Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 18 tháng 6 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 8 tháng 6 năm 2024 | 14:24

Nuôi cá đặc sản trên núi, hướng làm kinh tế mới

Nắm bắt thông tin từ cơ quan chuyên môn, nhiều hộ dân ở xã Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai) biết địa phương mình có điều kiện khí hậu phù hợp nên đã chủ động đầu tư nuôi loài cá tầm đắt đỏ, thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Mở hướng làm kinh tế

Khu nuôi cá tầm của gia đình ông Hoàng Văn Xô (thôn Trĩ Trong) được bố trí trên khu đất thoáng đãng, mát mẻ. Là một trong những người đầu tiên mạnh dạn đầu tư xây dựng bể, hệ thống dẫn nước để nuôi cá tầm, ông Xô chia sẻ: “Trước khi nuôi cá, tôi cũng đã tìm hiểu kỹ địa hình, tham quan các trại nuôi cá tầm trong tỉnh, nhờ  khuyến nông viên tư vấn kỹ thuật. Với địa thế nằm dưới chân núi Voi,  xã có 3 thôn: Trĩ Trong, Trĩ Ngoài, Làng Nủ thuận lợi tiếp cận nguồn nước trong trẻo, mát lành từ trên núi chảy xuống. Khoảng năm 2016, trong thôn đã có một hộ làm gần chục bể nuôi cá tầm. Tuy là lần đầu tiên giống cá tầm được đưa về nuôi tại địa phương nhưng lại sinh trưởng và phát triển tốt, cho chất lượng ngon hơn hẳn nhiều nơi khác.

Ông Hoàng Văn Xô kiểm tra cá tầm định kỳ.

Tuy nhiên, khi đó, cá tầm chưa trở thành hàng hoá do nuôi số lượng ít, đường giao thông đi lại khó khăn, không thu hút được thương lái. Đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hộ nuôi cá duy nhất trong xã phải thu cá, tháo bể, để không trong vài năm trời. Đến năm 2020, có người thuê lại tiếp tục nuôi cá tầm. Cá thương phẩm ở đây được người mua đánh giá rất cao bởi thịt  tươi có thớ vồng, màu ngả vàng nghệ, chứ không trắng như cá trên thị trường, ăn rất chắc thịt, giòn và ngọt nên dù giá cá trên thị trường giảm còn 120.000 đồng/kg thì người dân vẫn bán được với giá từ 160.000 - 200.000 đồng/kg, nhiều khi không còn cá để bán”.

Ban đầu, gia đình ông Xô nuôi thử nghiệm 1 bể với khoảng 100 con. Sau một năm thuận lợi, ông làm thêm 3 bể, thành công cung cấp hơn 5 tấn cá ra thị trường mỗi năm, thu lãi hơn 200 triệu đồng.

Thấy việc nuôi cá tầm cho thu nhập cao, nhiều hộ gia đình trong thôn cũng mày mò kéo nước, đầu tư xây bể. Cùng thôn Trĩ Trong, gia đình ông Lý Văn Bền cũng nuôi cá tầm được 4 năm nay. Ban đầu gia đình ông làm thử 2 bể. Xây bể cùng với hệ thống đường ống dẫn nước từ nguồn trên núi gần nhà, ông Bền đầu tư hết 50 triệu đồng để nuôi 1.000 cá giống. Nuôi từ khi cá chỉ dài trên 10 cm cho đến khi cân nặng 1,8 - 3,5 kg/con là khoảng 16 tháng. Với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng (gấp nhiều lần cấy lúa). Đến nay, ông Bền đã xây dựng được 5 bể nuôi cá, số lượng khoảng 3.000 con.

Lãnh đạo xã Phúc Khánh cùng cán bộ khuyến nông thị sát mô hình nuôi cá tầm của người dân.

Bà Vũ Thị Tư, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khánh, cho biết, từ 2023 đến nay, trên địa bàn xã đã có 31 hộ nuôi tại 3 thôn với 89 bể (thể tích trung bình khoảng 50 -70m3/bể nuôi). Tổng thể tích khoảng 6.200m3, chủ yếu nuôi giống cá tầm nhập từ các trại giống ở Sa Pa (Lào Cai), Lai Châu. Cá được tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh với giá bán trung bình 180.000 - 200.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình nhanh chóng xây nhà đẹp, mua sắm trang thiết bị đắt tiền..., đời sống không ngừng được nâng cao. Do địa hình xã Phúc Khánh chủ yếu là đồi núi dốc, nên để triển khai các mô hình sản xuất quy mô lớn, tập trung theo Nghị Quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn xã là rất khó khăn. Việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao như mô hình nuôi cá tầm cũng đã giải quyết được nhiều trăn trở cho chính quyền địa phương.

Phát triển nuôi cá an toàn, bền vững

Thuận lợi là thế, nhưng những hộ nuôi cá tầm ở Phúc Khánh cũng bắt đầu phải đối mặt với nhiều vấn đề khi mở rộng sản xuất. Trong hai năm đầu, không cần tốn nhiều công sức, cá tầm của gia đình ông Lý Văn Bền rất khỏe mạnh, phát triển ổn định nhưng gần đây đã thấy xuất hiện bệnh đường ruột, nấm mang, nấm thân... Năm 2023, gia đình ông Bền bỗng phát hiện cá lờ đờ nổi lên mặt nước, không ăn, thân cũng đổi từ màu đen sang màu nâu..., rồi chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 1.000 con cá, đòi hỏi ông Bền và nhiều hộ nuôi cá phải trang bị thêm kiến thức về phòng và trị bệnh, kỹ thuật chăm sóc cá nước lạnh. Cá tầm có điều kiện sống khắt khe hơn các loại cá nước ngọt khác, cần có nguồn nước sạch, mát lạnh. Để cá phát triển khỏe mạnh, cần cung cấp đủ lượng thức ăn theo lứa tuổi.

Cơ ngơi bề thế của gia đình ông Hoàng Văn Xô được xây dựng nhờ nguồn thu  từ nuôi cá tầm.

Đến nay, các hộ dân cơ bản đã thận trọng hơn trong việc lựa chọn cá giống, nguồn thức ăn, bổ sung các loại vitamin trong khẩu phần ăn cho cá, tháo nước, rửa bể 3-4 ngày/lần.

Bà Vũ Thị Tư cho biết, để tránh tình trạng phát triển ồ ạt dẫn đến nguồn nước khan hiếm,  tranh giành gây mất an ninh trật tự, xã Phúc Khánh đã khoanh vùng nuôi và khuyến cáo người dân. Song song, tiến hành kiểm tra thường xuyên việc thực hiện các quy định Nhà nước của các cơ sở nuôi cá nước lạnh để tuyên truyền, nhắc nhở. Đồng thời, cũng thực hiện các quy định của pháp luật và xử lý vi phạm về: Đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Đặc biệt là, xã tuyên truyền, vận động, khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm nuôi để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, chia sẻ nguồn nước; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn, bền vững, tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
Top