Đó là chủ đề Hội thảo có ý nghĩa đối với ngành chăn nuôi, đặc biệt trong bối cảnh ngành chăn nuôi Việt Nam đã và đang đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp, sự phát triển kinh tế đất nước và bảo đảm an sinh xã hội.
Triển khai chương trình hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Hàng hải Cộng hòa Ireland, ngày 24/7, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Cơ quan Hệ thống thực phẩm bền vững Cộng hòa Ireland tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực về phát triển chiến lược an toàn sinh học hiệu quả” tại thành phố Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết: Từ đất nước sản xuất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, mặc dù hạn chế về diện tích đất đai, dân số đông, nhưng đến nay Việt Nam đã chuyển đổi mạnh mẽ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa được thế giới biết đến về năng lực sản xuất nông sản nói chung và sản phẩm chăn nuôi nói riêng. Năm 2023, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, xung đột chính trị một số khu vực trên thế giới,… nhưng ngành chăn nuôi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 5,7% so năm 2022.
PGS.TS: Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, phát biểu tại hội thảo.
Để phục vụ chăn nuôi, hàng năm Việt Nam sản xuất hơn 20 triệu tấn thức ăn các loại. Đặc biệt, ngoài phục vụ chăn nuôi trong nước còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực với giá trị khoảng 1,5 tỷ USD. Giá trị ngành chăn nuôi đóng góp 26% giá trị GDP ngành nông nghiệp và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng 3,83% để tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam.
PGS. TS. Phạm Kim Đăng chỉ rõ, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi cần tuân thủ theo nguyên tắc chung, tuy nhiên, do đặc thù của ngành chăn nuôi tại Việt Nam có sự xen kẽ giữa cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và vừa với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi khá lớn, cho nên việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học cần giải quyết được tính đặc thù. Đây là một thách thức đặt ra cho ngành chăn nuôi.
Trên thực tế, vấn đề xây dựng vùng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh đã được đưa vào Luật Chăn nuôi năm 2018, nghị định, thông tư hướng dẫn luật, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045. Đặc biệt, Việt Nam đã tiến hành xây dựng ban hành Hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học và đang xây dựng Quyết định hướng dẫn kỹ thuật thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh môi trường cho cơ sở chăn nuôi theo hướng hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững, minh bạch và có trách nhiệm.
Ông Conor Finn - Phó Đại sứ Cộng hòa Ireland tại Việt Nam
Tham dự hội thảo, ông Conor Finn - Phó Đại sứ Cộng hòa Ireland tại Việt Nam chia sẻ: Sau khi đến Việt Nam, tôi cảm nhận được những tiềm năng của Việt Nam đối với ngành chăn nuôi và tôi quyết định trở lại đây để được hợp tác và phát triển sau những lần gặp gỡ với các lãnh đạo cấp cao, cho đến hiện tại, tôi và các cộng sự của mình vẫn đang cố gắng cùng tất cả những nhà chăn nuôi ở Việt Nam thực hiện tốt chiến lược phát triển theo hướng an toàn sinh học như hiện nay. Chúng tôi và người Ailen luôn tự hào khi được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.