Hàng trăm gốc mận an phước và hồng đào đá đang trong giai đoạn thu hoạch, phát triển xanh tốt, tàng lá phủ rợp cả khu vườn.
Đây là thành quả sau hơn 10 năm chuyển từ đất lúa không hiệu quả lên làm vườn của ông Trần Hiếu Nghĩa, ở khu vực Thới Thạnh Đông, phường Thới Long, quận Ô Môn. Ông Nghĩa đã ứng dụng thành công mô hình trồng mận phủ lưới theo tiêu chuẩn VietGAP, đưa ra thị trường sản phẩm an toàn. Với diện tích 1,3ha trồng mận “giăng mùng”, ông Nghĩa có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Mô hình trồng mận phủ lưới của ông Trần Hiếu Nghĩa được nhiều nông dân ở địa phương học hỏi, nhân rộng, giúp nhiều nông hộ tăng thu nhập.
Theo ông Trần Hiếu Nghĩa, mận an phước và mận hồng đào đá là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, chủ yếu phun thuốc phòng trừ sâu và bón phân theo định kỳ là có thể cho trái quanh năm. Ưu điểm của các giống mận này là trái to, có độ ngọt cao, giòn và mọng nước… nên đầu ra ổn định. Hiện tại, với 1,3ha trồng mận, ông Nghĩa thu hoạch trung bình mỗi năm trên 70 tấn mận và thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Tùy vào thời điểm, mận có giá 3.000-20.000 đồng/kg. Để xử lý mận ra trái nghịch vụ, bán giá cao, ông Nghĩa thường xuyên tham quan những mô hình trồng mận đạt hiệu quả cao trên địa bàn thành phố và dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Nghĩa cho biết: “Hầu hết các giống mận có thể xử lý trái quanh năm nên trồng rất đạt hiệu quả. Điều quan trọng là người trồng phải xử lý phân và phun thuốc lên cây mận đúng thời điểm. Từ khi mận ra hoa đến thu hoạch phải 3 tháng”. Riêng ông Nghĩa chọn xử lý cho mận ra hoa đồng loạt vào khoảng tháng 5 âm lịch, đến tháng 8 âm lịch thu hoạch trái, thường bán được giá cao. Những tháng còn lại, ông Nghĩa để mận ra hoa tự nhiên để có thu nhập quanh năm.
Chia sẻ và bày tỏ cảm thông với sự vất vả chống chọi với sâu bệnh, ruồi đục trái của các nhà vườn trồng mận, ông Nghĩa cho biết 7 năm gần đây, ông duy trì việc “giăng mùng” cho cây mận, vừa có sản phẩm mận sạch, vừa nhẹ công chăm sóc. Ông dùng lưới cước bao phủ toàn bộ 1,3ha mận để hạn chế ruồi đục trái, giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nghĩa chia sẻ: “Trước đây, để xua đuổi ruồi đục trái, cứ 4 ngày tôi phải phun thuốc bảo vệ thực vật 1 lần, từ thời điểm trái mận bằng ngón tay đến thời điểm thu hoạch. Còn không phun thuốc bảo vệ thực vật thì phải thuê nhân công trùm bọc, rất tốn kém chi phí. Từ khi phủ lưới cước đến nay, ruồi đục trái không thể hút chích, mận cho năng suất rất cao và chất lượng mận đảm bảo”.
Ông Trần Hiếu Nghĩa giới thiệu sản phẩm mận an toàn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bán được giá cao.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trồng mận, ông Nghĩa cho rằng việc xử lý mận ra hoa không khó nhưng chăm sóc để mận đạt năng suất cao mới là vấn đề quan trọng. Để mận có trái to, bán được giá cao, ông Nghĩa cắt tỉa những cành kém hiệu quả và cho cây mang lượng trái vừa đủ kết hợp với bón phân, phun thuốc. Nhờ chăm sóc đúng theo quy trình, vườn mận của ông Nghĩa lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê.
Thấy mô hình trồng mận của ông Nghĩa mang lại hiệu quả cao, nhiều nông dân trên địa bàn khu vực Thới Thạnh Đông cũng đã mạnh dạn cải tạo diện tích đất trồng lúa không hiệu quả để trồng mận. Năm 2018, Tổ hợp tác trồng mận an phước, hồng đào đá ở khu vực Thới Thạnh Đông được thành lập do ông Nghĩa làm Tổ trưởng. Tổ hợp tác hiện có 22 thành viên tham gia với diện tích 25ha. Với vai trò Tổ trưởng, ông Nghĩa thường xuyên hướng dẫn hội viên kỹ thuật trồng và chăm sóc mận, giới thiệu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả cho các thành viên sử dụng.
Những năm gần đây, ông Trần Hiếu Nghĩa và các thành viên Tổ hợp tác trồng mận an phước, hồng đào đá đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng mận phủ lưới theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đó, sản phẩm của tổ hợp tác sau khi thu hoạch có mẫu mã đẹp mắt, được người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá cao.