Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 5 năm 2024 | 16:7

Thừa Thiên- Huế tăng cường phòng chống hạn hán, thiếu nước

Trước nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động các phương án để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Chủ động ứng phó thiếu nước sản xuất

Xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) được biết đến như “vựa” nuôi trồng thủy sản của địa phương ven biển, đầm phá Tam Giang. Trước tình trạng nắng nóng, khô hạn đầu mùa như hiện nay, nhiều diện tích trồng lúa trước đây, đã chuyển đổi sang nuôi tôm, cua, cá xen ghép, bước đầu phát huy hiệu quả.

Ông Lê Nguyên Oai, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công, cho biết, hàng năm, xã có hơn 56ha lúa thường xuyên đối diện với khô hạn và tình trạng xâm nhập mặn. Diện tích này được phân bố vùng sát đê phá Tam Giang. Vào vụ hè thu, phải bỏ hoang đến 70% diện tích. Thời gian gần đây, địa phương đã chủ động chuyển đổi 33ha sang nuôi thủy sản; diện tích còn lại phần lớn trồng khoai lang.

Người dân nuôi tôm nơi vùng đầm phá Tam Giang chuẩn bị hồ nuôi, tuy nhiên gặp khó khăn do nắng nóng kéo dài gây khô hạn.

Trong khi đó, tuyến đê ven đầm phá trên địa bàn được xây dựng hơn 20 năm nay, nhiều điểm đã xuống cấp, đứt gãy khiến nước mặn xâm nhập vùng sản xuất lúa của người dân, đặc biệt vào mùa khô cho đến cuối vụ hè thu.

“Diện tích lúa ven đầm phá hàng năm phải gieo cấy lại nhiều lần tốn chi phí nên hiệu quả sản xuất không cao. Xã cũng đã đưa vào một số giống lúa thích ứng với đất nhiễm mặn nhưng năng suất khá thấp. Địa phương đang tích cực khơi thông kênh mương, nạo vét hệ thống thủy lợi phục vụ cung ứng đủ nguồn nước cho cây trồng. Về lâu dài,  diện tích nhiễm phèn mặn sát chân phá sẽ tiếp tục cho chuyển đổi sang nuôi thủy sản”, ông Oai nói.

Xã Phong Xuân có hơn 850ha sản xuất lúa và hoa màu, chủ yếu là dùng nước tưới của hồ Hòa Mỹ. Nắng nóng gay gắt kéo dài thời gian qua đã khiến nguồn nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị thiếu hụt, chính quyền địa phương đã tăng cường kiểm tra, phối hợp cùng các HTX nông nghiệp trên địa bàn có phương án chống hạn phù hợp, tận dụng nguồn nước khe suối, dự trữ nguồn nước, chuẩn bị máy móc, vật tư nhiên liệu… để đảm bảo nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Huyện đã cho triển khai công tác phòng chống hạn hán ngay từ đầu năm, ban hành kế hoạch sản xuất theo tình hình các địa phương, chủ động sản xuất vụ đông xuân. Để đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả, huyện đã hướng dẫn nông dân phát huy tối đa khả năng gieo trồng trên các chân ruộng đủ nước tưới, tuyệt đối không gieo trồng ở vùng bị hạn, mất trắng trong các vụ trước. Đồng thời, huyện yêu cầu các địa phương tổ chức quản lý chặt chẽ nguồn nước tưới tiêu, đặc biệt là duy tu, bảo dưỡng hệ thống kênh mương nội đồng, lắp đặt các trạm bơm, để chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Năm 2024, thị xã Hương Trà có kế hoạch gieo cấy  3.279,89ha lúa, 1659.89 ha vụ đông xuân, 1.620 ha hè thu. Diện tích gieo trồng các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày cả năm khoảng 1.615 ha. Để chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, ngay từ đầu năm 2024, UBND thị xã Hương Trà yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động  phối hợp với Công ty TNHH NN MTV QLKT công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế có giải pháp, phương án để vận hành cấp nước tưới cho đồng ruộng.

Người dân lắp đặt hệ thống tưới nước phun mưa cho cây trồng.

‘’Thị xã cũng đã có các phương án đào, nạo vét, vệ sinh và khơi thông một số đoạn cục bộ tuyến hói 7 xã, các tuyến hói nội đồng, các hói liên thôn, tuyến hói Cửa Khâu - Chợ Kệ đảm bảo đủ chiều sâu dẫn nước và thông thoáng; xây dựng kế hoạch quản lý duy trì các trạm bơm hoạt động nhịp nhàng và điều tiết nước trên cùng một hói liên xã hợp lý. Tranh thủ bơm trữ nước vào các ao hồ, hói nội đồng để dự trữ đề phòng cứu hạn và làm tốt công tác thủy lợi nội đồng... Đối với các diện tích đất sản xuất lúa không đảm nước, địa phương chủ động có phương án chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng phù hợp, không để bỏ hoang đất’’, ông Trần Xuân Anh, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Hương Trà thông tin.

Đảm bảo nước sinh hoạt

Theo Giám đốc Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi Thừa Thiên - Huế Dương Đức Hoài Khánh, ngay từ đầu mùa khô, đơn vị đã chủ động phối hợp với các địa phương triển khai phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn và xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để áp dụng các biện pháp cấp nước hợp lý.

Công ty chủ động phối hợp với các địa phương tích cực triển khai nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi, xử lý bèo trên các kênh, rạch, hói chính, hệ thống công trình thủy lợi, tiến hành kiểm tra, phát hiện, sửa chữa hư hỏng tại các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ cấp nước. Vận hành các công trình ngăn mặn, giữ ngọt Thảo Long, Cửa Lác, các cống trên đê, trên sông hợp lý phục vụ chống hạn. Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, máy móc để xử lý kịp thời khi thời tiết xấu xảy ra bất thường nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai.

Ông Đặng Văn Hoà, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thừa Thiên - Huế, thông tin, ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành kế hoạch sử dụng nước các tháng mùa khô và chỉ thị đảm bảo nguồn nước, chống hạn. Theo đó, tổng lượng nước các hồ chứa dự kiến phải đáp ứng, cấp cho hạ du trong mùa khô năm 2024 là 2.504,4 triệu mét khối. Đối với Thừa Thiên - Huế, đến nay cơ bản đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất và các ngành kinh tế khác.

Ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, theo dự báo của các cơ quan chuyên môn về khí tượng thủy văn, trong thời gian tới, nhiệt độ trung bình có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt trong mùa hè. Nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Trước nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động các phương án để đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất.

“Để phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống người dân, yêu cầu các đơn vị địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo về thời tiết, khí tượng, thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn. Trường hợp xảy ra thiếu nước không bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu sử dụng, phải ưu tiên cấp đủ nước cho sinh hoạt, tưới cho cây lâu năm có giá trị kinh tế cao và các nhu cầu thiết yếu khác. Vận hành hiệu quả các hệ thống, công trình thủy lợi để lấy nước, chủ động trữ nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu nước tưới cho cây trồng khi xảy ra thiếu nước, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất”, ông Minh cho hay.

UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã chỉ đạo các địa phương xác định khu vực có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt để tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, không để bà con thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

 

T. Thành
Ý kiến bạn đọc
Top