Trước yêu cầu bức thiết của người dân trong việc tách thửa đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh vừa hoàn thiện dự thảo sửa đổi Quyết định 33/2014/QĐ - UBND, trong đó có nhiều điểm mới về đối tượng áp dụng chỉ là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có yêu cầu tách thửa đất, bỏ đối tượng áp dụng là “tổ chức”.
Một dự án ở TP. Hồ Chí Minh đang được làm đường để phân lô bán nền.
Nhiều điểm mới
Các trường hợp không được tách thửa theo Quyết định 33/2014/QĐ - UBND như khu vực bảo tồn đã được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt danh mục phải bảo tồn theo quy định pháp luật; các khu vực hiện đang là biệt thự được tiếp tục quản lý theo quy hoạch; biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước; biệt thự thuộc nhóm 1 và 2 theo quy định tại Thông tư số 38/2009/TT-BXD ngày 08/12/2009 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc quản lý sử dụng nhà biệt thự tại khu vực đô thị; biệt thự thuộc dự án đã quy hoạch; đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận cho từng nền đất theo quy hoạch được duyệt.
Trong trường hợp quy hoạch trên không còn phù hợp, phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo quy định pháp luật trước khi thực hiện tách thửa, việc tách thửa phải đảm bảo đúng theo quy hoạch đã điều chỉnh; trường hợp vị trí nhà, đất ở thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được tách thửa.
Bên cạnh đó, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xác định thửa đất không thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang hoặc dân cư hiện hữu kết hợp xây dựng mới; nhà, đất thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đất thuộc khu vực chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng không được tách thửa.
Vẫn còn băn khoăn
Năm 2014, chính quyền TP. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 33/2014/QĐ - UBND quy định diện tích tối thiểu được tách thửa là nhằm hạn chế tình trạng xây dựng nhà ở không phép và tạo điều kiện để người dân, nhất là những người thu nhập thấp giải quyết được vấn đề nhà ở.
Tuy nhiên, câu chuyện chính sách bị lợi dụng vì Quyết định số 33/2014/QĐ - UBND không khống chế diện tích khu đất trước khi tách thửa nên nhiều khu đất rộng hàng chục hecta được các chủ đầu tư đem phân lô, bán nền mà không cần lập dự án. Hệ lụy là quy hoạch bị phá nát, hạ tầng không được đầu tư đồng bộ, nhiều khu dân cư mọc lên không có không gian xanh.
Nhằm khắc phục “lỗ hỗng” này, dự thảo đã loại các tổ chức ra khỏi đối tượng của quy định về diện tích tối thiểu tách thửa. Theo đó, đối tượng được áp dụng chỉ là hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có yêu cầu tách thửa đất. Đồng thời, dự thảo còn quy định UBND cấp huyện phải thường xuyên kiểm tra, rà soát công tác tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn. Ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không đúng quy định của pháp luật; chuyển mục đích, tách thửa không đúng quy hoạch, định kỳ 6 tháng một lần báo cáo kết quả cho Sở Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, sẽ phát hiện và xử lý được các trường hợp tổ chức, nhà đầu tư “núp bóng”, nhờ các hộ gia đình, cá nhân đứng tên thực hiện việc tách thửa. Làm được điều này thì quy định về diện tích tối thiểu mới thật sự có tác dụng tốt đối với xã hội cũng như đô thị.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn khi quy định đường giao thông lúc tách thửa phải rộng tối thiểu 7m. Quy định này nếu áp dụng với khu đất có diện tích lớn thì không vấn đề gì, nhưng có khu đất nằm xen kẽ trong khu dân cư, khi tách thửa cũng chỉ được một hai nền nhưng vẫn yêu cầu đường 7m thì không hợp lý. Có ý kiến cho rằng, với quy hoạch là đất xây dựng mới, Nhà nước nên bỏ kinh phí ra để làm quy hoạch chi tiết 1/500. Trên cơ sở đã có quy hoạch cụ thể, biết rõ chức năng của từng khu vực, thì cá nhân, tổ chức muốn tách thửa phải đóng góp tiền đầu tư vào hạ tầng chung. Như vậy, người dân có đất trong quy hoạch đất dân cư xây dựng mới cũng không bị ảnh hưởng, giúp người dân an tâm sinh sống.
Lại Hùng - Thái An
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.