Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 5 năm 2018 | 13:38

TP.HCM: Nóng chuyện “cắt thịt” đất công viên

Hiện nay, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp hàng loạt công viên đang bị “cắt thịt” để nhường chỗ cho việc kinh doanh, buôn bán, vui chơi, giải trí.

hinh-1.jpg
Thảo Cầm Viên bị “cắt thịt” cho khu Rubik Zoo án ngữ mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai hoạt động trong suốt thời gian qua.

 

Điều đáng nói, việc “cắt thịt” này không chỉ khiến “mảng xanh” của thành phố ngày càng ít đi, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống, làm thay đổi hình dạng, mục đích ban đầu của công viên.

Hàng loạt công viên bị “cắt thịt”

Những vị trí mặt tiền của hàng loạt công viên tại TP. Hồ Chí Minh đang bị “biến tướng”, khi trở thành điểm kinh doanh, buôn bán, vui chơi, giải trí. Cụ thể, đối với Thảo Cầm Viên Sài Gòn, rất dễ nhận thấy các khu vui chơi giải trí án ngữ tại vị trí mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Hiện, khu vực này đang tồn tại hai nhà ở khu Rubik Zoo.

Với mục đích ban đầu khi hợp tác kinh doanh khu nhà hàng này nhằm có thêm nơi mua sắm kết hợp ẩm thực để du khách khi đến với Thảo Cầm Viên có nhiều lựa chọn, có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, từ đó có thể níu chân du khách, từng bước tăng nguồn thu cho công viên. Các khu ẩm thực cũng được yêu cầu giảm giá thành cho hợp túi tiền du khách để giảm tình trạng mang đồ ăn vào rồi xả rác bừa bãi.

Khi đưa khu nhà hàng này vào hoạt động, những phát sinh trong quá trình hoạt động làm mất đi mục đích tốt đẹp ban đầu. Thảo Cầm Viên Sài Gòn cũng yêu cầu toàn bộ khu Rubik Zoo làm cam kết không được kinh doanh hoặc tiếp thị các sản phẩm có cồn, bất kể rượu hay bia. Tuy nhiên, rất dễ dàng khi tìm mua thức uống có cồn tại khu Rubik Zoo.

Theo kế hoạch, khu Rubik Zoo sẽ được phép hoạt động tạm thời đến hết hợp đồng, vào đầu năm 2019. Cùng với đó, khu trượt patin cũng sẽ bị dẹp bỏ, hợp đồng sẽ chấm dứt từ đầu tháng 3/2018. Sau khi chấm dứt hợp đồng, theo quy hoạch, khu trượt patin sau khi tháo dỡ sẽ xây dựng nhà hàng để phục vụ du khách.

Công viên Kỳ Hòa có vị trí đắc địa tại trung tâm của quận 10, bị “bao vây” bởi 4 quán nhậu, 2 nhà hàng và dãy nhà văn phòng cho thuê. Khi đến số 16 Lê Hồng Phong (quận 10), địa chỉ công viên, lại bắt gặp một cổng chào với nội dung “Trung tâm Hội nghị tiệc cưới Queen Plaza Kỳ Hòa”. Bên cạnh là các chỉ dẫn thông tin tên văn phòng, quán nhậu, cửa hàng cà phê. Càng vào sâu, diện tích công viên tiếp tục bị “cắt thịt”, khung cảnh sau 16 giờ chiều không ai nghĩ đây là công viên, thay vào đó giống một khu phố ẩm thực khi hàng loạt quán bia hơi, nhà hàng Đất Sét, quán Phi Phố Biển tấp nập người vào ra.

Đối với khu B của Công viên 23/9, nhiều hạng mục kiên cố và không liên quan gì đến công viên như nhà hàng, quán cà phê và quán nhậu cũng được mọc lên. Nổi bật là sân khấu Sen Hồng nhưng lại có cả quán cà phê GM bên trong tận dụng hết khoảng trống của khu đất để tối đa hóa lợi nhuận. Kế đến, phía trên trung tâm thương mại dưới lòng đất cũng được khai thác triệt để với nhiều nhà hàng ngoài trời phục vụ khách đến tận khuya, như: Yolo Pub & Cafe, Route99 Saigon, BFF Zone và Kingdom Beer Garden. Ở Khu B còn thường xuyên tổ chức các hội chợ ngoài trời và hiện đang có phiên chợ Saigon Central Market.

Khu vực Công viên Gia Định, dọc tuyến đường Hoàng Minh Giám, đập vào mắt người đi đường là những cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất, những rạp xiếc được dựng lên, đan xen là các quán cà phê khuất sau những tán cây.

Ngoài ra, nhiều công viên khác như Lê Thị Riêng, Phú Lâm hiện cũng đang trong tình trạng tương tự.

Cần trả lại mục đích ban đầu của công viên

Nhiều người dân TP. Hồ Chí Minh kiến nghị, chính quyền, ngành chức năng của thành phố phải sớm vào cuộc để trả lại mục đích vốn dĩ ban đầu của công viên.

Cùng nhận định này, trước đó trả lời báo chí, kiến trúc sư Trần Văn Linh, người nhiều năm nghiên cứu kinh tế đô thị, cũng cho rằng, hiện TP. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh quy hoạch công viên cây xanh đến năm 2020, chỉ tiêu cây xanh cho các quận trung tâm thành phố là 2,4m2/người,  ngoại thành 7m2/người. Tuy nhiên, so với chỉ tiêu chung của các nước phát triển trên thế giới là tương đối thấp.

“Nói vậy là chỉ tiêu chưa hài hòa, chưa bảo đảm tốt cho nhu cầu hít thở. Hiện nay, không ít thành phố trên thế giới đã phải hối hận khi không phát triển mảng xanh dẫn đến việc không khí ô nhiễm trầm trọng. Tôi nghĩ, ngay bây giờ, chính quyền thành phố nên có những biện pháp mạnh yêu cầu các công trình vui chơi, ăn uống ở trong khu vực công viên  ngưng hoạt động”, ông Linh đề xuất.

Một thông tin liên quan khác, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thành phố xây dựng đề án di dời toàn bộ các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... tồn tại trên đất công viên của thành phố để trả lại mặt bằng ban đầu của công viên.

Theo đó, Sở Giao thông vận tải đã yêu cầu các phòng ban liên quan rà soát tình hình quán ăn, bãi giữ xe, thậm chí là cả một số trụ sở trong các công viên do lịch sử để lại. Phạm vi rà soát bao gồm các công viên do Sở Giao thông vận tải quản lý và cả do quận, huyện quản lý. Cơ quan này sẽ trình chính quyền thành phố dự thảo quy định về sử dụng mặt bằng công viên. Nguyên nhân được cho do trong thời gian qua, nhiều tập thể, đơn vị mượn mặt bằng công viên để tổ chức các hoạt động như hội chợ, triển lãm. Có những cái tốt, phát huy hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, làm cho bộ mặt công viên nhếch nhác, tình hình giao thông phức tạp.

 

 

 

Mạnh Tiến
Ý kiến bạn đọc
  • Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Lợi thế đắt giá đến từ vị trí của phân khu Victoria

    Là phân khu hưởng trọn lợi thế siêu kết nối của đại đô thị, cùng vị trí đắc địa khi nằm tách biệt với các dự án khác, The Victoria trở thành giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và yên bình để trở thành một điểm nhấn khác biệt của Vinhome Smart City.

  • The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5: Không gian sống lý tưởng cho gia đình trẻ

    The Miami 5 – Tòa tháp cuối cùng của phân khu The Miami là đáp án hoàn hảo cho bài toán không gian sống mà các gia đình trẻ Hà Nội đang kiếm tìm. Đó là chốn an cư lý tưởng với hệ thống tiện ích hoàn chỉnh và cộng đồng dân cư hiện hữu.

  • Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Thanh Hóa vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

    Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Chỉ thị số 22-VT/TU về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 2 năm 2024-2025.

Top