Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 20 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 27 tháng 12 năm 2015 | 1:33

TP. Hồ Chí Minh: Bùng phát tranh chấp tại nhiều dự án

Mặc dù thị trường bất động sản đang có tín hiệu tốt lên trong thời gian qua với nhiều dự án được mở bán, nhiều dự án “chết” được tái khởi động. Tuy nhiên, đằng sau bức tranh màu hồng, tại nhiều dự án vẫn bùng phát tranh chấp.

Dự án Gateway thi công trên một phần đất chưa thoả thuận đền bù với cư dân.

Bất cập trong giá đền bù

Vừa qua, dự án Gateway do Công ty Sơn Kim làm chủ đầu tư đã bị một số người dân tố cáo thi công trên một phần đất chưa đền bù. Sự việc này đã khiến nhiều khách hàng không khỏi lo ngại.

Trở lại câu chuyện dự án Gateway bị tố, các hộ dân ở đây cho rằng, vào năm 2008, người dân được thông báo khu vực này sẽ được giải toả để làm dự án. Tuy nhiên, sau thời gian nhận được thông báo, người dân vẫn không thấy có doanh nghiệp nào đến thoả thuận. Hiện tại, dự án đang thi công phần móng cọc và nhận giữ chỗ.

Theo thông tin chúng tôi có được, tại dự án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã đến kiểm tra, kết luận: “Dự án Gateway không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Việc UBND quận 2 thu hồi đất của người dân là chưa phù hợp. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo quận 2 thu hồi quyết định thu hồi đất của dân. Công ty Sơn Kim phải thỏa thuận bồi thường với dân”. Giữa năm 2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản đồng ý với ý kiến của Bộ TNMT.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân còn đất chưa thoả thuận đền bù tại dự án Gateway cho rằng Công ty Sơn Kim đã ép dân khi định giá để đền bù.

Trong bảng tổng hợp các hồ sơ về tự thoả thuận bồi thường 9.5580,2m2 đất trong dự án khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ tại phường Thảo Điền - quận 2 đã nêu rõ, Công ty Sơn Kim bồi thường hơn 92 tỉ đồng cho ông Nguyễn Hoàng Tuấn và bà Nguyễn Hồng Hạnh trên diện tích đất 2.441m2 (tương đương hơn 37 triệu đồng/m2), bồi thường cho gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Vân hơn 69 tỉ đồng/1.921m2 đất (tương đương gần 36 triệu đồng/m2).

Các hộ dân khác như ông Trần Đức Đạt, bà Nguyễn Thị Hồng Trang cũng đều nhận tiền bồi thường trên 35 triệu đồng/ m2. Ngoài ra, còn nhiều hộ dân khác cách đây 7 năm đã được đền bù từ 35 - 40 triệu đồng/m2. Thời điểm đó, đất của các hộ dân được thoả thuận đền bù là đất trồng cây lâu năm, cây ăn trái và hoa màu các loại.

Trong đơn phản ánh gửi đến các cơ quan báo chí của 7 hộ dân có đất chưa thoả thuận đền bù tại dự án Gateway, nêu rõ, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Kim chỉ đồng ý bồi thường với giá 15 triệu đồng/m2. Lý do mà phía Công ty Sơn Kim đưa ra là do sự việc kéo dài, công ty bị thiệt hại.

Tuy nhiên, theo các hộ dân, sự thiệt hại này không phải do người dân gây ra, mà do ngay từ lúc đầu phía Công ty Sơn Kim không chịu thương lượng. “Điều đáng nói, khi hai bên không thoả thuận được với nhau thì UBND quận 2 đã thuê Công ty CP thẩm định giá và tư vấn đầu tư Việt Nam thẩm định chỉ có 5 triệu đồng/m2 với tổng số tiền bồi thường hơn 3,4 tỉ đồng. “Chúng tôi không biết công ty này dựa vào đâu để đưa ra mức giá này? Bởi ai cũng biết hiện nay chưa có quy định nào định nghĩa giá thị trường là giá nào?”, ông Trần Hữu Phú, một hộ dân có đất chưa thoả thuận đền bù bức xúc.

Cũng vì lý do bị ép giá nên các hộ dân còn đất vẫn chưa chấp nhận thoả thuận của Công ty Sơn Kim, điều đó cũng có nghĩa, các pháp lý liên quan đến phần đất này chưa được thực hiện xong, câu hỏi Dự án Gateway khởi công khi đã đủ điều kiện thi công hay chưa, vẫn còn bỏ ngỏ.

Mới đây, vào ngày 8/12, Thanh tra thành phố cùng Cục III - Thanh tra Chính phủ, Sở Xây dựng, Sở TNMT, UBND quận 2 đã tổ chức kiểm tra hiện trạng dự án. Các cơ quan chức năng đã ghi nhận hiện trạng dự án và các giấy tờ pháp lý liên quan đến công trình. Hiện vụ việc đang được đoàn kiểm tra tiếp tục xem xét làm rõ.

Có một điều chắc chắn, những khách hàng đã đặt chỗ tại dự án sẽ không khỏi hoang mang khi một dự án với nhiều giải thưởng danh giá và được quảng cáo là dự án căn hộ tốt nhất Việt Nam đang vướng những lùm xùm không đáng có.

Hàng loạt dự án chậm bàn giao nhà

Đầu tiên phải kể đến dự án Vạn Hưng Phát Apartment tọa lạc tại góc đường Tạ Quang Bửu và đường Bông Sao phường 5 quận 8, TP. Hồ Chí Minh. Dự án được giới thiệu có vị trí trung tâm, quy mô, môi trường sống trong lành, hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và tiện nghi hiện đại, bàn giao căn hộ hoàn thiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, khác hẳn với những lời giới thiệu hoa mỹ, nhiều người dân đăng ký mua căn hộ tại đây đang “ngồi trên đống lửa” khi tiền đã thanh toán nhưng thời hạn bàn giao thì chưa biết đến bao giờ. Có những hộ dân như gia đình bà Phương ngụ tại quận 2, ký hợp đồng mua bán căn hộ tại tầng 8 diện tích 82,3m2 từ chủ đầu tư là Công ty TNHH Vạn Hưng Phát với giá trên 1,6 tỉ đồng từ đầu năm 2011. Đã trễ hẹn 2 năm kể từ ngày dự kiến bàn giao căn hộ năm 2013, đến nay, theo ghi nhận của phóng viên thì tiến độ xây dựng tại đây dường vẫn “dậm chân tại chỗ”, nhà chưa thấy nhưng nguy cơ chậm trễ trong bàn giao thì đã nhãn tiền.

Dự án Khang Gia Gò Vấp, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia, ghi nhận nhiều trường hợp người mua căn hộ đã ký hợp đồng mua bán từ năm 2011, dự kiến thời gian bàn giao là 2013 nhưng cũng chậm trễ. Khi thời hạn bàn giao ngày 15/11/2015 đã qua thì vẫn còn một số hạng mục của công trình chưa hoàn thiện và không có dấu hiệu sẽ bàn giao đúng hạn cho người mua.

Dự án Cheery 2 Apartment ban đầu chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Võ Đình bán lại cho Công ty CP Tư vấn thương mại dịch vụ địa ốc Hoàng Quân cũng khiến nhiều khách hàng ngao ngán khi liên tục chậm tiến độ giao nhà.

Theo một chuyên gia bất động sản, thị trường đang ấm lên là tín hiệu tốt, tuy nhiên, với cách làm ăn chộp giật của một số chủ đầu tư thì khách hàng vẫn phải thận trọng tìm hiểu năng lực của chủ đầu tư và tính pháp lý của dự án trước khi mua để tránh tiền mất, tật mang.

 Minh Tuấn - Lại Hùng

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top