Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng các mô hình cây ăn quả chủ lực phù hợp cho từng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Pu Lau thoát nghèo từ cây dứa
Pu Lau là bản vùng cao thuộc xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông. Nhờ trồng dứa mật mà bản Pu Lau từ bản khó khăn nhất xã vươn lên thành bản tiên phong xóa đói giảm nghèo điển hình.
Bản Pu Lau cách trung tâm xã Mường Nhà gần 15km với diện tích địa hình chủ yếu là đồi núi. Từ năm 2017 trở lại đây nhận thấy dứa mật hợp khí hậu thổ nhưỡng, dứa trồng có chất lượng và năng suất cao nên diện tích trồng nương ngô, sắn ở Pu Lau dần được thay thế thành trồng dứa mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con.
Đi dọc đường qua bản Pu Lau những ngày tháng 6 tháng 7 là khung cảnh tấp nập người bán người mua; gùi lớn, gùi nhỏ đựng dứa được vận chuyển tập kết xuống lán ven đường. Đây là thời điểm bắt đầu mùa thu hái dứa, mùa ấm no của bà con nơi đây.
Ít ai biết từ năm 2019 sau một năm mùa vụ thành công, hộ trồng thử ít thì thu 30 – 40 triệu đồng, hộ trồng nhiều dứa thu hàng trăm triệu đồng. Dứa thu hoạch thương lái tới tận nơi thu mua, giá cả ổn định nên cả bản học hỏi làm theo. Diện tích dứa được mở rộng nhanh chóng. Đến thời điểm hiện tại, bản Pu Lau là khu vực trồng dứa lớn nhất xã với hơn 100ha.
Đối với các hộ trồng nhiều từ tháng 6 bắt đầu thu hái dứa xanh xuất bán, tránh thiệt hại khi mùa thu hoạch dứa chín rộ không thu hái kịp.
Ông Lò Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: Bản Pu Lau với 112 hộ hơn 500 nhân khẩu, nhờ dứa mật chỉ trong vòng vài năm đã thoát nghèo hơn 20 hộ; cả bản chỉ có 1 hộ nghèo do hoàn cảnh, thiếu hụt sức lao động (vợ khuyết tật là lao động chính, chồng bị mù không có khả năng lao động).
Nhận thấy giá trị phát triển kinh tế nhờ trồng dứa, xã đã kết hợp cùng già làng, trưởng bản, người có uy tín tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong xã chuyển đổi giống cây trồng, noi theo Pu Lau để phát triển kinh tế.
Cùng với việc thành lập HTX Dứa Pu Lau, ngoài liên hệ, tìm kiếm đầu ra ổn định cho dứa thương phẩm, các thành phần cây dứa cũng được tận dụng như lá, mầm… tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con.
Anh Thào A Giàng, cán bộ khuyến nông kiêm Giám đốc HTX Dứa Pu Lau chia sẻ: Dứa mật Pu Lau có thời gian sinh trưởng dài, sau khi trồng 2 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch đều và kéo dài trong vòng 3 - 4 năm. Thời gian đầu người dân chỉ tập trung bán quả dứa chín, các phần khác của dứa chưa được chú trọng khai thác. Nhận thấy dứa là hướng đi giúp bà con phát triển kinh tế ổn định bền vững, HTX kết hợp tìm kiếm, liên kết tiêu thụ sản phẩm để tăng giá trị kinh tế từ dứa. Thời điểm hiện tại, dứa đều cho thu hoạch ổn định, các hộ dân có nhiều khâu, nhiều lần thu hái sinh lợi từ dứa hơn.
Đối với các gia đình trồng diện tích lớn, nhằm tránh dứa chín rộ, thu hái không kịp gây thiệt hại thì đầu tháng 6 sẽ bắt đầu thu hái quả xanh, các doanh nghiệp thu mua chủ yếu ở Thanh Hóa, giá dứa xanh trung bình 5.000 đồng/kg. Với dứa chín sẽ bán đổ, bán buôn cho thương lái, do thu hái đều đặn, không tồn quá nhiều hàng nên giá thành ổn định, dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg; 1ha cho thu nhập mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
Không chỉ thu nhập chính từ dứa quả, HTX Dứa Pu Lau liên kết tiêu thụ các sản sản phẩm khác như lá dứa, mầm dứa, gốc dứa già. Đối với mầm dứa, gần 2 năm phát triển sẽ bắt đầu tách mầm bán giống. Một cây khỏe mạnh khi tách sẽ thu được 3 mầm với giá 2.000 đồng/mầm, 1ha đất dốc mật độ trung bình 35.000 cây đem lại thu nhập không nhỏ cho bà con.
Người dân bản Pu Lau tập kết dứa xanh bán cho thương lái.
Lá dứa tươi cũng được thu hái phụ thêm thu nhập cho bà con. Đây là nguyên liệu thô thay thế sợi gai xanh được HTX sợi dứa thu mua giá 1.000 đồng/kg. Với diện tích 1ha, một năm thu về hơn 20 triệu đồng.
Anh Vàng A Ly, một trong những hộ có diện tích dứa lớn nhất bản Pu Lau chia sẻ: Nhà có 2ha dứa, trước kia cả năm trông chờ vào thu quả, hiện tại ngoài thu quả còn tận dụng thêm các phần khác của dứa để duy trì cuộc sống cũng như đầu tư chăm sóc, phát triển diện tích dứa sẵn có nên đời sống ổn định hơn. Với diện tích 2ha dứa thì có hơn 1ha thu hoạch trái, mỗi năm gia đình thu về hơn 350 triệu đồng; chi phí phát sinh trong năm như phân bón, công chăm sóc, thu hái, duy trì cuộc sống… được tính vào các sản phẩm phụ thêm như bán giống, lá dứa.
Có thể thấy dứa mật là minh chứng cho hiệu quả của chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất dốc tại Mường Nhà. Dứa mật đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống bà con bản Pu Lau nói riêng và người dân xã Mường Nhà nói chung. Với sự tham gia của người dân, chính quyền địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân tại Mường Nhà trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, tăng giá trị cây trồng thì dứa mật là cây trồng được kỳ vọng là mũi nhọn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ổn định tại địa phương.
Nho hạ đen lần đầu tiên được trồng tại Điện Biên
Những ngày này, khu vườn nho của gia đình anh Hoàng Văn Dán, bản Bua, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ rộn ràng, tấp nập người ra vào. Bởi đến mùa nho chín mọi người tới tham quan, chụp hình vườn nho sai trĩu quả và thưởng thức những trái nho hạ đen lần đầu tiên được trồng tại Điện Biên.
Ngày cuối tuần, nhiều đoàn khách không ngại vượt hơn 20km từ trung tâm TP. Điện Biên Phủ đến với khu vườn nho của gia đình anh Hoàng Văn Dán, phần lớn là gia đình với phụ nữ và trẻ nhỏ. Ai cũng háo hức được tham quan, trải nghiệm hái và thưởng thức những trái nho chín đầu mùa ngay tại vườn.
Bước vào khu vườn, trước mắt mọi người là những chùm nho đang vào độ chín, quả căng mọng; chùm nào chùm nấy to, lúc lỉu trên cây, trông đã thích mắt. Dù thời tiết từ đầu tháng 6 tới nay thường xuyên có mưa khiến cho bụi đất còn vương nhiều trên quả nhưng cũng không làm mất đi vẻ hấp dẫn, tươi ngon của những trái nho chín. Trong vườn nho, khách tham quan tạo dáng chụp ảnh, khoe với bạn bè, người thân trên mạng xã hội.
Du khách trải nghiệm hái nho
Chị Lò Thị Quý, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ, chia sẻ: “Những hình ảnh này tôi thấy nhiều trên mạng xã hội nhưng hôm nay mới được trải nghiệm. Tôi bị mê đắm bởi khung cảnh ở đây, quá đẹp so với tưởng tượng. Trước khi đi tôi đã kịp thuê cho mình 2 bộ váy để chụp ảnh bên những chùm nho sai trĩu quả này. Thật vui khi dịp cuối tuần đi tham quan lại có bộ ảnh ưng ý khoe với mọi người”.
Được biết, khu vườn nho là “sản phẩm mới” của gia đình anh Hoàng Văn Dán. Còn từ trước tới nay, khu vực này được biết đến là vườn dâu tây Mường Phăng. Khu vườn nho có diện tích 1.000m2 với 500 gốc nho hạ đen đang cho thu hoạch lứa quả đầu tiên sau hơn 1 năm chăm sóc.
Anh Hoàng Văn Dán, chủ vườn nho chia sẻ: “Gia đình tôi đã có mô hình dâu tây cho khách tham quan, trải nghiệm từ những năm trước. Nhưng đến năm 2023, được sự hỗ trợ giống của Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ tôi quyết định đưa cây nho hạ đen về trồng thử nghiệm. Sau bao nỗ lực chăm sóc, vườn nho có thành quả như bây giờ. Nho của gia đình được trồng theo hướng hữu cơ, đảm bảo tiêu chí “sạch”. Trong quá trình trồng, chăm sóc, chúng tôi luôn tuân thủ kỹ thuật nghiêm ngặt: làm sạch đất tránh dư tạp trong đất; sử dụng phân hữu cơ bón cho cây, chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại... Giống nho hạ đen mỗi năm cho thu hoạch 2 vụ. Một vụ vào tháng 6, một vụ vào dịp Tết. Nếu trồng và chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch đến 13 - 14 năm”.
Anh Hoàng Văn Dán chăm sóc vườn nho.
“Dù mới mở cửa cho khách tham quan vườn nho nhưng chúng tôi đã đón vài trăm lượt khách. Riêng nho lứa đầu tiên bán tại vườn cũng được gần 60kg quả chín. Dự kiến khoảng 2 tuần nữa, lứa nho thứ 2 vào chính vụ, dồn đủ đường sẽ ngọt, thơm hơn. Chắc chắn lúc đó sẽ thu hút nhiều hơn người dân, du khách trong và ngoài tỉnh đến check-in, thưởng thức, mua sản phẩm” – anh Hoàng Văn Dán cho hay.
Sự thành công bước đầu của mô hình du lịch nông nghiệp mà gia đình anh Hoàng Văn Dán đang thực hiện sẽ tạo thêm sản phẩm cho du khách khi đến thăm Mường Phăng. Khu vực vườn nho nằm ngay sát tuyến đường vào Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, rất thuận lợi cho khách tham quan, trải nghiệm. Mô hình này sẽ mở ra xu hướng “du lịch xanh”, du lịch nông nghiệp, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch Điện Biên.
Tuần Giáo đưa mắc ca thành cây xóa đói giảm nghèo
Tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Tuần Giáo xác định mắc ca là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương phát triển cây mắc ca, vận động và hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mắc ca để vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Cây mắc ca được trồng thử nghiệm trên địa bàn huyện Tuần Giáo từ năm 2013. Đến năm 2016, cây mắc ca được trồng nhiều hơn với diện tích lên tới hàng trăm héc-ta theo hình thức liên kết giữa người dân với nhà đầu tư. Sau thời gian trồng, chăm sóc, vài năm trở lại đây một số diện tích mắc ca bắt đầu cho thu hoạch với chất lượng quả tốt và giá trị kinh tế cao. Nguồn thu nhập từ cây mắc ca mở ra hướng đi trong việc lựa chọn cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Bí thư Huyện ủy Tuần Giáo Lò Văn Cương chia sẻ: Cây mắc ca có tuổi thọ hàng trăm năm, vừa có tác dụng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, nhu cầu thị trường lớn. Trừ chi phí, việc mắc ca có thể cho thu nhập từ 120 - 130 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng ngô, sắn. Đây là cây trồng được đánh giá phù hợp với địa bàn của huyện, có thể giúp người dân xóa đói giảm nghèo và tiến tới làm giàu. Vì vậy, huyện xác định phát triển diện tích cây mắc ca trên địa bàn là chủ trương lớn, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Người dân huyện Tuần Giáo thu hái mắc ca.
Huyện Tuần Giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây mắc ca; hướng dẫn bà con kỹ thuật đào hố, trồng và chăm sóc cây mắc ca; huy động cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, hội viên giúp các hộ đào hố, vận chuyển phân bón trồng mắc ca. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai hỗ trợ cây giống, phân bón để người dân mở rộng diện tích trồng mắc ca.
Huyện tổ chức gặp mặt, đối thoại trực tiếp với người dân để lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân. Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đều tham dự gặp mặt để thông tin về định hướng phát triển cây mắc ca; giải đáp những thắc mắc, khó khăn của người dân trong quá trình trồng và chăm sóc cây mắc ca, nhất là quy trình kỹ thuật, thời gian chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ… Để đảm bảo thị trường tiêu thụ, huyện đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn TH. Theo đó, huyện Tuần Giáo cam kết tạo mọi điều kiện theo quy định để Tập đoàn và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện dự án trồng mắc ca trên địa bàn. Đổi lại, Tập đoàn TH cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca của huyện trong thời gian 50 năm.
Ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo khẳng định: Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, diện tích trồng mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo không ngừng được mở rộng. Năm 2022 huyện trồng mới được 150ha mắc ca; đến năm 2023 huyện trồng mới gần 1.700ha mắc ca với sự tham gia của 2.800 hộ dân. Hiện nay, diện tích mắc ca được trồng đang sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Qua đó, đã tạo chuyển biến rõ rệt trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện, tạo hướng xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân trên địa bàn.
Hộ nghèo xã Phình Sáng nhận hỗ trợ cây giống mắc ca.
Huyện Tuần Giáo đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có trên 8.000ha mắc ca, bình quân mỗi hộ dân sở hữu 100 cây mắc ca, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Năm 2024, huyện Tuần Giáo đã tuyên truyền, vận động được 5.500 hộ gia đình đăng ký trồng mắc ca, nâng tổng số hộ tham gia trồng mắc ca toàn huyện lên gần 8.000 hộ, chiếm gần 50% dân số làm nông nghiệp trên địa bàn. Tổng diện tích đăng ký trồng mới mắc ca năm nay là 3.300ha, đến nay huyện hoàn thành việc đào hố, trộn phân lấp hố và tiến hành cấp phát cây giống cho người dân các xã. Phấn đấu đến hết tháng 6/2024, huyện sẽ hoàn thành trồng 3.300ha mắc ca đảm bảo đúng kỹ thuật và thời vụ. Sau vụ trồng mới năm 2024, diện tích mắc ca trên địa bàn huyện sẽ nâng lên hơn 6.000ha, đưa huyện Tuần Giáo thành địa phương có diện tích mắc ca lớn trong cả nước.
Tại ngày hội trồng mắc ca năm 2024 và hội thảo về định hướng phát triển cây mắc ca, cây cà phê được huyện Tuần Giáo tổ chức vào ngày 23/5 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đánh giá cao hướng đi và cách làm của huyện Tuần Giáo. Kết quả trồng mắc ca trên địa bàn huyện là minh chứng cho thấy sự quyết tâm, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền huyện, sự tham gia hưởng ứng của các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện chủ trương của tỉnh.
Với diện tích mắc ca đã trồng và sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, huyện Tuần Giáo sẽ thực hiện hiệu quả việc phát triển và mở rộng diện tích mắc ca, đưa mắc ca thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Theo baodienbienphu.com.vn