Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 14 tháng 5 năm 2024 | 13:47

Trồng thành công giống sâm quý trên đất núi Mù Cang Chải

Huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái mỗi năm giảm 8 - 10% hộ nghèo. Kết quả này một phần do huyện đưa nhiều loại giống cây mới vào gieo trồng, cho hiệu quả kinh tế cao. Mới đây nhất là sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, những loại cây có giá trị kinh tế rất cao.

Trên đèo Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải, nơi có điều kiện khí hậu mát mẻ, gần đây có một trang trại trồng sâm và dược liệu rộng 6 ha được đầu tư khá bài bản, trị giá 10 tỷ đồng. Với hệ thống nhà lưới để ngăn chuột, sâu bọ, sương muối, mưa, đáp ứng đủ ánh sáng phù hợp đã tạo ra môi trường có điều kiện tương đồng với môi trường tự nhiên để cây sâm phát triển.

Anh Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc công ty cổ phần đầu tư PALEX Việt Nam - đơn vị triển khai mô hình này cho biết: Sau hơn 5 năm đầu tư nhà lưới và đưa cây sâm vào trồng, đến nay công ty đã có 3,5 ha sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu, bên cạnh đó là nhiều loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao khác.

Cây sâm sinh trưởng tốt trên đất núi

“Về cơ bản ở đây thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và độ cao; ở địa phương quỹ đất cũng còn tương đối lớn, nguồn nhân công dồi dào; hạ tầng, điện, internet tương đối đầy đủ. Đây là yếu tố để mình có thể phát triển được” - anh Nguyễn Đức Thuận chia sẻ.

Cũng theo anh Nguyễn Đức Thuận, đến nay vườn sâm đã bắt đầu cho ra những sản phẩm thương mại, trong đó có những củ sâm được bán với giá từ 15 - 20 triệu đồng/kg. Đi cùng với giá trị kinh tế, vườn sâm này cũng tạo việc làm cho 10 - 15 lao động, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. Những thành công bước đầu này sẽ là tiền đề để mở rộng diện tích cũng như bàn giao kỹ thuật cho người dân cùng phát triển.

“Công ty chúng tôi đang tích cực mở rộng, trước tiên là mở rộng sau đó có hướng triển khai giúp đỡ những bà con ở xung quanh trồng theo quy trình. Chúng tôi cũng sẽ chuyển giao kĩ thuật cho bà con triển khai” - anh Nguyễn Đức Thuận nói.

Ông Hờ A Hứ, Chủ tịch UBND xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải phấn khởi cho biết, với những kết quả thu được từ vườn sâm, ban đầu có thể khẳng định, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và diện tích rừng già còn lớn ở Mù Cang Chải có thể trồng, phát triển được sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu cùng các loại dược liệu có giá trị kinh tế cao, hứa hẹn sẽ là những loại cây thoát nghèo, làm giàu cho bà con nông dân vùng cao.

“Cấp ủy chính quyền địa phương mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư trên địa bàn xã, trồng và mở rộng diện tích để làm sao trong thời gian tới tăng thu nhập cho bà con” - ông Hờ A Hứ nói.

Ông Nông Việt Yên, Bí thư huyện ủy Mù Cang Chải cho biết, sâm và nhiều loại cây trồng mới có giá trị cao được đưa vào trồng trên diện tích đất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả là một trong những chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của địa phương.

“Huyện đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới vào sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển các sản phẩm OCOP bước đầu đem lại hiệu quả cao. Đặc biệt đã từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân và dần hình thành các vùng sản xuất tập trung” - ông Nông Việt Yên nói.

Đến nay toàn huyện Mù Cang Chải đã phát triển được trên 430 ha cây ăn quả, 64 ha hoa, trong đó có những giống rất mới như lê, hồng giòn giống ngoại hay hoa hồng Pháp...

Bên cạnh đó là trên 7.000 ha diện tích cây dược liệu cho sản lượng đạt hơn 6.000 tấn. Đặc biệt, việc trồng thành công các loại sâm quý càng khẳng định hướng đi đúng trong phát triển nông nghiệp của huyện, từ đây đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo bền vững cho đồng bào vùng cao.

 

Theo vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Top