Thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh, nhiều dự án liên tiếp bị thu giữ tài sản cầm cố do phía chủ đầu tư không còn khả năng trả nợ. Điều này khiến khách hàng hoang mang, lo lắng quyền lợi sẽ ra sao khi đã trót mua những căn hộ tại dự án như thế.
Quyền lợi của khách hàng tại những tài sản bị chủ đầu tư mang đi cầm cố ngân hàng cần phải được đảm bảo.
Điểm mặt những dự án bị “siết nợ”
Thời gian qua, tại TP.Hồ Chí Minh, không khó bắt gặp cảnh nhiều dự án bị ngân hàng thu giữ tài sản cầm cố khi chủ đầu tư không còn khả năng trả nợ. Điển hình phải kể tới việc Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) công bố sẽ thu giữ tòa nhà Saigon One Tower để xử lý khoản nợ vay gần 7.000 tỷ đồng.
Dự án Saigon One Tower có vị trí đắc địa, nằm ngay trục đường Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng - Võ Văn Kiệt thuộc khu vực quận 1, trên khu đất 6.672m2. Với vị trí này, dự án có thể bao quát toàn cảnh trung tâm thành phố, quận 4 và cả trung tâm tài chính Thủ Thiêm khu vực quận 2.
Một dự án khác nằm tại khu vực quận Bình Thạnh cũng bị dừng triển khai nhiều năm, mới đây, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank (Agribank AMC) thuộc Agribank, đã thu giữ và rao bán đấu giá tài sản đảm bảo là toàn bộ tài sản và quyền sử dụng đất tại địa chỉ số 129A - 131 - 131A - 133 - 135A - 153/33 đường Điện Biên Phủ, phường 15. Dự án được giới thiệu là cao ốc văn phòng V-Ikon, do Công ty TNHH Việt Thuận Thành làm chủ đầu tư. Cao ốc văn phòng này được thiết kế theo tiêu chuẩn hạng A trên khu đất rộng hơn 1.000m2 với quy mô 4 tầng hầm và 26 tầng cao. Đây cũng là một trong số ít cao ốc nằm ở khu trung tâm TP. Hồ Chí Minh có bãi đáp trực thăng. Tuy nhiên, dự án mới chỉ xây dựng xong phần thô thì chủ đầu tư không còn khả năng tài chính để hoàn thiện. Nhiều năm qua, dự án bị bỏ hoang và Agribank Chi nhánh Sài Gòn phải thu giữ để xử lý khoản nợ. Tuy nhiên, Agribank AMC đã 5 lần thông báo đấu giá tòa nhà nhưng vẫn không có người mua. Mức giá khởi điểm được đưa ra là hơn 373 tỷ đồng nhưng không thành công. Do đó, đến thời điểm tháng 9, giá chào bán giảm xuống còn hơn 319 tỷ đồng, nhưng cũng không có người đăng ký.
Chưa dừng lại, dự án khu dân cư 584 Tân Kiên do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (NTB) hợp tác với Công ty Đầu tư Y tế chuyển đổi công năng từ chung cư thành bệnh viện. Dự án được đưa vào sử dụng 1 block vào giữa năm 2011, song có rất ít khách đến nhận nhà và hiện một số căn hộ đang cho thuê. Tuy nhiên, do phản ứng từ khách mua nhà cộng với không đủ năng lực tài chính để bồi thường, chủ đầu tư phải ngừng việc chuyển đổi công năng công trình cuối năm 2011. Phía Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Sở giao dịch 2 đã thông báo về việc tổ chức bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty CP Đầu tư xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584, với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phía BIDV chấp nhận hạ thấp giá bán khởi điểm của dự án còn hơn 800 tỷ với mong muốn bán được dự án chung cư 584 Tân Kiên để xử lý khối nợ xấu tại dự án này.
Quyền lợi khách hàng sẽ ra sao?
Trước tình trạng hàng loạt dự án bị ngân hàng “siết nợ” do chủ đầu tư không còn khả năng trả nợ, tại Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 15/8/2017, nhiều chuyên gia cho rằng, những khách hàng mua căn hộ tại các dự án bị thu giữ có thể an tâm. Lý do được đưa ra khi tiến hành bán đấu giá thì trong hồ sơ mời dự thầu sẽ bao gồm cả danh sách các khách hàng đã mua hợp pháp các căn hộ của dự án. Do đó, tổ chức nào trúng thầu sẽ buộc phải kế thừa quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư ban đầu đối với các khách hàng mua căn hộ hợp pháp trước đó. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bị rủi ro khi khách hàng mua phải căn hộ bất hợp pháp khi đó bên thu hồi nợ và nếu bên bán phá sản thì khách hàng có nguy cơ mất trắng. Nhưng nếu khách hàng đã thực hiện nghĩa vụ tài chính 100% cho chủ đầu tư thì sẽ có quyền sở hữu đối với căn hộ theo quy định của Luật Nhà ở khi đó sẽ không ai có quyền xâm phạm tài sản của người mua.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân phân tích, dưới góc độ pháp lý, phía ngân hàng khi thu hồi nợ là tài sản bị cầm cố trong ngân hàng, phía cơ quan thu hồi nợ chỉ có quyền giữ tài sản mà chủ đầu tư cũ chưa bán. Còn các căn hộ đã bán rồi thì họ không có quyền thu giữ và phát mại. Bởi người dân đã bỏ tiền ra để mua, họ đã xác lập quyền sở hữu đối với tài sản mà mình đã mua. Chủ đầu tư mới sẽ vẫn phải tôn trọng hợp đồng mua bán hợp pháp của khách hàng. Giao dịch của khách hàng diễn ra trước thời điểm dự án bị thu giữ và đó là giao dịch hợp pháp, được pháp luật thừa nhận và công nhận.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh, cho rằng, việc bảo vệ quyền lợi khách hàng tại dự án phải được đảm bảo. Trong nghị quyết xử lý nợ xấu của Quốc hội có điều khoản thể hiện các bên phải bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư thứ cấp tại các dự án bị thu hồi xử lý nợ. “Khi thu giữ thì đương nhiên ngân hàng được quyền xử lý tài sản bảo đảm nhưng phải cân đối xem xét để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi người dân. Bên thu hồi nợ chỉ được thu giữ và bán phần tài sản bảo đảm chưa bán cho ai, tức là tài sản đó còn là của chủ đầu tư dự án”, ông Châu nhấn mạnh.
Thái An - Mạnh Tiến
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.