Phục hồi đất là một trong những mục tiêu chính trong Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái của Liên Hợp quốc (2021-2030), thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để bảo vệ và hồi sinh các hệ sinh thái trên toàn thế giới nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Việt Nam, tài nguyên đất đang đối mặt với nhiều vấn đề. Có nhiều giải pháp đặt ra để giúp đất khỏe, như luân canh mùa vụ, cải tạo đất, bón phân hợp lý, phát triển kinh tế tuần hoàn... được xem là những yếu tố hàng đầu.
Bón phân hợp lý
Các chuyên gia nông nghiệp nhận định, sử dụng phân bón đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, người nông dân cần thay thế phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ, phân bón sinh học. Bón phân hữu cơ cho cây, ngoài việc phục hồi dinh dưỡng cho đất còn duy trì cấu trúc đất, tăng cường hoạt động của vi sinh vật đất, làm đất tơi xốp, giúp rễ cây hút dinh dưỡng tốt hơn. Chưa kể tác dụng của chất hữu cơ là nguồn cung cấp CO2 cho cây quang hợp.
Ủ các loại bã đậu nành, vỏ khóm, hèm bia, chuối… nhằm thay thế phân bón hóa học dùng để bón cho cây bưởi. Ảnh TL.
Chất hữu cơ còn chứa một số chất có hoạt tính sinh học, kích thích sự phát sinh và phát triển của bộ rễ, nâng cao tính thẩm thấu của màng tế bào, huy động dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất. Phân hữu cơ có ưu điểm là chứa đầy đủ các nguyên tố đa, trung, vi lượng mà không một loại phân khoáng nào có được.
Được biết, sử dụng phân bón hữu cơ ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng ổn định cho cây trồng còn có tác dụng cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học đất, hạn chế rửa trôi, tăng độ thấm và khả năng giữ nước của đất, tăng khả năng chịu hạn của cây trồng.
Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, Bộ đã và đang xây dựng các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia: lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn. Đến năm 2030, sẽ có ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.
Những năm gần đây, người làm nông nghiệp của tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ ngày càng nhiều hơn. Sử dụng loại phân bón này đã giúp người dân tạo ra sản phẩm sạch an toàn và thân thiện với môi trường.
Theo đó, từ nguồn phân bò thải ra, gia đình ông Võ Văn Hai, ấp Mỹ Lương, xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho) đã đem ủ hoai và bón cho hơn 300 gốc bưởi da xanh hơn 5 năm tuổi.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn, ông Hai cho biết, nhờ bón phân hữu cơ mà vườn bưởi da xanh của gia đình mới xanh mướt và kéo dài được thời gian như thế này. Tất nhiên, vườn bưởi này cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố kỹ thuật, nhưng phân bón hữu cơ là một trong những yếu tố quan trọng. Bởi phân hữu cơ có tác dụng làm tơi xốp đất, giúp tăng khả năng giữ nước và hạn chế được sâu bệnh gây hại...
“Nếu sử dụng phân bón hóa học quá nhiều, lá cây sẽ to và mỏng hơn nên dễ bị sâu ăn lá và các loại sâu bệnh phá hoại. Ngược lại, khi sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp các bộ phận cành, lá, cây cứng cáp hơn, lá dày, khả năng chịu đựng các điều kiện bất lợi cũng tốt hơn. Do vậy, cây ít bị sâu bệnh gây hại”, ông Hai chia sẻ.
Phát triển kinh tế tuần hoàn
Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao và nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Nông nghiệp bền vững giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.
Trong nông nghiệp tuần hoàn, chất thải được xem như nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm mới. Các mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp với quan điểm chiến lược “thuận thiên” trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó giải quyết những thách thức lớn của vùng.
Theo chuyên gia, mô hình kinh tế tuần hoàn có thể được ứng dụng và tạo ra giá trị đa ngành cho Đồng bằng sông Cửu Long. Điển hình như đối với ngành thủy sản, kinh tế tuần hoàn mở ra cơ hội khai thác collagen, chitosan, chitin từ phụ phẩm tôm, cá tra, tiềm năng thị trường lên đến 5 tỷ USD mỗi năm.
Những giải pháp này không mới mà đã được một số doanh nghiệp lớn như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Việt Nam Foods, Sao Mai ứng dụng trong nhiều năm nay, đem lại những kết quả tích cực.
Hay như giải pháp xen canh lúa – tôm, lúa – cá, lúa – sen thay cho mô hình siêu thâm canh cũng tạo ra những vòng lặp tuần hoàn khép kín. Không chỉ tận dụng được chế độ nước mặn, ngọt trong sản xuất, các mô hình này giúp bồi hoàn dinh dưỡng cho đất và cắt nguồn dịch hại, từ đó nâng cao năng suất, hạn chế phát thải do sử dụng chế phẩm hóa học.
Nhân rộng các mô hình
Theo UBND tỉnh Hậu Giang, trong chiến lược chuyển đổi nông nghiệp bền vững hướng đến đa giá trị, bảo vệ nguồn nước và hệ sinh thái của tỉnh, kinh tế tuần hoàn là giải pháp quan trọng được thí điểm và vận động sự tham gia của bà con nông dân.
Với sự khuyến khích của chính quyền, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhiều mô hình đã được triển khai, đem lại giá trị, từ những mô hình nhỏ như kết hợp chăn nuôi dê, ốc bươu đen, trồng sầu riêng và mít trên diện tích chỉ vỏn vẹn 1ha của lão nông Huỳnh Văn Tấn cho đến mô hình lớn kết hợp nấm, bò, vịt, lúa và sản xuất điện của Công ty HF Farm.
Còn tại Tiền Giang, nhiều mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm biogas, nuôi trùn quế, chăn nuôi tuần hoàn theo chuẩn VietGAP được áp dụng. Đặc biệt, các mô hình này tạo ra mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp, đem lại thu nhập ổn định cho bà con.
Bạc Liêu là địa phương sở hữu lợi thế về năng lượng tái tạo. Theo chính quyền tỉnh Bạc Liêu, bên cạnh những giải pháp ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nuôi tôm như nuôi tôm tuần hoàn nước, sử dụng chế phẩm sinh học, địa phương này đang tích cực nghiên cứu để kết hợp kinh tế tuần hoàn với điện gió, điện mặt trời, phát huy tối đa lợi thế.
Còn tại Long An, địa phương sở hữu thế mạnh về công nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long, các ngành công nghiệp cũng được chú trọng đẩy mạnh áp dụng kinh tế tuần hoàn. Đơn cử, huyện Đức Hòa của tỉnh Long An là nơi tọa lạc của một số nhà máy tái chế nhựa quy mô lớn, nằm trong danh sách cơ sở tái chế đạt tiêu chuẩn được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Có thể thấy, kinh tế tuần hoàn nhằm giải quyết các nút thắt ở miền Tây được các địa phương vận dụng tương đối linh hoạt, không máy móc, thuận theo điều kiện riêng. Đây cũng chính là tinh thần của quan điểm “thuận thiên” trong phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.
Do vậy, chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành xu thế phát triển tất yếu, là một hướng đi quan trọng góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, bảo đảm quốc phòng an ninh.