Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 8 tháng 7 năm 2024 | 15:15

Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng xanh, bền vững: Hà Nam phát huy vai trò của cộng đồng

Chương trình OCOP được thực hiện với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn trên cơ sở khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn.

Qua đó, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển xanh, bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra cơ sở sản xuất Trứng gà thảo dược Saschi.

Phát triển sản phẩm OCOP bền vững

Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  (XDNTM) giai đoạn 2021 - 2025; đưa XDNTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025; theo Kế hoạch số 2984/KH-UBND ngày 04/11/2022 của UBND tỉnh Hà Nam thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Nhờ bám sát mục tiêu Chương trình OCOP, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nam đã chủ động phối hợp thường xuyên, thống nhất giữa các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, do đó, chỉ sau hơn 2 năm, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực.

Đến nay, Hà Nam đã công nhận cho 130 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (trong đó có 105 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 17 sản phẩm đạt hạng 4 sao). Các sản phẩm tham gia đánh giá đều được đầu tư sản xuất theo quy trình an toàn, chất lượng cao, có đầy đủ bao bì, mẫu mã sản phẩm, có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc, rõ ràng và đây là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm làng nghề đặc trưng của các địa phương đến từ 30 hộ kinh doanh, 18 HTX và 14 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Thị xã Duy Tiên: 42 sản phầm (12 sản phẩm 4 sao, 30 sản phẩm 3 sao); Thành phố Phủ Lý: 27 sản phẩm 3 sao; Lý Nhân 16 sản phẩm 3 sao; Bình Lục 15 sản phẩm (2 sản phẩm 4 sao, 13 sản phẩm 3 sao); Thanh Liêm  22 sản phẩm 3 sao; Kim Bảng  8 sản phẩm (3 sản phẩm 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao).

Phấn đấu trong năm 2024, Hà Nam có thêm 25 - 30 sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao trở lên (nâng tổng số sản phẩm được đánh giá, phân hạng 3 sao trở lên trên địa bàn tỉnh đạt 147-152 sản phẩm; đồng thời duy trì, củng cố, nâng cấp 50% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Các sản phẩm OCOP tại các gian hàng Tuần lễ giới thiệu và trung bày sản phẩm OCOP năm 2024

Theo đó, trọng tâm phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp; sản phẩm làng nghề và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện nhằm phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị gắn với phát triển cộng đồng.

Đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm đã có thương hiệu, sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống…; sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, chất lượng nổi trội, đặc sắc, trong đó ưu tiên sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo; sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu và tri thức địa phương có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống. Nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm, trong đó tập trung đổi mới và cải tiến công nghệ, quy trình kỹ thuật, mở rộng vùng nguyên liệu địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện bao bì, nhãn mác theo quy định, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp vùng; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Sản phẩm OCOP rượu vọc Đức Toàn.

Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, hướng đến kết nối liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu chương trình OCOP. Phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, nhất là các sản phẩm đặc sản địa phương.

Thường xuyên tổ chức kiểm tra tại cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng sản phẩm; việc duy trì các tiêu chí đánh giá của sản phẩm OCOP và phát triển sản phẩm mới: hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở duy trì các tiêu chí sản phẩm OCOP và định hướng phát triển sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất công nghệ tiên tiến (ISO, HACCP, VietGAP, hữu cơ…) để nâng hạng sao sản phẩm.

Sản phẩm OCOP bánh đa Kiện Khê.

Nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về tính cộng đồng và tinh thần hợp tác; kỹ năng quản trị; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; đổi mới, sáng tạo sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; xác lập quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP. Tập trung củng cố, hướng dẫn hỗ trợ các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu

Theo ông Nguyễn Hải Đăng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Nam, để tăng cường vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm OCOP, các địa phương cần chú trọng nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội trong triển khai Chương trình OCOP, khai thác và phát triển sản phẩm của địa phương gắn với bảo tồn, kỹ năng truyền thống, danh tiếng của cộng đồng. Đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu; duy trì sự đặc sắc, nét văn hóa của các sản phẩm địa phương; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP gắn với việc sử dụng nguyên liệu và lao động địa phương.

Lụa Nha Xá (Mộc Nam - TX .Duy Tiên).

Chương trình phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp “xanh” tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương.

Sản phẩm gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc, đặc trưng về giá trị văn hóa; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản, sản phẩm làng nghề dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa của địa phương.

Đưa sản phẩm OCOP thành sản phẩm hàng hóa

Để đạt được những kết quả về Chương trình OCOP, bên cạnh việc chú trọng các hoạt động phát triển bền vững các sản phẩm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương..., các ngành, địa phương và chủ thể còn phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chương trình triển khai hiệu quả; nâng cao giá trị, định vị thương hiệu và chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Sữa chua nếp cẩm của Công ty Cổ phần Sữa và Giống bò sữa Mộc Bắc (TX. Duy Tiên).

Cũng theo ông Nguyễn Hải Đăng, để nâng cao hiệu quả Chương trình OCOP trong thời gian tới, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP 3 sao phấn đấu nâng hạng lên 4 sao, Chương trình OCOP Hà Nam cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại qua các hội chợ triển lãm, hoạt động du lịch, đưa sản phẩm OCOP vào chương trình hành động phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng NTM của địa phương. Tập trung phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh về nguyên liệu, văn hóa như các sản phẩm làng nghề, sản phẩm tiềm năng gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương để sản phẩm OCOP sớm trở thành sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình OCOP. Qua đó, khẳng định hiệu quả việc lan tỏa thương hiệu riêng cho sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Chương trình OCOP Hà Nam sẽ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả cao hơn, rõ nét hơn, là trụ cột cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và trở thành người bạn đồng hành nâng tầm giá trị các sản phẩm truyền thống của địa phương khi chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Hà Nam
Ý kiến bạn đọc
Top