Với tổng diện tích mặt nước lên tới 30.800 ha, trong đó có khoảng 24.200 ha nuôi trồng thủy sản, đây là một trong những tiềm năng và thế mạnh đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của thành phố. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế đang có, bởi còn có nhiều nguyên nhân.
Sản lượng thủy sản gia tăng
Hà Nội là thủ đô có nhiều sông, hồ, đây là một trong những điều kiện cho nuôi trồng thủy sản phát triển, nhờ có những chủ trương, chính sách mà các hộ gia đình, các HTX ở các quận, huyện không những giữ ổn định được diện tích mặt nước, mà còn gia tăng được sản lượng thủy sản trong những năm qua.
Vì vậy, Hà Nội đang tận dụng lợi thế này để xây dựng các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung công nghệ cao, nuôi thâm canh tại các huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ba Vì, Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.
Mô hình sông trong ao tại xã Liên Bạt cho hiệu quả kinh tế cao.
Ứng Hòa là huyện có diện tích mặt nước lớn, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, vì thế trong những năm qua huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản, để tạo một bước đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn.
Theo thống kê của huyện Ứng Hòa, hiện diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn là hơn 4.000ha, sản lượng đạt 37.260 tấn. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn. Đáng chú ý, huyện Ứng Hòa có 15 mô hình nuôi thủy sản “sông trong ao” tại xã Trầm Lộng và xã Liên Bạt cho giá trị kinh tế cao.
Huyện Ba Vì cũng là điểm sáng phát triển nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản chất lượng cao, trở thành điểm sáng của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Toàn huyện Ba Vì hiện có 2.600ha diện tích mặt nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, tập trung tại các xã: Cổ Đô, Vạn Thắng, Phú Đông, Cẩm Lĩnh, Đồng Thái, Phú Châu…
Nhiều hộ dân đã tận dụng mặt nước sông Hồng, sông Đà để nuôi cá lồng bè, cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Đỗ Văn Sim (ở xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) cho hay, gia đình ông đã và đang xây dựng khu nuôi cá trắm, chép, trôi, lăng… rộng gần 30ha, hằng năm thu được hơn 6 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, tổng sản lượng chăn nuôi thủy sản đạt khoảng 26.800 tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023. Sự tăng trưởng này nhờ vào việc áp dụng các công nghệ nuôi trồng tiên tiến và nâng cao hiệu quả quản lý. Hà Nội đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 25.000 ha, trong đó vùng chăn nuôi thủy sản tập trung là 10.000 ha.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thành phố Hà Nội có gần 31.000ha mặt nước, trong đó có nhiều ao, hồ lớn. Thời gian qua, diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định, với khoảng 24.000ha, năng suất bình quân 5 tấn/ha và riêng vùng nuôi trồng tập trung đạt 10-12 tấn/ha. Tổng sản lượng thủy sản thu hoạch tăng dần qua từng năm, với tỷ lệ từ 2,5-3,5%. “Có thể thấy, định hướng phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái đang mở ra tiềm lực cho ngành nuôi trồng thủy sản của Hà Nội”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.
Hiệu quả từ việc nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP
Với những lợi thế về diện tích mặt nước hiện có, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP. Nuôi trồng thủy sản theo hướng này không chỉ cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm chi phí sản xuất.
Áp dụng khao học kỹ thuật trong chăn nuôi thủy sản để kiểm soát tốt dịch bệnh.
Sau thời gian nuôi cá nhưng hiệu quả kinh tế không cao (cá nuôi hay bị bệnh, chết hàng loạt do môi trường nước ô nhiễm, thời tiết diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế), được sự hỗ trợ, hướng dẫn của các ngành chức năng, gia đình ông Lê Văn Phương ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, trên quy mô 2,7ha.
Nuôi cá theo hướng VietGAP, ông Lê Văn Phương nhận thấy, cá ăn khỏe nhưng lại tiêu tốn ít thức ăn hơn so với hình thức nuôi trước đây và đặc biệt không cần dùng kháng sinh để phòng, trị bệnh.
Tương tự, gia đình bà Đỗ Thị Thu Hà ở xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) cũng được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, trên quy mô 1ha.
Theo bà Hà, khi tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGap, gia đình bà đã được hỗ trợ 50% giống và quá trình triển khai mô hình được cán bộ ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và quản lý ao nuôi.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với các huyện tiếp tục triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP với quy mô 25ha tại các huyện: Phúc Thọ, Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức, Thanh Trì, Phú Xuyên. Các mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt, cá sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 81,5%, cho năng suất hơn 12 tấn/ha; lãi suất hơn 95 triệu đồng/ha, cao hơn 10-15% so với phương pháp truyền thống. Tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản, nông dân được cán bộ của ngành Nông nghiệp tập huấn, tư vấn kỹ thuật, lấy mẫu kiểm tra, đánh giá, phân tích chất lượng nước và ghi chép nhật ký chăm sóc trong quá trình nuôi.
Khắc phục ô nhiễm ao, hồ nuôi thủy sản
Hiện nay, Hà Nội có 25.800 hộ nuôi trồng thủy sản và diện tích mặt nước lên tới 30.800 ha, nhưng đa số là các hộ nuôi nhỏ lẻ, với sản phẩm chủ yếu tiêu thụ nội địa và giá trị chưa cao. Nguyên nhân chính là do tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ các sông lớn và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nước tại các sông lớn và ao, hồ nuôi, Hà Nội đã chỉ đạo các huyện Thường Tín và Thanh Trì khuyến khích nông dân áp dụng công nghệ cao như công nghệ sông trong ao, biofloc, nuôi thâm canh với các loài cá chép, trắm cỏ, rô phi và lồng ghép các chương trình hỗ trợ đầu tư. Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết, hàng năm huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn cho bà con, thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu nước đánh giá chất lượng môi trường tại các vùng nuôi và hướng dẫn quy trình chăm sóc, xử lý phòng chống dịch bệnh. Huyện cũng sử dụng đài truyền thanh để tuyên truyền kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và các biện pháp chống nóng, rét cho vật nuôi và thủy sản.
Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo đảm tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt; tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản xuất, việc đẩy mạnh phát triển vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP đang được ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương chú trọng triển khai.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương khuyến khích người dân, hợp tác xã ứng dụng khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào khâu chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
“Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thức ăn thủy sản, chế phẩm sinh học và xử lý môi trường, bảo đảm cung cấp nguồn giống, thức ăn có chất lượng tốt phục vụ cho nuôi trồng thủy sản. Các địa phương cần bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho nông dân khi thực hiện các mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các địa phương mở các khóa tập huấn, đào tạo về công tác quản lý giống, thức ăn và quan trắc, cảnh báo môi trường trong chăn nuôi thủy sản. Đồng thời, Sở cũng tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong việc tiêu thụ sản phẩm, rà soát, mở rộng chăn nuôi thủy sản ở các diện tích ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang mô hình kết hợp cá và lúa hoặc chuyên cá.
Hà Nội đang xây dựng kế hoạch phát triển thủy sản đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thủy sản và xây dựng các vùng nuôi công nghiệp, công nghệ cao sản xuất thủy sản hàng hóa lớn. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt diện tích chăn nuôi thủy sản 25.000 ha, trong đó vùng chăn nuôi thủy sản tập trung là 10.000 ha với năng suất khoảng 15 tấn/ha/năm, đưa ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, đáp ứng nhu cầu nội địa và hướng tới xuất khẩu.
Với những lợi thế ao hồ rộng lớn như thế này, Hà Nội cần phải có chiến lược lâu dài hơn nữa để lĩnh vực chăn nuôi thủy sản phát triển mạnh, tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân phát triển kinh tế.
Theo tongcucthuysan.gov.vn; hanoimoi.vn