Trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh có nhiều khu đất vàng được các doanh nghiệp nhà nước âm thầm chuyển nhượng với giá thấp hơn nhiều so với thị trường, lại không được sử dụng đúng mục đích, gây lãng phí và có dấu hiệu “chảy máu công sản”.
Dự án Lavenue Crown vẫn “án binh bất động”.
Đất vàng giá bèo
Tại các khu vực trung tâm của TP.Hồ Chí Minh, nhiều khu đất tiếp giáp với mặt tiền những con đường lớn trên địa bàn thành phố có giá trị thực tế lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Việc đấu giá các khu đất trên cũng chỉ là con số ít ỏi, đơn cử khu đất gần 3.000m2 tại số 23 đường Lê Duẩn (phường Bến Nghé, quận 1) được đấu giá thành công, thu được số tiền 1.430 tỷ đồng. Ngay sau khi đấu giá thành công, đơn vị trúng đấu giá khu đất đã chuyển toàn bộ số tiền vào ngân sách thành phố. Số tiền này được coi là mức kỷ lục trong tất cả các phiên đấu giá trên địa bàn thành phố, cao hơn 2,6 lần so với giá khởi điểm.
Tuy nhiên, bên cạnh những khu đất vàng được đấu giá công khai, có những khu đất lại được các đơn vị âm thầm chuyển nhượng với “giá bèo”. Cụ thể, tại khu đất có địa chỉ tại số 8 - 12 Lê Duẩn, quận 1 (đối diện với UBND quận 1), có tổng diện tích khoảng 5.000m2. Khu đất được nhiều chuyên gia thẩm định bất động sản (BĐS) đánh giá là khu đất có vị trí đắc địa và là một trong 20 khu đất vàng có vị trí đẹp nhất thành phố. Với diện tích khá lớn, tọa lạc ngay trung tâm thành phố, được bao quanh bởi 3 tuyến đường Lê Duẩn, Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Chiêm, mặt còn lại dựa vách tòa nhà Diamond Plaza, đây quả là khu đất nhiều doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải mơ ước. Được biết, khu đất thuộc sở hữu nhà nước, ban đầu do 4 đơn vị thuê sử dụng là Công ty cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty cổ phần Kim khí thành phố, Công ty cổ phần Hóa chất vật liệu điện thành phố và Công ty cổ phần Vận tải xăng dầu (VITACO). Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố được giao quản lý, cho thuê khu nhà đất này. Với vị trí tuyệt đẹp như vậy, nếu khu đất được chuyển nhượng công khai sẽ mang lại cho ngân sách thành phố hàng ngàn tỷ đồng. Ngược lại, 4 doanh nghiệp này đã “âm thầm chuyển nhượng” cho một liên doanh khác với “giá bèo”.
Liên quan tới việc “chảy máu công sản”, vào quý 2/2015, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về việc thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân và phòng chống tham nhũng giai đoạn 2011 đến tháng 6/2014. Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc thực hiện kết luận thanh tra dự án số 8 - 12 Lê Duẩn, trong đó có vi phạm về việc giao đất, cho thuê đất không đúng quy định. Bốn đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã sang nhượng 100% phần vốn góp của mình là 50 tỷ đồng cho Công ty Kinh Đô (nay là Kido Group) để thu lợi 200 tỷ đồng.
Lãng phí đất công
Liên quan tới việc khu đất tại số 8 -12 Lê Duẩn, từ cuối năm 2007, khi đó chủ trương của UBND TP.Hồ Chí Minh là cho xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn tiêu chuẩn 5 sao. Theo đó, khu đất là nơi thực hiện dự án Lavenue Crown do Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue (liên doanh của Công ty cổ phần Kinh Đô (50% vốn điều lệ), Công ty Đầu tư Mayflower (Mỹ) và Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư. Lavenue Crown là dự án phức hợp hạng sang, gồm 3 khu chức năng là căn hộ hạng sang, khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, tọa lạc tại vị trí vàng của trung tâm quận 1. Riêng khối căn hộ hạng sang bao gồm khoảng 200 căn với tổng diện tích sàn 23.000m2. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn án binh bất động.
Trở lại câu chuyện “chảy máu công sản”, gần đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thanh tra, tạm dừng 60 dự án chuyển đổi đất vàng, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng đã có văn bản chỉ đạo tiếp tục thanh tra nhưng không yêu cầu đình chỉ thi công. Một chuyên gia kinh tế nhận định, đang có lỗ hổng lớn trong việc quản lý nguồn đất công giao cho các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Việc này khiến các đơn vị sử dụng đất công dễ dàng “phù phép” để âm thầm chuyển nhượng. Do đó, việc siết chặt quản lý các khu đất mà các đơn vị có vốn nhà nước đang sở hữu là điều cần thiết. Với những khu đất vàng tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng và các đô thị trên cả nước nói chung, nếu không có sự quản lý chặt chẽ thì khi các đơn vị “bắt tay” với nhau, việc chảy máu tài sản công là điều dễ hiểu.
Mặt khác, dưới góc độ pháp lý, tình trạng “chảy máu công sản” hiện nay vẫn là hiện tượng nhức nhối. Luật Đất đai quy định phải đấu giá nhà, đất công khi mục đích sử dụng đất là xây dựng nhà, kinh doanh BĐS. Luật Phòng, Chống tham nhũng cũng quy định đầy đủ về các hành vi sai phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà đất thuộc diện công sản. Hiện tượng một số chủ đầu tư cùng một số cơ quan chủ quản báo cáo không đầy đủ về hiện trạng các khu đất để xin chuyển nhượng không qua đấu giá đã diễn ra trong nhiều năm qua, là việc làm không phù hợp, gây thất thoát lớn ngân sách của thành phố nói riêng và nhà nước nói chung.
Mạnh Tiến - Trường Sơn
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.