Trong thời gian ngắn, nhiều chung cư ở TP.Hồ Chí Minh xảy ra chuyện chủ đầu tư bị ngân hàng siết nợ khiến cư dân sống trong cảnh bất an. Thậm chí, tại chung cư Bảy Hiền Tower, cư dân còn bị đuổi ra đường vì công trình mắc nhiều sai phạm. Những dự án này đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của người mua nhà.
Cư dân Chung cư The Harmona hoang mang vì thông tin BIDV sẽ siết nợ chủ đầu tư chung cư.
Cắm ngân hàng vẫn bán căn hộ!
Những ngày qua, hàng trăm hộ dân tại chung cư The Harmona rất hoang mang về thông báo số 840 ngày 24/5/2016 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bắc Sài Gòn (BIDV Bắc Sài Gòn) về việc yêu cầu chủ đầu tư dự án The Harmona phải giao cho ngân hàng dự án chung cư The Harmona để ngân hàng xử lý, thu hồi nợ vay. Phía BIDV Bắc Sài Gòn cũng đề nghị Công an phường 14, quận Tân Bình và chính quyền địa phương hỗ trợ trong công tác nhận bàn giao từ phía chủ đầu tư vào ngày 9/6.
Năm 2011, Tamexim (Công ty CP đầu tư XNK Tân Bình) đem quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất của dự án The Harmona để bảo lãnh cho Công ty cổ phần Thanh Niên vay 244 tỉ đồng của BIDV Bắc Sài Gòn. Hiện tại, khoản nợ vay của Công ty cổ phần Thanh Niên đã quá hạn nhưng đơn vị này vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.
Liên quan tới vấn đề này, chiều 26/5, UBND phường 14 đã làm việc với đại diện chủ đầu tư, đại diện cư dân chung cư The Harmona và phòng, ban liên quan đến việc quản lý dự án. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó tổng giám đốc Tameximdem, thừa nhận, công ty có bảo lãnh cho Công ty cổ phần Thanh Niên vay tiền như trên. Theo thỏa thuận giữa các bên, đến ngày 15/6/2016, Công ty cổ phần Thanh Niên sẽ trả hết nợ. Việc BIDV Bắc Sài Gòn thu hồi tài sản bảo đảm không thông qua chủ đầu tư và phía Tamexim cũng rất bất ngờ. Nhiều hộ dân tỏ ra choáng váng khi biết chủ đầu tư đã liều mạng lấy dự án “cắm” ngân hàng, đặc biệt hơn, có 41 hộ bị chủ đầu tư 2 lần cầm cố ngân hàng dẫn đến tình trạng “nợ chồng nợ”.
Dân lãnh đủ vì chủ đầu tư thi công sai phép
Hàng chục hộ dân tại chung cư Bảy Hiền Tower như đang “ngồi trên đống lửa” khi toàn bộ hệ thống điện, nước bị tắt, nhiều chốt chặn được ngành chức năng lập nhằm đề phòng chủ đầu tư tiếp tục đưa người dân vào sinh sống.
Chung cư Bảy Hiền Tower chưa hoàn thành hệ thống điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, hệ thống thang máy chưa thi công hoàn chỉnh và chưa được nghiệm thu. Việc đưa dân vào ở thời điểm công trình còn đang thi công sẽ có nguy cơ cao về cháy nổ, tai nạn và các sự cố khác. Trước đó, dự án bị Thanh tra Sở Xây dựng phát hiện xây dựng sai thiết kế so với giấy phép xây dựng đã cấp. Hiện trạng thực tế tăng diện tích ở khắp các tầng với tổng diện tích sai phạm 722,44m2 trên tổng số 32.000m2 sàn xây dựng. Không những không khắc phục mà chủ đầu tư tiếp tục thi công khiến “sai phạm chồng sai phạm”, chính điều này Thanh tra Sở Xây dựng phát công văn gửi Công ty Điện lực Tân Bình và Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hoá đề nghị ngừng cung cấp dịch vụ cho công trình tại số 9, Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình.
Liên quan vấn đề này, ngày 3/6, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi UBND TP.Hồ Chí Minh và Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xử lý thông tin phản ánh hơn 20 hộ dân tại chung cư Bảy Hiền Tower bất ngờ bị đuổi ra khỏi nhà. Theo đó, Phó thủ tướng yêu cầu UBND TP.Hồ Chí Minh kiểm tra thông tin nêu trên, nếu phát hiện những hành vi vi phạm, yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Người mua nhà hợp pháp phải được bảo vệ
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lê Bá Chí Nhân, việc chủ đầu tư đi thế chấp dự án cho ngân hàng, và việc ngân hàng xử lý nợ là đúng, tuy nhiên trong việc thế chấp sự kiểm soát giữa ngân hàng cho vay cần được quan tâm. Khách hàng trả tiền cho chủ đầu tư để nhận căn hộ của mình, việc ngân hàng xiết nợ hoàn toàn lỗi không phải do khách hàng, đây là lỗi của chủ đầu tư. Việc kiểm soát được dòng tiền cho vay phải đặt hàng đầu, chủ đầu tư và ngân hàng phải ngồi lại để bàn phương án cụ thể nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân. Ông Nhân cho rằng, chủ đầu tư lấy dự án để thế chấp ngân hàng đến khi không trả, ngân hàng xiết nợ là điều tất yếu. Trong trường hợp chủ đầu tư không còn một tài sản nào nữa, rõ ràng ngân hàng sẽ phải kiện chủ đầu tư ra tòa nhằm thu hồi lại nguồn tiền của mình.
Dù thế nào thì việc đuổi dân ra khỏi căn nhà mua hợp pháp là chuyện không thể chấp nhận được, trong mọi trường hợp, người mua nhà hợp pháp phải được pháp luật bảo vệ.
Lại Hùng
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.