Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 7 năm 2024 | 11:29

Lươn hút chân không “đắt khách”

Anh Trần Đắc Dục ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa - Phú Yên) đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật để hình thành chuỗi giá trị nuôi lươn.

Năm 2021, nhận thấy nhu cầu của thị trường về sản phẩm lươn ngày càng nhiều, với đồng vốn ít ỏi, anh Dục vay thêm ngân hàng khoảng 150 triệu đồng xây dựng hơn 20 bể nuôi lươn. Mỗi bể có diện tích 10m2, được lót gạch men trơn, lắp hệ thống bơm nước và thoát nước. Kết quả những vụ nuôi đầu vượt ngoài mong đợi nên anh xác định đây là hướng phát triển kinh tế phù hợp với trình độ sản xuất của gia đình và xu hướng  thị trường.

Tháng 4/2023, anh được chính quyền xã Hòa Mỹ Tây hỗ trợ kinh phí để đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao. Anh Dục quyết định mua máy móc, tự học thêm công nghệ để hoàn thiện sản phẩm. Anh cho biết, công đoạn sơ chế, chế biến lươn yêu cầu rất cẩn thận. Đầu tiên ngâm lươn vào nước muối khoảng 3-4 phút, sau đó tẩy hết nhớt, làm sạch, đóng gói (hút chân không) và cuối cùng dán nhãn mác, mã QR và tem OCOP.

Anh Trần Đắc Dục với sản phẩm lươn đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

Sản phẩm lươn qua sơ chế đóng gói của hộ anh Dục mang thương hiệu Lươn vàng Khánh Thy Bàu Hương được UBND huyện Tây Hòa chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được khách hàng trong và ngoài tỉnh Phú Yên biết đến. Hiện nay, một số các quán ăn trên địa bàn huyện Tây Hòa, thành phố Tuy Hòa đều đặt hàng; các tỉnh ở xa như Thanh Hóa, Nghệ An luôn duy trì và đặt hàng ngày càng nhiều. Với giá bán 150.000-160.000 đồng/kg sau khi đã đóng gói, theo tính toán của anh Dục, 1kg lươn đem lại lợi nhuận khoảng 15.000 đồng.

Theo anh Dục,  mỗi lần khách hàng đặt khoảng 100-150kg lươn đã qua sơ chế đóng gói. Tuy nhiên, khả năng cung ứng lươn thịt của gia đình còn hạn chế. Vì vậy anh dự kiến tiếp tục mở rộng thêm diện tích để có nguồn lươn thương phẩm dự trữ cung cấp cho thị trường

Mô hình nuôi lươn của anh Dục cần được tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cho bà con xung quanh đến học tập và tham quan, từ đó nhân rộng mô hình, tạo nguồn hàng lớn cho thị trường và tăng thu nhập cho các gia đình trên địa bàn, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm đặc trưng của địa phương.

 

Trần Nguyễn Lâm Viên
Ý kiến bạn đọc
Top