ việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cấp thiết cấp quốc gia, nghiên cứu các giải pháp quản lý tổng hợp sâu đầu đen hại dừa tại Bến Tre và vùng phụ cận, nhằm kịp thời giúp người dân trồng dừa có giải pháp mang tính khoa học, hiệu quả phòng trừ sâu đầu đen, góp phần nâng cao giá trị và bảo vệ vườn dừa, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hết quý I.2024, tổng diện tích dừa của tỉnh Bến Tre khoảng 79.078ha, tăng 1,36% so với cùng kỳ. Diện tích tăng chủ yếu do một số diện tích lúa không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với vùng canh tác được người dân chuyển sang trồng dừa. Sản lượng thu hoạch lũy kế 3 tháng ước đạt 182,94 triệu trái, tăng 1,37% so với cùng kỳ.

Bến Tre xác định, giai đoạn 2024 - 2025, sẽ phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa. Cụ thể, phát triển 1.500ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 20.000ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000ha.

Sơ chế dừa xiêm xanh xuất khẩu tại Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Mekong, huyện Châu Thành.

Cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1.000 triệu USD. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ dừa.

Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh duy trì và phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa. Cụ thể: Phát triển 5.000ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000ha. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha.

Cải tạo 5% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2.000 triệu USD. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ dừa.

 

Tổng hợp từ nguồn: Laodong; Congannhandan; Baodongkhoi.

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top