Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 10 năm 2021 | 12:19

Tôn vinh những phụ nữ tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19

Dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống. Tham gia phòng, chống dịch bệnh, những “bóng hồng” đã phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, sẵn sàng xông pha, luôn có mặt ở những “điểm nóng”.

pn2-copy.jpg
Bà Lê Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội trao tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

 

Xông pha nơi tuyến đầu

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, trong “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, xuất hiện không ít tấm gương phụ nữ không ngại xông pha nơi tuyến đầu chống dịch. Trong đó, có thể kể đến bà Nguyễn Thị Minh (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) - y tá nghỉ hưu nhưng xung phong trên mọi mặt trận phòng, chống dịch tại địa phương.

Từ đầu tháng 5/2021 đến nay, bà Minh luôn có mặt ở những “điểm nóng” từ khu cách ly, phong tỏa đến các chốt kiểm soát, trạm y tế xã. Khi toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội, bà thường xuyên “trực chiến” tham gia tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho hàng trăm người dân trên địa bàn. Hơn 4 tháng ròng, bà Minh chưa có một ngày nghỉ. Đợt cao điểm, cả tuần bà không về nhà.

“Từ giữa tháng 7, huyện Đông Anh bắt đầu ghi nhận những ca bệnh tại khu công nghiệp, một số nhà máy phải thực hiện cách ly y tế tại chỗ. Với nghiệp vụ, kinh nghiệm sẵn có, tôi xung phong tuyên truyền, hướng dẫn công nhân cách phòng, chống dịch; hỗ trợ triển khai tiêm vắc xin cho công nhân. Có trường hợp bố mẹ đi cách ly tập trung, các cháu nhỏ ở lại trong khu phong tỏa, người thân không thể đến chăm sóc, tôi đã sát cánh, thường xuyên động viên, giúp đỡ các cháu...”, bà Minh chia sẻ.

Nữ y sỹ Tạ Thị Huân (thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh), dù nghỉ hưu nhưng cũng “không chịu nghỉ hưu” với các hoạt động cộng đồng. Khi dịch Covid-19 xảy ra, bà xung phong tham gia trực chốt chống dịch, rồi hăng hái đến từng khu nhà trọ để vận động công nhân, người lao động nhập cư… chấp hành nghiêm quy định 5K. Nhờ có kiến thức về y tế, sự am hiểu các biện pháp phòng, chống dịch, bà đã nhận được sự tin tưởng, lắng nghe và làm theo của nhiều người.

Nếu như Đoàn Thanh niên, lực lượng tuyên truyền viên là những thanh niên trẻ, khỏe, giỏi công nghệ… thì các cấp Hội Phụ nữ lại luôn tự hào vì có những cán bộ Hội, dù tuổi cao nhưng vẫn rất tâm huyết, nhiệt tình tham gia phòng, chống dịch. Nhiều bác, nhiều chị không biết đi xe máy thì đi xe đạp, đi bộ…, mang theo loa kéo len lỏi vào từng ngõ, ngách để tuyên truyền vận động phòng chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, 61 tuổi, Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ số 4 phường Láng Thượng (quận Đống Đa) là một trong những tuyên truyền viên như thế. Mỗi ngày, cứ 6 giờ sáng, bà đạp xe ra khỏi nhà, phía sau xe chở theo chiếc loa thùng. Chọn tuyên truyền phòng chống dịch ở một trong những “điểm nóng” về dịch bệnh của địa phương là khu vực hồ Láng Thượng, nơi có Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bà Bình cho biết, nếu cứ để mặc cho “loa nói”, thì sẽ không hiệu quả. Vì vậy, hễ thấy ai chưa chấp hành đúng các nguyên tắc phòng, chống dịch, bà nhẹ nhàng nhắc nhở. Thấy ai hoang mang, lo lắng, bà lại tìm cách trấn an tinh thần. Ai chưa nắm hết các quy định thì bà sẵn sàng “dừng xe” lại giải thích…

 

pn1-copy.jpgChị Bùi Thị Ngọc Thuý, Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ trao quà cho nữ công nhân gặp khó khăn.

 

Lan tỏa “nếp văn hóa” tương thân, tương ái của phụ nữ Thủ đô

Với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã huy động, khai thác nhiều nguồn lực, góp sức cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Qua đó, hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang tự cách ly với các mô hình “bếp ăn 0 đồng”, “siêu thị 0 đồng”, “thực phẩm 0 đồng”, “Chương trình chia sẻ yêu thương - hỗ trợ lương thực khẩn cấp”, hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ nông sản; hỗ trợ người thân, gia đình của lực lượng tuyến đầu; phát khẩu trang miễn phí; thăm và tặng quà cho hội viên gặp khó khăn trong dịch, bệnh; tham gia các Tổ phòng chống Covid-19 tại cộng đồng...

Chị Bùi Thị Ngọc Thuý, Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ, cho biết, thực hiện chỉ đạo của cấp Hội thành phố, cán bộ, hội viên phụ nữ quận đã tích cực tham gia công tác phòng chống dịch.

Trong đợt dịch thứ 4,  Hội Phụ nữ quận Tây Hồ tích cực vận động hội viên ủng hộ công tác phòng chống dịch với việc trao tặng 2.310 suất quà, tổng trị giá hơn 333 triệu đồng; cấp hội cơ sở tặng nhu yếu phẩm, quà tặng, tiền mặt với trị giá hơn 1,4 tỷ đồng; hỗ trợ tiêu thụ hơn 19 tấn nông sản, tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng.

Theo chị Phương Thuý Hằng, Chủ tịch Hội LHPN phường Bưởi, gần 2 tháng nay, chị đã cùng với chị em hội viên tích cực tuyên truyền công tác phòng chống dịch và tham gia tổ Covid cộng đồng, trực chốt, chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản và thực hiện mô hình “Cơm muối vừng - Ấm tình mùa dịch” để ủng hộ “Bếp ăn 0 đồng của quận” và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Bên cạnh đó, mô hình “Bếp ăn ấm tình - vượt qua mùa dịch” do cán bộ, hội viên các cơ sở đảm nhiệm mỗi ngày phục vụ khoảng 7.000 suất ăn và hàng chục thùng nước giải khát hỗ trợ lực lượng y tê, lực lượng tham gia trực chốt phòng, chống dịch, người dân hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố.

Còn tại huyện Quốc Oai, hình ảnh các mẹ, các cô trong Hội Phụ nữ vận chuyển từng xe nhu yếu phẩm tới các “Cửa hàng 0 đồng” tại các khu vực cách ly để phục vụ bà con khó khăn trong thời tiết nắng nóng, khiến nhiều người cảm phục. Những thực phẩm thiết yếu như gạo, thịt, mỳ tôm, rau, củ quả… đều được các bà, các chị chuẩn bị kỹ lưỡng, đóng thành từng túi để bà con tiện mang về qua “hàng rào” cách ly.

Theo Hội LHPN huyện Quốc Oai, Hội đã xây dựng và thực hiện mô hình “Cửa hàng 0 đồng” nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái. Qua đó, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, kinh phí để thực hiện “Cửa hàng 0 đồng”. Tất cả các thực phẩm đều được Hội  kêu gọi xã hội hóa để phục vụ bà con.

Đặc biệt, Hội LHPN TP. Hà Nội đã chuyển 200 triệu đồng gửi  Hội Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương (mỗi địa phương 100 triệu đồng) để hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Chị Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm, cho biết: Thời gian qua, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, Hội đã có sáng kiến gấp các túi giấy đựng thực phẩm, bên ngoài có dán sticker tuyên truyền về thực hiện nghiêm Thông điệp “5K” của Bộ Y tế để phát cho hội viên sử dụng. Lý do Hội chọn tuyên truyền trên túi giấy vì đây là đồ vật được chị em phụ nữ và các thành viên trong gia đình sử dụng hàng ngày. Mỗi lần dùng túi giấy đựng thực phẩm là mỗi lần chị em được nhắc nhở về Thông điệp 5K. Nâng cao ý thức phòng, chống dịch đã được các cấp Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm thực hiện một cách rất nhẹ nhàng như thế.

Bằng việc làm thiết thực, nghĩa cử cao đẹp, có thể nói, những việc làm của phụ nữ Thủ đô đã và đang lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng.

Sự đồng hành góp sức của người dân cả nước nói chung và phụ nữ Thủ đô nói riêng là yếu tố quan trọng nhằm thắt chặt sự đoàn kết, tập hợp sức mạnh của toàn dân trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.

Với cống hiến thầm lặng của mình, cũng như những người đang ngày đêm phục vụ tại khu cách ly tập trung sẽ góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, sớm đẩy lùi đại dịch Covid-19 để dần đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Nữ Phó Giám đốc BVTW Huế và chuyện bảo vệ “hậu phương”

Tháng 7/2017, sau khi được bổ nhiệm, BS. Hoàng Thị Lan Hương đã trở thành Phó Giám đốc nữ đầu tiên trong lịch sử 123 năm hình thành và phát triển của BVTW Huế. Cùng với đó, nữ bác sỹ còn kiêm nhiệm nhiều vị trí quan trọng của BVTW Huế như: Phó Bí thư Đảng ủy bệnh viện; Phó chủ tịch Công đoàn, Trưởng ban nữ công BVTW Huế…

 

a1.jpg

Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc nữ đầu tiên của BVTW Huế (đứng thứ 3, từ phải qua).

 

Trước khi trở thành nữ Phó Giám đốc đầu tiên, trong quá trình công tác tại BVTW Huế từ năm 1993 – 2021, BS. Hoàng Thị Lan Hương đã từng đảm nhận nhiều vị trí và gần nhất là Trưởng khoa Nội Nội tiết - Thần kinh - Hô hấp của bệnh viện này.

Trong quá trình công tác của mình, BS. Hoàng Thị Lan Hương vinh dự được nhận nhiều danh hiệu, giải thưởng, điển hình: Thầy thuốc ưu tú (2016); Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”; Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ 2017”… cùng với đó là gần 20 công trình nghiên cứu khoa học.

Vinh dự là nữ Phó Giám đốc đầu tiên của BVTW Huế, BS. Hoàng Thị Lan Hương chia sẻ, đây là sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo đối với sự nỗ lực của cá nhân. Bên cạnh đó, nữ Phó Giám đốc BVTW Huế cũng cho rằng, bản thân phải vượt qua rất nhiều khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng với sự tín nhiệm của ban lãnh đạo và cán bộ công nhân viên trong đơn vị.

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, BVTW Huế đã cử nhiều đoàn công tác để “chia lửa” cùng các tỉnh, thành phố trong việc chống dịch Covid-19. Tính đến ngày 10/10, Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc BVTW Huế tại TP. Hồ Chí Minh đã điều trị khỏi cho hơn 400 bệnh nhân Covid-19; tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng trên tổng số bệnh nhân đang điều trị giảm mạnh và dự kiến đến tháng 11/2021 tiếp tục giảm chỉ còn dưới 25%.

Để có được thành tích trên, ngoài sự nỗ lực, hy sinh của lực lượng y bác sĩ trực tiếp tham gia chống dịch tại tuyến đầu còn có sự chuẩn bị, hỗ trợ từ phía “hậu phương” của những đồng nghiệp tại BVTW Huế.

Điển hình, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát lần thứ 4, BVTW Huế được phân công thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Mặc dù được Bộ Y tế và địa phương hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, nhưng do nguồn lực phân phối cho nhiều nơi nên vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho hoạt động của trung tâm.

Giờ đây, khi tình hình dịch đã tạm lắng xuống, BS. Hoàng Thị Lan Hương nhớ lại, thời điểm ấy, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc bệnh viện; TS. BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc bệnh viện và nhiều cán bộ chủ chốt của đơn vị đã trực tiếp vào TP. Hồ Chí Minh để xây dựng, thiết lập hoạt động của trung tâm, chúng tôi - những người ở lại công tác tại BVTW Huế đã thực hiện thư ngỏ của của Giám đốc Bệnh viện kêu gọi và tiếp nhận hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhằm kịp thời trang bị máy móc, trang thiết bị y tế cho Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc BVTW Huế tại TP. Hồ Chí Minh.

Chưa dừng lại ở đó, BS. Hoàng Thị Lan Hương chia sẻ thêm, cùng một lúc, BVTW Huế vừa “chia quân” hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, vừa thực hiện chống dịch Covid-19 tại chỗ, vừa tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân khác nên toàn bộ cán bộ, công nhân viên của đơn vị đều phải hoạt động trên 100% sức lực của mình.

“Thời điểm đó, nhiều y - bác sỹ, nhân viên của bệnh viện không có thời gian để chăm sóc con cái nên phải gửi con cho ông bà, anh chị em để toàn tâm, toàn ý với công việc của mình. Chúng tôi hành động hết mình với mong muốn là đảm bảo vững chắc “hậu phương” để đồng nghiệp của mình yên tâm chống dịch tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam”, nữ Phó Giám đốc BVTW Huế cho hay.

Theo BS. Hoàng Thị Lan Hương, trong thời gian qua, BVTW Huế đã đảm bảo duy trì hoạt động của đơn vị tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và cử đoàn công tác chi viện cho TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam một cách hợp lý. Đồng thời khẳng định, đó là một mấu chốt cho sự thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 của BVTW Huế.

Thêm nữa, dù lực lượng bị chia mỏng nhưng công tác khám - chữa bệnh nói chung tại BVTW Huế và việc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nói riêng trên địa bàn vẫn diễn ra hiệu quả. Dẫn chứng là đến ngày 11/10, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế có 814 ca dương tính với SARS-CoV-2 đã được điều trị khỏi, chỉ còn 28 ca đang điều trị.

“Chúng tôi phải tính toán, phân công công việc làm sao để đảm bảo cho hoạt động của Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 thuộc BVTW Huế tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời, đảm bảo nhân lực để hoạt động của các cơ sở tại Thừa Thiên - Huế không bị gián đoạn và phải đảm bảo được sức khỏe, sự an toàn của đội ngũ y - bác sĩ, cán bộ nhân viên của đơn vị. Đến thời điểm này, tất cả công tác trên đều diễn ra theo đúng kế hoạch”, BS. Hoàng Thị Lan Hương chia sẻ.

 

a3.jpg
Hiện tại, phái nữ chiếm 65% cán bộ viên chức của BVTW Huế.

 

Vai trò người phụ nữ trong xã hội hiện nay rất quan trọng

Hoàng Thị Lan Hương cho rằng, người phụ nữ ngày càng thể hiện vai trò lớn hơn đối với sự phát triển xã hội và rõ ràng phái nữ có thể thực hiện tốt công việc ở các vị trí quản lý dù rằng vất vả hơn so với phái nam. Dẫu vậy, họ cũng phải vượt qua nhiều khó khăn, hạn chế.

Nữ Phó Giám đốc BVTW Huế cho rằng, người phụ nữ phải đảm nhận vai trò là  người mẹ, người vợ… chăm sóc cho gia đình nên khi tham gia công tác quản lý sẽ hạn chế nhiều về thời gian. Cùng với đó, sức khỏe, quan niệm cũ về vai trò, vị trí của người phụ nữ… cũng là khó khăn, thử thách với người phụ nữ.

“Bù lại, nhìn chung người phụ nữ có thế mạnh là kiên nhẫn, chu đáo, mềm mại, tỉ mỉ… trong công việc nên ở những góc độ nhất định họ (phái nữ) sẽ lợi thế hơn so với phái nam. Quan trọng nhất là họ phải đổi mới trong lối sống, trong tư duy và phải tự tin hơn trong cuộc sống.

Tôi cũng như nhiều phụ nữ khác đều quan niệm rằng “gia đình là số 1” nhưng bên cạnh đó, trong thời điểm hiện tại, người phụ nữ cũng cần khẳng định mình nhiều hơn, tự chủ nhiều hơn trong cuộc sống và đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Nếu có sự làm việc khoa học, nghiêm túc và bài bản thì không gì là không thể. Hiện tại, rất nhiều người phụ nữ đã và đang tham gia, làm tốt công tác quản lý của mình tại các đơn vị, cơ quan đó là minh chứng cho điều này”, BS. Hoàng Thị Lan Hương nhận định.

 

 

 

Chí Thanh - Văn Nghĩa
Ý kiến bạn đọc
  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

Top