Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, trong 4 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố đã cấp được 15.343 giấy phép xây dựng và sửa chữa lớn với diện tích sàn lên đến 3.487,1 ngàn m2.
Cụ thể, về tình hình cấp phép xây dựng nhà ở hộ dân cư đến cuối tháng 4/2019, Thành phố đã cấp 15.345 giấy phép xây dựng và sửa chữa lớn, với diện tích sàn 3.487,1 ngàn m2. Trong đó, cấp cho xây dựng mới 14.902 giấy phép, với diện tích 3.432,4 ngàn m2 và 443 giấy phép sửa chữa lớn, với diện tích 54,7 ngàn m2.
Số lượng giấy phép được cấp bằng 81,6% so với cùng kỳ (-3.452 giấy phép), giảm 7,9% về diện tích (-299,5 ngàn m2). Nguyên nhân giảm cả về giấy phép và diện tích so với năm trước được cho do Thành phố tăng cường công tác quản lý đất đai, rà soát, kiểm tra các tình trạng xây dựng không phép, sai phép và hạn chế các sai phạm liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở tại các quận vùng ven và huyện ngoại thành.
Cụ thể, huyện Củ Chi năm 2018 cấp 1.844 giấy phép, sang năm 2019 chỉ còn 1.134 giấy phép được cấp, giảm 710 giấy phép. huyện Hóc Môn năm 2018 cấp 1.328 giấy phép, sang năm 2019 còn 1.105 giấy phép được cấp, quận 12 năm 2018 cấp 2.745 giấy phép, sang năm 2019 cấp 2.100 giấy phép, giảm 645 giấy phép.
Đối với việc đầu tư xây dựng, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn 5 tháng ước thực hiện hơn 142 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 11,2%), đạt 28,2% so kế hoạch năm. Trong đó, tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách thành phố cộng dồn 5 tháng ước đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Cấp thành phố 5 tháng ước thực hiện hơn 4.000 tỷ đồng, chiếm 67,2%, tăng 8%. Cấp quận huyện ước thực hiện hơn 2.000 tỷ đồng, chiếm 32,8%, bằng 90,3% so với cùng kỳ.
Về tình hình cấp giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài, từ đầu năm đến ngày 20/05/2019, thành phố đã có 451 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với tổng vốn đăng ký đạt 472,2 triệu USD. Điều chỉnh vốn đầu tư có 102 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 214,5 triệu USD. Tổng vốn đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và tăng vốn đến ngày 20/4 đạt 686,7 triệu USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Mặt khác, trên địa bàn còn có 1.719 trường hợp nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần, tổng vốn đạt 2.078,8 triệu USD.
Phân loại các dự án được cấp mới theo loại hình đầu tư có hình thức 100% vốn nước ngoài có 411 dự án, vốn đầu tư đạt 437,2 triệu USD. Liên doanh 38 dự án, vốn đầu tư đạt 34,1 triệu USD và hợp đồng hợp tác kinh doanh có 2 dự án, vốn đầu tư là 830,6 ngàn USD.
Theo ngành hoạt động có hoạt động kinh doanh bất động sản đứng đầu về vốn đăng ký với 24 dự án, vốn đạt 221,2 triệu USD, chiếm 46,9% trong tổng vốn dự án được cấp phép mới. Hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ có 109 dự án, vốn đầu tư 110,6 triệu USD (chiếm 23,4%). Thương nghiệp 188 dự án, vốn đầu tư 79,3 triệu USD (chiếm 16,8%).
Theo đối tác đầu tư trên địa bàn thành phố đã có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư. Trong đó, dẫn đầu về vốn đăng ký là British Virgin Islands với 6 dự án, vốn là 155,7 triệu USD, chiếm 33% trong tổng vốn. Kế đến là Hàn Quốc với 91 dự án, vốn đầu tư là 131,6 triệu USD (chiếm 27,9%). Nhật Bản 64 dự án, vốn đầu tư là 81,3 triệu USD (chiếm 17,2%). Singapore 61 dự án, vốn đầu tư là 23,2 triệu USD (chiếm 4,9%).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.