Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 11 năm 2016 | 10:17

TP. Hồ Chí Minh: Nhức nhối dự án “treo”

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn tồn tại nhiều dự án “treo” trong đó có những dự án “treo” đã hàng chục năm nay. Chủ đầu tư thì đua nhau chia lô để bán nền đất trong khi đầu tư hạ tầng, công tác bồi thường chưa hoàn thành và quyền lợi của nhiều người dân bị thu hồi đất cũng như nhiều khách hàng mua đất dự án đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Góp vốn mua đất trên giấy

Những ngày qua, nhiều khách hàng phản ánh về việc ký hợp đồng hợp tác đầu tư tại dự án xây dựng khu đô thị thương mại Nam - Nam Sài gòn thuộc xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh từ năm 2007. Chị Trần Dạ Thảo, ngụ quận 5, cho biết đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Vật tư và giống gia súc Amasco về việc góp vốn xây dựng nhà ở tại nền số 18 lô C3 thuộc dự án khu đô thị thương mại Nam - Nam Sài gòn. Đổi lại chị Thảo được nhận một nền đất để xây dựng với diện tích 140 m2, loại nhà liên kế. Theo đúng tiến độ của hợp đồng chị đã đóng số tiền 350 triệu đồng. Đồng thời phía Công ty Amasco sẽ có trách nhiệm bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, đường giao thông nội bộ, hoàn tất thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xác lập quyền sử dụng đất ….. Tuy nhiên, gần 10 năm qua dự án khu đô thị thương mại Nam - Nam Sài Gòn vẫn án binh bất động, “hiện dự án còn chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn chưa hoàn thiện, nhiều nơi cỏ mọc um tùm, chẳng biết đến khi nào mới nhận được nền đất mình đã đầu tư”, một khách hàng cho biết.

Cũng năm 2007, chị T. ngụ quận 1 cũng ký hợp đồng hợp tác đầu tư tại khu đô thị thương mại Nam - Nam Sài Gòn. Chị T. đã thanh toán số tiền 945 triệu đồng (50% số tiền của hợp đồng HTĐT) để nhận lại một nền đất với diện tích 450 m2. Giống trường hợp chị Thảo, hơn 9 năm trôi qua, việc mong ngóng được nhận diện tích đất nền cũng chỉ là “bánh vẽ” mà Công ty CP Đầu tư đã vạch ra.

Nhiều khu đất được chủ đầu tư dự án vẽ lên hoành tráng để bán cho người dân nhưng sau này lại không thực hiện đúng cam kết khiến người dân bức xúc

So với Nam - Nam Sài Gòn, dự án khu dân cư Bình Trưng Đông cũng có quy mô lớn không kém. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn là bãi đất trống khiến người dân vô cùng hoang mang. Trao đổi với PV, chị Nguyễn Phong Lan, ngụ quận 5, cho biết đã mua một nền đất 120m2 giá trên 1,2 tỷ đồng từ tổng Công ty Bến Thành vào tháng 7/2009. Nền đất này nằm tại lô 3, tiểu khu D thuộc khu dân cư này. Chủ đầu tư cam kết thời gian hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và bàn giao nền đất để khách hàng xây dựng nhà ở trước 31/12/2011. Sau khi ký hợp đồng, chị Lan đã thanh toán 85% giá trị nền đất. Chủ đầu tư cam kết trong vòng 30 tháng sẽ bàn giao nền nhưng nay đã kéo dài suốt 8 năm dự án vẫn đắp chiếu. Nguyên nhân mà chủ đầu tư đưa ra do pháp lý dự án bị trục trặc, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong.

Cũng như chị Lan, anh Trịnh Trần Giang hiện cũng đang mòn mỏi từng ngày chờ chủ đầu tư giao đất cất nhà. Anh Giang cho biết trải qua nhiều năm trì trệ, trước phản ứng mạnh của hàng trăm khách hàng, chủ đầu tư mới bắt đầu có động thái bàn giao nền nhưng cũng chỉ “bàn giao trên giấy”. “Chủ đầu tư cần phải đẩy nhanh tiến độ dự án. Càng để lâu nút thắt càng khó gỡ, dự án lún sâu trong vũng lầy. Thí dụ, đối với những hộ dân ảnh hưởng thu hồi đất chưa được bồi thường, khi có sự chênh lệch quá lớn việc thương lượng càng khó khăn” - anh Giang bức xúc.

Nhiều khách hàng bày tỏ sự cảm thông với chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án gặp một số khó khăn như UBND TP. Hồ Chí Minh có văn bản điều chỉnh quy hoạch. Song, đến nay quy hoạch điều chỉnh đã được phê duyệt, chủ đầu tư phải đẩy nhanh công tác đầu tư, hoàn tất pháp lý để bàn giao nền đất. Thiệt hại của người dân khó thể nào đong đếm được, trong khi số tiền chủ đầu tư thu và chiếm dụng của rất nhiều hộ dân lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Một trường hợp khác cũng ký hợp đồng góp vốn vào dự án nhà ở khu phố 4, phường Phước Long A, quận 9. Theo đó, ông Nguyễn Văn Hoàn (Đắk Lăk) đã đóng số tiền 155 triệu đồng cho Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư - Xây dựng Trường Thịnh, đổi lại ông sẽ được một nền đất với diện tích 154 m2. Hơn 8 năm mong ngóng, hiện giờ nền đất mà ông Hoàn đã bỏ ra số tiền hợp tác đầu tư cũng chỉ là “bánh vẽ”.

Trả lại quyền lợi cho người dân

Theo tìm hiểu của PV, khu dân cư Bình Trưng Đông, Cát Lái có tổng diện tích 154ha, được TP. Hồ Chí Minh giao đất từ năm 2001 cho Công ty TNHH MTV Xây dựng kinh doanh nhà Phú Nhuận làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính theo Quyết định 7446/QĐ-UBND. Trong dự án này có 15 dự án thành phần do các công ty khác làm chủ đầu tư như, Công ty Trường Thịnh, Công ty CP Xây dựng số 14, Công ty City Land, TCT Bến Thành, Công ty Vạn Phát Hưng, Công ty Thái Sơn, Công ty Bách Giang... Những công ty được giao các dự án thành phần có nghĩa vụ nộp tiền cho Công ty Phú Nhuận giải phóng mặt bằng, làm hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính. Suốt 15 năm qua, dự án tổng thể vẫn dở dang, đầy cỏ dại, các dự án thành phần cũng chưa bồi thường xong cho người dân.

Trước việc để dự án “treo” quá lâu, gây bức xúc trong dư luận xã hội và khó khăn trong cuộc sống của người dân. Tháng 12/2014, UBND TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 5995/QĐ - UB thu hồi Quyết định 7446/QĐ - UB, thể hiện rõ việc chấm dứt tư cách chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chính đối với Công ty Phú Nhuận. Việc này được xem là việc làm cứng rắn của chính quyền thành phố trước những hệ lụy của dự án “treo”.

Theo ông Nguyễn Bình Minh, Tổng giám đốc Tổng Công ty Bến Thành, công ty mong muốn giao nền sớm cho khách hàng, nhưng cái khó là dự án 154ha Bình Trưng Đông không còn nhà đầu tư hạ tầng chính kết nối giao thông các khu dự án thành phần. Dự án lô 3 - tiểu khu D không có cơ sở pháp lý để tiếp tục đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân, dự án không có cơ sở giao đất cũng như tiếp tục thực hiện các thủ tục pháp lý cấp giấy chứng nhận cho khách hàng mua đất.

Trước đó, vào tháng 4-2016, UBND thành phố đã có Thông báo 181/TB-VP giao UBND quận 2 làm việc với các chủ đầu tư tìm phương án khởi động lại dự án, tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường. Cụ thể, thống kê lại diện tích đất các chủ đầu tư dự án thành phần đã hoàn tất bồi thường. Lập danh mục dự án thu hồi đất đối với phần diện tích đất chưa hoàn tất bồi thường, báo cáo UBND thành phố để trình Hội đồng nhân dân thông qua. Lập trình duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm để làm cơ sở thu hồi đất, lập phương án bồi thường, thực hiện dự án theo quy định, phù hợp quy hoạch. Tính toán chọn nhà đầu tư thực hiện dự án cơ sở hạ tầng chính, lập phương án thực hiện lại dự án trong đó có nghĩa vụ của các nhà đầu tư thành phần, trên cơ sở phương án bồi thường chung của toàn dự án đã được phê duyệt.

Còn tại Dự án Nam – Nam Sài Gòn, trước sức ép của người dân đã góp vốn vào dự án, nhiều chủ đầu tư đã có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ nhằm bàn giao các nền đất tại dự án cho người dân. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư vẫn “chây ì” chưa có bất kỳ động thái nào sẽ bàn giao nền đất cho người dân. Quyền lợi của những người dân đã bỏ ra một số tiền lớn hàng chục năm qua vẫn trong tình trạng “ngàn cân treo sợ tóc”.

Minh Tuấn - Mạnh Tiến

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top