Khu tái định cư 38ha thuộc quận 12 (TP. Hồ Chí Minh) đang khoác trên mình diện mạo mới, nhiều nhà cao tầng được xây dựng theo thiết kế chung của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư ban hành. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, người dân nơi đây vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Người dân ở nhiều khu tái định cư trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Tái định cư nhưng chưa thể… an cư?
Năm 2002, UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư 38ha tại phường Tân Thới Nhất (quận 12). Theo kế hoạch, dự án sẽ bố trí 761 nền và xây dựng 2.944 căn hộ chung cư để phục vụ tái định cư cho các hộ dân tại chỗ và các hộ dân bị giải tỏa di dời trong Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh. Quá trình triển khai dự án, diện tích đất phải thu hồi là 36,2ha, tổng số 740 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó 719 hộ dân bị giải tỏa trắng.
Do phải di dời để nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh, các hộ đã được bố trí các nền đất để ổn định chỗ ở. Tuy nhiên, các hộ đã sinh sống nhiều năm nhưng vẫn chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Cụ thể, bà N.T.L, ngụ tại khu phố 3 (phường Tân Thới Nhất), được bố trí một nền đất trong khu tái định cư 38ha do phải di dời thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh theo Quyết định số 40/QĐ - UB ngày 04/01/2002 của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc thu hồi và giao đất cho Ban quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện dự án mở rộng đường Trường Chinh. Năm 2006, bà nhận được quyết định bố trí nền đất tái định cư, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đất nền tái định cư, biên bản cắm mốc giao đất nền tái định cư. Cuối năm 2011, ngôi nhà được xây dựng trên nền đất tái định cư theo đúng thiết kế chung của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư ban hành. Cuối năm 2015, bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận được nộp cho Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 12 xem xét. Tuy nhiên, gần một năm trôi qua, đã đi lại nhiều lần nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “do khu tái định cư 38ha thay đổi tọa độ, quy hoạch 1/500, do đó phải chờ…..”. “Dân tái định cư đã khó khăn trong việc ổn định cuộc sống, giờ lại khó khăn trong việc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cứ như thế này dân sao an cư nổi”, bà L. ngao ngán chia sẻ với phóng viên.
Người dân nằm trong vùng quy hoạch của dự án tái định cư 38ha đã quá mệt mỏi. Nguyện vọng của bà con không chỉ an cư, mà còn phải lập nghiệp để ổn định cuộc sống. Do đó, việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cũng là một nhu cầu bức thiết và chính đáng của người dân trong khu tái định cư.
Tập trung vào quy trình, thời hạn giải quyết hồ sơ
Thông tin từ Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố vừa có công văn khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Lê Văn Khoa về xử lý thông tin báo chí phản ánh về tình trạng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, ông Khoa giao Thanh tra thành phố phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện kiểm tra, làm rõ tình hình giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ trên địa bàn. Trong đó, tập trung về quy trình, thủ tục, thời hạn giải quyết hồ sơ, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân có liên quan. Kết quả kiểm tra báo cáo, đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh về hướng xử lý theo quy định pháp luật và dự thảo văn bản cho UBND thành phố báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Liên quan tới vấn đề chậm cấp sổ đỏ cho người dân, theo luật sư Trần Thị Kim Tuyến, Công ty luật TNHH MTV Bình Phú (thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh), căn cứ Luật Đất đai năm 2013 và Khoản 2, Điều 61, Nghị định số 43/2014/NĐ - CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai như sau:
a. Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày.
b. Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 30 ngày.
c. Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất không quá 20 ngày.
Tuy nhiên, pháp luật không quy định việc chậm trễ cấp Giấy chứng nhận do cơ quan có chức năng cấp. Nếu trong quá trình lập thủ tục cấp giấy chứng nhận bị chậm trễ không do lỗi của người dân, thì người dân có quyền khiếu nại đến cơ quan cấp giấy chứng nhận để xem xét lý do chậm trễ để giải quyết.
Cũng theo luật sư Trần Thị Kim Tuyến, hiện nay việc cấp sổ đỏ cho người dân tại các dự án tái định cư còn nhiều khó khăn, vướng mắc, tùy thuộc vào trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước như quyết định giao đất, quyết định thu hồi đất, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, quy hoạch chi tiết 1/500, nộp tiền sử dụng đất…, làm ảnh hưởng đến thủ tục cấp giấy chứng nhận (sổ đỏ) cho người dân tại các dự án tái định cư, gây khó khăn cho người dân trong việc ổn định cuộc sống mới. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện vẫn còn nhiều chủ đầu tư chưa phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong việc xin cấp sổ đỏ cho người dân tại các dự án tái định cư.
Phóng viên liên hệ với ông Phan Đăng Duy, Phó chánh văn phòng UBND quận 12, ông Duy cho biết, sẽ báo cáo lãnh đạo để xin ý kiến và thông tin cho quý báo.
Được biết, cùng trong khu tái định cư 38ha, đã có nhiều hộ dân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Câu chuyện này xin gửi tới ngành chức năng quận 12, TP. Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết.
Minh Tuấn - Mạnh Tiến
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.