Tại TP. Hồ Chí Minh, việc cải tạo hệ thống kênh rạch là một phần quan trọng trong chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị, giai đoạn 2016 - 2020 và những năm kế tiếp. Số vốn dự kiến cho việc cải tạo kênh rạch ước tính khoảng 30.000 tỷ đồng được chính quyền thành phố huy động từ nhiều nguồn để thực hiện 7 chương trình đột phá về chỉnh trang đô thị của thành phố.
Theo thông tin từ Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), trong hơn 20 năm qua thành phố đã thực hiện thành công dự án chỉnh trang kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Ruột Ngựa - Tàu Hũ phần nào đã làm thay đổi diện mạo đô thị của thành phố. Tuy nhiên, việc chỉnh trang kênh rạch vẫn được thành phố ưu tiên và quan tâm. Trong đó có các dự án trọng tâm như Nam Kênh Đôi khu vực quận 8 với quy mô hơn 7.500 hộ dân dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Dự án Rạch Xuyên Tâm thuộc khu vực quận Bình Thạnh có quy mô khoảng 2.500 hộ dân với tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên hay dự án đào tái lập lại Kênh Hàng Bàng thuộc khu vực quận 6 để nâng cao năng lực thoát nước khu vực.
Chính quyền TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện việc cải tạo lại kênh rạch một phần trong 7 chương trình đột phá về chỉnh trang đô thị của thành phố
Theo thống kê, hiện TP. Hồ Chí Minh có quy mô dân số trên 13 triệu người, trong đó có hơn 3 triệu người nhập cư. Trừ những khu vực trung tâm thành phố tương đối khang trang, đa phần các quận nhất là các quận vùng ven vẫn đang tồn tại rất nhiều khu dân cư lụp xụp cần phải được chỉnh trang để phát triển đô thị của thành phố. Tuy nhiên, theo HoREA trong thực tế triển khai cần sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch về cơ chế, chính sách tái điều chỉnh đất đai, tái phân lô đất đai với sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư để thực hiện công tác chỉnh trang và tái phát triển đô thị. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả đối với các dự án chỉnh trang các khu dân cư lụp xụp, xây dựng lại, cải tạo các chung cư cũ hư hỏng, chỉnh trang các khu nhà lụp xụp trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố.
Trước đó, theo UBND TP. Hồ Chí Minh ước tính trong giai đoạn năm 2016 – 2020, để thực hiện được 7 chương trình đột phá của TP. Hồ Chí Minh sẽ cần khoảng 850.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước chiếm tới 60% nguồn vốn. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách của TP. Hồ Chí Minh hiện chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn đầu tư. Do đó, để thực hiện được 7 chương trình này, chính quyền thành phố hiện đang huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư. Cụ thể, trên địa bàn thành phố đã có 647 dự án tham gia chương trình kích cầu đầu tư với số vốn huy động là 41.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp cũng kết nối cho 36.000 doanh nghiệp với vốn vay 680.000 tỷ đồng. Thành phố cũng xã hội hóa nguồn vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó đã có 153 dự án PPP triển khai với tổng mức đầu tư 451.000 tỷ đồng, trong đó 23 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 71.000 tỷ đồng, 130 dự án đang thực hiện với tổng mức đầu tư 380.000 tỷ đồng./.
Mạnh Tiến
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.