Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở đã tập trung thực hiện nhiệm vụ chỉnh trang và phát triển đô thị, cấp phép xây dựng, cải cách hành chính. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong xây dựng, việc quản lý và vận hành nhà chung cư còn nhiều phức tạp, cần được giải quyết trong những tháng cuối năm 2017.
Vi phạm trong hoạt động xây dựng 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng.
Nhiều nhiệm vụ được thực hiện
Trong chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” giai đoạn 2016 – 2020, việc thực hiện công tác di dời, tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sinh sống trên và ven kênh rạch cũng như việc tháo dỡ và xây dựng mới các chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp được chú trọng triển khai. Cụ thể, Sở Xây dựng TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức tham mưu cho UBND thành phố trong việc di dời, tái định cư các hộ dân sống trên và ven bờ Nam Kênh Đôi thuộc địa bàn quận 8; tham mưu đề xuất cơ chế chỉ định thầu trong công tác chỉnh trang và phát triển đô thị. Đã tiến hành kiểm định 474 chung cư cũ được xây dựng trên địa bàn thành phố trước năm 1975. Từ đầu năm 2016 đến nay đã tiến hành di dời toàn bộ các hộ dân tại chung cư Cô Giang (quận 1) với tổng diện tích sàn lên đến 24.000m2. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù trong việc cải tạo xây dựng mới chung cư cũ.
Cùng với đó, Sở cũng chú trọng công tác phát triển nhà ở tái định cư đối với người dân chịu ảnh hưởng trong các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị, các dự án công ích trên địa bàn. Cụ thể, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết vướng mắc về chính sách tái định cư cho 23 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng bởi 8 dự án trọng điểm. Cân đối, điều chuyển 226 căn hộ và 20 nền phục vụ việc tái định cư cho 12 dự án trọng điểm. Giải quyết những vướng mắc, khó khăn còn tồn tại trong việc thực hiện 9 dự án phát triển nhà tái định cư với quy mô hơn 10.000 căn hộ và nền đất trên địa bàn thành phố. Thực hiện chương trình đầu tư xây dựng hơn 12.000 căn hộ phục vụ tái định cư khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2)...
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Sở Xây dựng trình UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận đầu tư 5 dự án nhà ở xã hội, trong đó thành phố chấp thuận đầu tư 2 dự án. Đồng thời tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công 12 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ Đức, Bình Chánh...
Vi phạm hoạt động xây dựng còn phức tạp
Trong 2 quý đầu năm 2017, TP. Hồ Chí Minh đã cấp hơn 22.000 giấy phép xây dựng (GPXD), trong đó Sở Xây dựng cấp 126 GPXD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 26 GPXD; diện tích sàn xây dựng đạt hơn 3 triệu mét vuông, tăng 82,1%. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đã ban hành 74 thông báo kết quả thẩm định thiết kế cơ sở với tổng diện tích sàn xây dựng là 385.000m2. Hiện tại, Sở đang thụ lý 45 hồ sơ, trong đó có 31 hồ sơ xin cấp GPXD, 06 hồ sơ xin thay đổi thiết kế, 08 hồ sơ thẩm định thiết kế cơ sở. Bên cạnh đó, tiến hành thí điểm công tác cải cách hành chính, liên thông điện tử trong việc cấp GPXD bắt đầu từ ngày 1/8, tới ngày 31/12/2017 sẽ tiến hành đánh giá, tổng kết để áp dụng triển khai.
Tuy nhiên, hiện nay, những vi phạm pháp luật trong hoạt động xây dựng như tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn biến phức tạp, tập trung tại vùng ven của thành phố như Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn.... Cụ thể, Sở đã tổ chức kiểm tra hơn 51.000 lượt, qua đó phát hiện 1.595 trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, chiếm 3,09% trên tổng số lượt kiểm tra (tăng 309 trường hợp, tăng 24%). Xây dựng không phép 830/1.595 trường hợp (chiếm 52%), so với cùng kỳ tăng 218 trường hợp.
Từ nay đến cuối năm, Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình “Chỉnh trang và phát triển đô thị”, cải cách hành chính đảm bảo “không trễ hạn, không sai sót, không tiêu cực”, lấy sự hài lòng của công dân và tổ chức doanh nghiệp làm thước đo cho hiệu quả công việc. Tiếp tục phát triển và quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, tập trung việc quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra nhằm kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi xây dựng không phép, sai phép trên cơ sở đó kịp thời xử lý và chấn chỉnh các vi phạm trong hoạt động xây dựng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Mạnh Tiến
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.