Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 1 tháng 7 năm 2024 | 15:32

Chuyện những người say mê trồng rừng, ổn định sinh kế

Nhờ trồng rừng nguyên liệu gắn với công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, bà con các xã ở huyện miền núi Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo và để lại nguồn sinh kế vững bền cho thế hệ sau.

Tích cực trồng rừng và giữ rừng

Theo chỉ dẫn của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hoá Phạm Anh Minh, chúng tôi tiếp tục vượt đèo để lên xã Lâm Hoá, cách thị trấn huyện lỵ khoảng 45km. Bởi nơi đây, bà con làm rất tốt các khâu chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, tạo sinh kế bền vững.

Gia đình ông Cao Xuân Báu ở thôn Tiền Phong là một trong những gia đình điển hình về phát triển kinh tế từ trồng rừng keo nguyên liệu ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Ông Cao Xuân Báu (bên phải) chia sẻ đam mê, tâm huyết với lĩnh vực lâm nghiệp ngay tại khu rừng trồng keo của gia đình

Theo đó, ông Báu đã lập nghiệp ở mảnh đất này từ đời cha ông. Hai vợ chồng có 3 người con, người sống và làm việc tại một tỉnh phía Nam, người đã lập gia đình và ra ở riêng, 1 người đang sống cùng vợ chồng ông.

Gia đình ông Báu có hơn 20ha đất trồng rừng và hơn 6ha đất vườn. Trong diện tích rừng thuộc hạng lớn nhất ở xã Lâm Hoá này, ông dành 2ha để trồng loại bưởi đặc sản Phúc Trạch, đã được UBND xã Lâm Hóa công nhận là vườn mẫu và được hỗ trợ 50 triệu đồng. Ông chia cho người con út đã lập gia đình 1ha để cùng chăm sóc. Ngoài trồng bưởi, phần lớn diện tích còn lại, ông trồng keo - loại cây trồng chính của người dân nơi đây.

Trước đây, khi chưa tham gia trồng rừng nguyên liệu, cuộc sống của gia đình ông Báu cũng như các gia đình khác ở Lâm Hóa đều bấp bênh, gặp nhiều khó khăn khi sống phụ thuộc vào rừng.

Với phương châm, lấy ngắn nuôi dài, lấy chăn nuôi và nông nghiệp để “nuôi” rừng keo, nên hễ có đồng vốn nào từ bán đàn gia súc, hay vay mượn là gia đình ông Báu đều dồn vào trồng keo.

Sau 5, 6 năm chăm bẵm, mỗi lứa keo cho thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, gia đình ông Báu còn phát triển chăn nuôi để tăng thu nhập. Từ nguồn thu ổn định bởi rừng nguyên liệu keo, ông xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm các đồ dùng trong nhà và đầu tư cho con cái học hành…

Thi đua cùng ông Báu có gia đình anh Cao Xuân Hiệu trồng hơn 10ha rừng keo, hàng chục hộ dân ở xã Lâm Hóa này đều trồng từ 3 đến 5ha rừng keo cho thu nhập ổn định hang chục triệu đồng/năm.

Qua trò chuyện, được biết, anh Cao Xuân Hiệu là nhân viên y tế của Trường Phổ Thông Dân tộc Bán Trú Tiểu học và THCS Lâm Hoá, vợ là tiểu thương. Điều đáng nói là gia đình anh đang trồng keo theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FSC) nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng.

Tiêu chuẩn FSC yêu cầu người dân đảm bảo nghiêm ngặt kỹ thuật trồng như hố trồng phải đào vuông 30cm, khoảng cách giữa các cây từ 2,5-3m, cây được 8 năm trở lên mới được bán, được hỗ trợ tiền giống và phân bón.

“Nhờ trồng rừng keo theo tiêu chuẩn FSC mà cây lớn nhanh hơn, giá bán cao hơn. Gia đình đã thu hoạch được 2 vụ, trung bình 1 vụ bán được trên 100 triệu đồng”, anh Cao Xuân Hiệu hồ hởi chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa, ông Trương Quang Tuấn cho biết: Lâm Hoá có diện tích tự nhiên trên 10.000ha, trong đó riêng đất nông nghiệp đã chiếm 9.500ha, đất phi nông nghiệp chỉ chiếm trên 100ha.

Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh việc tuyên truyền cho người dân trồng thâm canh rừng keo nguyên liệu đi đôi với công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng. Độ che phủ rừng của Lâm Hoá năm 2023 đạt 93%, gần như 100% người dân trong xã đều có rừng, trồng rừng và rừng là sinh kế quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy rừng từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm luôn được chú trọng. UBND xã đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phối hợp với Ban chỉ huy quân sự, Công an xã kiện toàn các tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng khi có tình huống cháy xảy ra. Nhờ đó, nhiều năm liền Lâm Hoá luôn được UBND huyện khen thưởng trong công tác bảo vệ rừng.

Nâng cao giá trị rừng

Tuyên Hóa là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích tự nhiên hơn 112.000 ha. Dù điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, nhưng những năm qua, các chính sách xóa đói, giảm nghèo, chính sách dân tộc, miền núi luôn được các cấp chính quyền Tuyên Hoá triển khai tích cực, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 31,77% vào đầu năm 2016 xuống còn 6,72% vào cuối năm 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 và còn 6,87% năm 2022 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2022-2025; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,78 triệu đồng/người năm 2015 lên 38 triệu đồng/người năm 2020.

 

Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa, ông Trương Quang Tuấn đánh giá cao khu vườn mẫu chuyên về bưởi Phúc Trạch tại địa phương.

Năm 2020, UBND huyện Tuyên Hóa đã ban hành Đề án “nâng cao giá trị rừng trồng gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng, giai đoạn 2021-2025”. Nhờ đó, tỷ lệ độ che phủ rừng trong năm 2021 và 2022, 2023 ước đạt 77%, tăng 2,4% so với năm 2020. Các biện pháp lâm sinh được áp dụng trong trồng rừng cũng như khai thác gỗ rừng trồng, bình quân hằng năm khai thác gỗ rừng trồng và trồng lại rừng đạt trên 1.200 ha/năm, sản lượng bình quân 96.000 tấn/ha/năm, giá trị thu được trên 100 tỷ đồng.

Để nâng cao hơn nữa giá trị của rừng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hoá, ông Phạm Anh Minh cho rằng, giải pháp quan trọng nhất là tiếp tục nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng, kịp thời ngăn chặn tình trạng phá rừng. Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; hướng dẫn công tác vệ sinh xử lý thực bì trước mùa khô cho các chủ rừng; bổ sung vào hương ước công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng của các thôn, bản; tuyên truyền, vận động người dân tham đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC).

 

Vũ Hoàng - Nguyên Linh
Ý kiến bạn đọc
Top