Mặc dù có nhiều sông lớn chảy ngang như sông Thu Bồn, sông Vu Gia… nhưng năm nay, ngành Nông nghiệp huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vẫn phải đối mặt với hạn hán, thiếu nước tưới.
Vụ hè thu 2024 cận kề, thời điểm này, ngành Nông nghiệp huyện Đại Lộc đã tăng cường phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai phương án chống hạn, đảm bảo xuống giống vụ mùa, ổn định nguồn tưới phục vụ sản xuất.
Khô hạn đang diễn biến khó lường
Đại Lộc có 8 hồ chứa và 5 đập dâng nhỏ, cấp nước tưới cho 453,2ha lúa. Vụ hè thu năm nay, theo dự báo, tình hình khô hạn diễn biến phức tạp, nguồn tưới gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các hồ chứa tại Đại Lộc là hồ chứa nhỏ, lòng hồ bị bồi lắng, dung tích hồ giảm từ 30 - 50% so với dung tích thiết kế.
Các đập dâng nhỏ như đập dâng An Định, Khe Ngang, Đập Trắng, Phú Hương, Suối Thơ, Thủy điện, Hóc Đãi có dòng chảy yếu do rừng đầu nguồn ngày càng khai thác cạn kiệt và chuyển sang trồng rừng kinh tế nên nguồn nước thường xuyên bị khô kiệt hoàn toàn trong vụ hè thu.
Hạn hán gay gắt khiến nhiều diện tích trồng ớt, bắp của xã Đại Hồng đối diện với nguy cơ mất trắng.
Mực nước trên các sông tại Đại Lộc hiện xuống thấp gây khó khăn cho nguồn nước tưới phục vụ sản xuất. Theo dự báo của ngành nông nghiệp Đại Lộc, vụ hè thu, khả năng sẽ có hơn 400ha lúa bị thiếu nước tưới.
Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc thông tin, theo dự báo, vụ hè thu năm nay, nắng hạn gay gắt hơn, tuy có mưa dông song lượng mưa không nhiều so với lượng mưa trung bình những năm trước.
Tháng 7 là thời điểm lúa trổ, tâm điểm của khô hạn cũng thường rơi vào thời điểm này. Nếu có mưa thì rất thuận lợi, còn không thì rủi ro, tổn thất không nhỏ.
Qua khảo sát, toàn huyện có 100ha có khả năng không đảm bảo tưới. Diện tích lúa này chủ yếu sử dụng nước trời của các đập dâng, hồ chứa tại Đại Nghĩa, thị trấn Ái Nghĩa, Đại Quang, Đại Đồng, Đại Sơn và Đại Hưng…
Theo ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tình hình sản xuất vụ xuân hè (cây màu) và hè thu 2024 (cây lúa, cây màu) theo dự báo thời tiết rất khắc nghiệt.
Hiện, theo dự báo, hồ thủy lợi Khe Tân cơ bản đảm bảo cấp nước tưới, mực nước ở cao trình 20/21,6m. Riêng các công trình trạm bơm, hồ chứa, đập dâng giao cho HTX quản lý (9 hồ chứa và đập dâng) có khả năng thiếu hụt nước tưới ảnh hưởng tới 150/280ha.
Một số hồ chứa như Cây Xoay (Đại Hồng) đã hết nước, khả năng sẽ không có nước để sản xuất, ảnh hưởng tới gần 20ha nếu trời không mưa.
Hồ Ồ Ồ của xã Đại Đồng cũng chỉ đủ nước tưới cho một vụ gieo sạ, ít nhất 15ha bị ảnh hưởng. Đại Đồng qua khảo sát khả năng thiếu nước ảnh hưởng tới 36ha. Đại Quang ảnh hưởng ít nhất 60ha; Đại Sơn khả năng thiếu nước tưới 16ha…
Những nỗ lực từ địa phương
Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc đã xây dựng phương án chống hạn. Theo đó, đối với công trình do Chi nhánh thủy lợi Đại Lộc quản lý, diện tích tưới do hồ Khe Tân cung cấp cần thực hiện đúng theo phương án chống hạn của Chi nhánh thủy lợi Đại Lộc lập.
Các đơn vị, địa phương nằm trong khu tưới hồ Khe Tân chủ động phòng chống hạn nếu trường hợp thời tiết diễn biến phức tạp nằm ngoài phương án.
Tuyên truyền vận động nhân hết sức tiết kiệm nước tưới, thực hiện công thức tưới ướt khô xen kẽ để tiết kiệm nước. Tiếp tục đầu tư nâng cấp kiên cố hệ thống kênh tưới đảm bảo cho việc tải nước và chống rò rỉ thất thoát nước.
Đất đai khô cằn, mặc dù đây là khu vực bãi bồi nông nghiệp lớn ven sông Vu Gia.
Đối với các công trình do các HTX quản lý, để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất, các xã, thị trấn và HTX cần triển khai thực hiện khẩn cấp các nhiệm vụ, giải pháp theo phương án của các HTX đã lập và được UBND các xã phê duyệt, báo cáo Phòng NN&PTNT huyện tổng hợp, lập danh mục, trình UBND huyện Đại Lộc phê duyệt.
“Phòng NN&PTNT huyện cùng với các địa phương khảo sát toàn bộ diện tích không đảm bảo nước tưới, khuyến cáo chuyển đổi sang cây trồng cạn phù hợp…Song, có những vùng gặp khó khăn không thể chuyển sang cây trồng cạn, như cánh đồng Ngọc Kinh Đông (Đại Hồng) 17ha không thể chuyển đổi, có thể phải dừng sản xuất một vụ để tránh rủi ro, thiệt hại” - ông Phương nói.
Ông Hồ Ngọc Mẫn cho biết, các trạm bơm ven sông trong mùa khô hạn, huyện chỉ đạo địa phương rà soát, nạo vét các kênh dẫn, hạ ống hút và nối theo ống bơm dẫn, hạ trạm bơm xuống để lấy được nước tưới. Các công trình, trạm bơm, máy bơm xuống cấp, đã có kế hoạch chỉ đạo các địa phương nâng cấp cho đủ công suất.
Giao HTX rà soát, nâng cấp hệ thống trạm bơm tưới cho cây màu ở bãi biền, đảm bảo vụ mùa thắng lợi. Tập trung sử dụng giống trung và ngắn ngày phục vụ sản xuất, hạn chế thấp nhất nguồn nước sử dụng cho cây trồng...
“Huyện chỉ đạo rà soát diện tích này, họp dân, hướng dẫn dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn cây trồng chịu hạn đưa vào sản xuất, rà soát khu vực nào có khả năng có nguồn nước bơm tưới, đăng ký danh mục, xin chủ trương của địa phương hỗ trợ triển khai phương án chống hạn bổ sung. Phải tìm mọi biện pháp, tuyệt đối không thể bỏ đất hoang. Ngay cả chuyển đổi cây trồng, kể cả trồng cỏ cũng tính đến...” - ông Mẫn nói.