Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 23 tháng 2 năm 2020 | 9:56

TP. Hồ Chí Minh: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản

Tại Hội nghị giữa UBND TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp BĐS mới đây, ngoài các đề xuất giải quyết các vướng mắc chung của nhiều doanh nghiệp. Nhiều vấn đề quan trọng được cộng đồng doanh nghiệp BĐS và lãnh đạo thành phố tập trung giải quyết….

Gỡ khó những vướng mắc liên quan thủ tục hành chính

Theo đó, Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 22/2 vừa qua tập trung vào vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, rút gọn quy trình giải quyết, đòi hỏi chính quyền thành phố phải vào cuộc và có những tháo gỡ, hỗ trợ quyết liệt. 

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp bất động sản ở 4 vấn đề quan trọng là xác định quy trình thực hiện dự án nhà ở hợp lý (giảm từ 5 bước xuống còn 4 bước), giải quyết nhanh thủ tục nộp tiền sử dụng đất, xem xét giải quyết các dự án đang bị dừng triển khai và giải quyết rào cản "chỉ tiêu quy mô dân số" các quận, huyện.

Thời gian qua việc chậm xác định giá đất đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể hoàn thành đóng tiền sử dụng đất để hoàn thiện thủ tục pháp lý khiến dự án bị chôn vốn, đội chi phí đầu tư, quản lý… Cuối cùng chủ đầu tư tính vào giá bán sản phẩm và người mua nhà phải gánh chịu.

Ngoài ra đại diện HoREA cũng gửi tới lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh bản kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho 19 doanh nghiệp BĐS lớn trên địa bàn xung quanh vấn đề chủ trương sử dụng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư triển khai dự án cải rạo rạch Xuyên Tâm, giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh quy hoạch kiến trúc, chuyển đổi dự án, cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất đối với phần diện tích tầng hầm ngoài ranh khối đế xây dựng toà nhà chung cư, rút ngắn quy trình thực hiện dự án nhà ở xã hội…

Liên quan đến quy trình, thủ tục hành chính, theo ông Lê Hoà Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, Thành phố thống nhất nội dung quy trình thực hiện dự án nhà ở đối với chủ đầu tư chưa đảm bảo quyền sử đụng đất ở hợp pháp gồm lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư (bước 1), lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo (bước 2), lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (bước 3), lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất (bước 4), lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng dất ở (bước 5) và công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng (bước 6).

Đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp thì trải qua 5 bước gồm chấp thuận chủ trương đầu tư (bước 1), công nhận chủ đầu tư (bước 2), trình duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 (bước 3), chấp thuận đầu tư (bước 4) và thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng, xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung do điều chỉnh quy hoạch (bước 5).

Toàn cảnh hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn giữa UBND TP. Hồ Chí Minh cùng doanh nghiệp BĐS trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN)
Toàn cảnh hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn giữa UBND TP. Hồ Chí Minh cùng doanh nghiệp BĐS trên địa bàn thành phố. (Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN)

Mặt khác, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, UBND TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo, xin ý kiến các Bộ, ngành hoặc Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện bằng cách hiểu và vận dụng quy định quyền sử đụng đất ở hợp pháp khi thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở, xử lý phần đất công do nhà nước trực tiếp quản lý trong các dự án nhà ở (đất xen cài giữa các thửa đất, đất mương, rạch…), thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục quyết định chấp thuận đầu tư, chuyển tiếp đối với dự án chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp, xử lý đất của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá, sáp nhập dự án…

Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp

Theo Chủ tịch HoREA, cộng đồng doanh nghiệp BĐS thành phố hoan nghênh nhiều giải pháp tháo gỡ của lãnh đạo thành phố, việc thống nhất các bước giải quyết thủ tục cũng như các nội dung kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo giải quyết.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Nova (thuộc Tập đoàn Novaland) cho hay, trong thời gian gần đây lãnh đạo các cấp thành phố đã dần tháo gỡ các vướng mắc như cấp giấy phép xây dựng, giao đất, duyệt tiền sử đụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại một số dự án mà tập đoàn này đang phát triển như dự án chung cư Cô Giang (quận 1), dự án tại số 151-155 Bến Vân Đồn (quận 4), dự án khu cao ốc phường Thảo Điền (quận 2), dự án tại số 1W Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), dự án chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ (quận 2) và 7 dự án tại quận Phú Nhuận…

Đại diện Tập đoàn Novaland mong muốn lãnh đạo thành phố, các bộ ngành, Chính phủ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại, cho phép Tập đoàn Novaland được nhanh chóng tiếp tục triển khai dự án nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân; qua đó nâng cao đời sống an sinh xã hội, góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Công ty Him Lam) hiện là chủ đầu tư dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, n 9, có diện tích 2,16 ha với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010. Dự án Khu nhà ở Him Lam là dự án thành phần thuộc Dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Bình, quận 9, do Công ty Cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án.

Tuy nhiên, Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng và Dự án này đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra, nên Dự án Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để Công ty Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tại hội nghị. (Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN)
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP. Hồ Chí Minh kiến nghị tại hội nghị. (Ảnh: Trần Xuân Tình – TTXVN)

Do đó, Công ty Him Lam đề nghị được thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính theo tỷ lệ phân bổ cho dự án, để Công ty Địa ốc 10 hoàn thành trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng trục chính của dự án theo quy hoạch được duyệt.

Thành phố sẽ tập trung giải quyết

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, BĐS là 1 trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu của thành phố. Hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 415.000 doanh nghiệp, gồm gần 15.000 doanh nghiệp kinh doanh BĐS, trong 9.000 doanh nghiệp lớn thì có hơn 30% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh BĐS.

Tuy nhiên, trong năm 2019 chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được công nhận chủ đầu tư (giảm 24% so với năm 2018), 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư (giảm 64 dự án), 47 dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn (giảm 30 dự án).

Nguyên nhân là do các quy định pháp luật, nhiều dự án đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, rà soát thủ tục pháp lý, sự đùn đẩy giải quyết của các cơ quan quản lý nhà nước hoặc việc giải quyết chưa liên thông, đồng bộ gây khó khăn cho doanh nghiệp, làm giảm nguồn thu ngân sách.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nêu rõ, trong 10 ngày tiếp nhận phản ánh, thắc mắc của doanh nghiệp, các sở ngành phải có trả lời hoặc hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Các sở ngành phải cùng chia sẻ với doanh nghiệp, thấy sự thành công của doanh nghiệp là sự thành công của thành phố, không để sự trì trệ trong thực thi pháp luật, chính sách, không thể đứng ngoài guồng máy và dòng chảy đang tiến lên phía trước. Cán bộ khi giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp được hay không được phải trả lời, không thể “ngâm” hồ sơ trong khi nhiều doanh nghiệp chịu lãi suất ngân hàng và các chi phí khác đã đổ vào dự án.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, đối với những nội dung đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của thành phố, UBND thành phố sẽ đăng ký lịch làm việc với Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành cùng thành phố tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn thành phố.

Đối với những vướng mắc thuộc quy trình thủ tục của thành phố, đề nghị các sở, ngành quan tâm phối hợp giải quyết, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án cho doanh nghiệp. UBND thành phố sẽ thành lập Tổ công tác họp hàng tuần và đến ngày 30/4 phải giải quyết xong các vướng mắc của 19 doanh nghiệp được nêu trong bản kiến nghị của HoREA.

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
  • Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hướng đến phát triển bền vững

    Tại Hội nghị Meet The Experts lần thứ 15 với chủ đề “Phát triển bền vững và yếu tố wellness” diễn ra mới đây, các đơn vị, nhân sự, chủ đầu tư đã cùng trau dồi kiến thức chuyên môn, cập nhật thông tin thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng vốn gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.

  • Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Phân khúc văn phòng hạng A được ưa chuộng tại Việt Nam

    Theo báo cáo của Savills, phân khúc văn phòng hạng A trên toàn cầu ghi nhận mức tăng. Tại Việt Nam, phân khúc này tiếp tục là phân khúc được ưa chuộng.

  • TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    TP. Hồ Chí Minh vận dụng cơ chế đặc thù để phát triển nhà ở xã hội

    Thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố vừa giao Sở Xây dựng rà soát, hệ thống lại nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung về đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại khoản 3, Điều 6 của Nghị quyết.

Top