Đồng chí Lê Khả Phiêu tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương từ năm 1947. Tháng 6-1949, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, khi mới 18 tuổi. Ngày 1-5-1950, đồng chí Lê Khả Phiêu nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trong thời gian hơn 40 năm ở quân ngũ, đồng chí Lê Khả Phiêu trải qua nhiều chiến trường ác liệt. Đồng chí đã tham gia những mặt trận nổi tiếng, như Thượng Lào (1953), Điện Biên Phủ (1954); Mặt trận Trị Thiên (1965); Chiến dịch Mậu Thân (1968)... Sau khi miền nam được giải phóng, từ 1978 -1988, đồng chí là Chủ nhiệm Chính trị, Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Phó Tư lệnh về Chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, tham gia chỉ huy Mặt trận 719 (của quân tình nguyện Việt Nam ở Cam-pu-chia), giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng. Với những cống hiến to lớn, tinh thần dũng cảm gan dạ, tài thao lược, thể hiện năng lực lãnh đạo quân đội trên cả hai phương diện chính trị và quân sự, đồng chí Lê Khả Phiêu đã được Đảng, Nhà nước phong hàm Thượng tướng (năm 1992).
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6-1991), đồng chí Lê Khả Phiêu được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương, khi đó đồng chí 60 tuổi. Nhưng với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết cách mạng, trên cương vị là một trong những cán bộ lãnh đạo công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, đồng chí đã nỗ lực cao độ nhằm nâng cao sức mạnh của quân đội, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với các lực lượng vũ trang trong tình hình mới.
Bước vào đầu thập niên 90, công cuộc đổi mới ở nước ta đứng trước những thử thách gay gắt. Kẻ địch tăng cường chống phá về mọi mặt, thực hiện bao vây cấm vận, âm mưu tổ chức bạo loạn, hòng lật đổ chính quyền nhân dân. Trong tình hình đó, tháng 6-1992, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba (khóa VII) của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 1-1994, tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị; tháng 6-1996, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã bầu đồng chí Lê Khả Phiêu tiếp tục làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, được cử tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.
Với bản lĩnh của người lính từng trải qua biết bao trận mạc, hiểm nguy, đồng chí Lê Khả Phiêu đã cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Lãnh đạo nhân dân ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới; mở rộng quan hệ với các nước, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc (1991), với Hoa Kỳ (1995), chủ động gia nhập ASEAN (1995)... Qua đó, đã phá vỡ thế bao vây cấm vận, đồng thời thu được nhiều thắng lợi trong xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và trật tự xã hội cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Ngày 26-12-1997, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII), đồng chí được bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí đi nhiều địa phương, đến thăm và làm việc với nhiều cấp, nhiều ngành, để lại dấu ấn là người lãnh đạo sâu sát, am tường và quan tâm đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau: kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và đối ngoại.
Qua nghiên cứu, nắm bắt thực tế, điều đồng chí Tổng Bí thư lo lắng nhất lúc này là những biểu hiện suy thoái của tổ chức Đảng và của cán bộ, đảng viên ngày càng nghiêm trọng, làm cho đất nước rơi vào nguy cơ tụt hậu; làm xói mòn, giảm sút niềm tin của nhân dân với Đảng. Theo đồng chí, để hoàn thành trọng trách cao cả của Đảng cầm quyền, để lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, cần phải mở ngay một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng; nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta trở thành một đảng trong sạch, lấy lại niềm tin của nhân dân và đủ sức mạnh lãnh đạo đất nước.
Dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, ngày 2-2-1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Hội nghị lần thứ 6 (lần 2), ra Nghị quyết số 10-NQ/TW, “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”. Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư nêu rõ: “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, kiên cường sửa chữa sai lầm và khuyết điểm chính là sự đền đáp công ơn đối với nhân dân, với dân tộc”. Tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) đã được quán triệt đến các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng và mỗi đảng viên, làm dấy lên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, trên tinh thần tự phê bình và phê bình thẳng thắn, xây dựng, góp phần nâng cao sức lãnh đạo của Đảng, nâng cao phẩm chất đạo đức trong cán bộ, đảng viên.
Để thực hiện có hiệu quả, đưa tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII vào cuộc sống, đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng phát động toàn Đảng, toàn dân tham gia cuộc vận động: “Học tập tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; làm chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng đạo đức, nhân cách và phong cách của người đảng viên cộng sản. Đồng chí Lê Khả Phiêu quán triệt: “Học tập, rèn luyện tư tưởng và đạo đức cách mạng, thực hiện thắng lợi cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng” nhằm: “Nâng cao sự thống nhất về nhận thức tư tưởng, chính trị, về ý chí và hành động trong toàn Đảng... củng cố và tăng cường sức mạnh của Đảng về mọi mặt, làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ mới”. Theo đồng chí, để làm trong sạch Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng phải bắt đầu từ công tác cán bộ, bởi như Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa VIII), đồng chí có bài phát biểu trong đó nêu rõ: “kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị là một nhiệm vụ trong toàn bộ cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ có kết hợp chặt chẽ việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị với cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì công việc ấy mới có kết quả”.
Nhìn lại thời gian giữ cương vị Tổng Bí thư của đồng chí Lê Khả Phiêu không dài (12-1997 - 4-2001), nhưng đồng chí đã có những đóng góp to lớn, hiệu quả, góp phần quan trọng đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta. Đồng chí Lê Khả Phiêu là con người của hành động, luôn có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió, những nơi khó khăn ác liệt nhất, mạnh dạn, táo bạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước. Luôn luôn đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết. Suy nghĩ và việc làm của đồng chí luôn thể hiện sự trăn trở của một công dân, của một nhà lãnh đạo, người đứng đầu của Đảng. Đồng chí chưa bao giờ bằng lòng với những gì đã làm được, không say sưa ngủ quên với những thắng lợi mà luôn luôn tìm tòi theo cách nghĩ khám phá, đột phá, sáng tạo.
Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, trọng dân, thương dân, lòng tự hào dân tộc sâu sắc, đồng chí Lê Khả Phiêu chủ động đến với nhân dân để hiểu dân, học dân, hỏi dân, bàn bạc với dân và tìm ra cách làm có hiệu quả nhất. Với phong cách làm việc tận tụy, trách nhiệm, kiên định, đồng chí Lê Khả Phiêu thể hiện lập trường tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, trọn nghĩa, vẹn tình, thủy chung với đồng bào, đồng chí - đó là phong cách của một quân nhân, một nhà lãnh đạo, một người cộng sản mẫu mực, chân chính.
Toàn bộ cuộc đời cách mạng của đồng chí Lê Khả Phiêu tỏ rõ sự thấm nhuần về tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí học ở Người những đức tính tốt đẹp, học Người tư duy khoa học độc lập, tự chủ, không giáo điều, rập khuôn, máy móc; miệng nói tay làm, nói ít làm nhiều, lấy hiệu quả làm thước đo. Đồng chí Lê Khả Phiêu đã làm đúng tinh thần lời dạy của Bác Hồ, người cán bộ khi nhận nhiệm vụ: “vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong buổi lễ trao tặng đồng chí nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Đồng chí Lê Khả Phiêu là cán bộ từng kinh qua nhiều cương vị công tác quan trọng, nhất là được tôi luyện, trưởng thành trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí cũng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng; gương mẫu giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng của người đảng viên cộng sản, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tấm gương người cộng sản mẫu mực, cống hiến hết mình cho đất nước, cho nhân dân của đồng chí Lê Khả Phiêu mãi mãi sáng ngời trong lòng mỗi người dân Việt Nam.