Để có được thành công trong nghề, những người làm báo phải có một đam mê cháy bỏng, phải có sự dấn thân mãnh liệt và phải có một thế giới quan đúng đắn.
Đến với nghề bằng niềm đam mê mãnh liệt
Nguyễn Văn Vương (bút danh Nguyễn Vương, Phóng viên Báo Điện tử VTC News) là một trong những nhà báo trẻ đã và đang từng bước khẳng định được vị trí của mình trong nghề. Anh được nhiều người biết đến với những bài viết đa dạng, với sự dấn thân, chịu khó và một thế giới quan chuẩn mực trong viết báo.
Trao đổi với Kinh tế nông thôn Vương nhớ lại, niềm đam mê trở thành một phóng viên đã xuất hiện khi anh còn là một cậu học sinh học THPT. Sau khi tốt nghiệp THPT, Vương đăng ký thi vào ngành Báo chí Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Tuy nhiên, anh đã không đủ điểm xét tuyển nguyện vọng 1 này.
Không từ bỏ ước mơ của mình, Vương nộp hồ sơ xét tuyển vào học nguyện vọng 2 tại ngành Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học, Đại học Huế. Dù không phải là ngành chuyên sâu về báo chí, tuy nhiên, tại đây, Vương vẫn được thỏa mãn phần nào bởi một số môn học liên quan đến báo chí.
Quan trọng hơn cả, giấc mở trở thành một phóng viên đã thôi thúc Vương tự học, tự phấn đấu bằng cách tìm những tài liệu hướng dẫn cách viết tin, bài, đọc tin, bài trên các báo… để tự trau dồi kỹ năng viết lách cho bản thân.
“Sau đó, tôi cũng “đánh liều” viết bài cộng tác cho một số báo trung ương và địa phương. Lúc đầu những bài viết tôi gửi đi đều không được đăng. Sau những lần như thế, tôi nhờ một số người đi trước chỉ bảo thêm trong bài viết của tôi. Nhờ những lần như thế, tôi có kinh nghiệm hơn mỗi khi viết lách, những bài viết sau đó cũng tốt dần lên”, Nguyễn Vương nhớ lại những bước chân chập chững khi bước vào nghề.
Sau khi tốt nghiệp đại học (năm 2013), Nguyễn Vương ra Hà Nội để tu dưỡng ước mơ của mình. Tại đây, Vương được giới thiệu về làm điều phối viên của Diễn đàn Các nhà báo môi trường Việt Nam (Một tổ chức phi chính phủ về truyền thông môi trường).
Cơ duyên đưa đẩy, Vương gặp được nhà báo Hoàng Quốc Dũng (khi ấy là Trưởng ban chuyên san Tri Thức Trẻ - Báo Tiền Phong)… “Thầy” Dũng sau đó đã hướng dẫn, chỉ bảo cho Vương cách viết những tin thông tấn, hội nghị, khoáng sản, môi trường đăng trên trang tin điện tử của Diễn đàn Các nhà báo môi trường Việt Nam… cho đến các loạt bài phản ánh, phóng sự…
“Thầy” Dũng cũng chính là người hướng dẫn cho Vương cách tuy duy đề tài và thực hiện viết bài cho chuyên mục Sức khỏe, Phóng sự của chuyên san Tri Thức Trẻ - Báo Tiền phong. Từ đây, Vương trở thành cộng tác viên của chuyên san Tri Thức Trẻ - Báo Tiền Phong và bắt đầu chập chững bước đi đầu tiên trên con đường làm báo chuyên nghiệp.
Với vốn hiểu biết, kinh nghiệm được trau dồi thêm sau khi “tu nghiệp” tại Hà Nội, năm 2014, Vương trở lại Thừa Thiên - Huế với tư cách là cộng tác viên của chuyên san Tri Thức Trẻ - Báo Tiền phong. Vương tiếp tục hỏi hỏi, trau dồi thêm nhiều kiến thức từ sự truyền đạt của nhiều anh chị phóng viên thường trú tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cuối năm 2015 anh về công tác tại Báo Điện tử VTC News và gắn bó với tờ báo này cho đến nay.
Làm báo không dấn thân chẳng bao giờ tiến bộ
Nhìn lại gần 10 năm bước chân vào nghề báo, Nguyễn Vương khiêm tốn rằng, anh có được sự trưởng thành như ngày hôm nay là nhờ sự chia sẻ kinh nghiệm của các anh chị phóng viên đi trước và đặc biệt là những trải nghiệm không thể quên với đồng nghiệp kể từ khi vào nghề.
Vương nhớ lại, những chuyến rong ruổi đi theo những nhà báo, phóng viên anh chị tại Bắc Kạn, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Lâm Đồng… để thực hiện loạt bài phóng sự về khai khoáng cho chuyên san Tri Thức Trẻ - Báo Tiền phong; hay sau này là nhiều đêm thức trắng cùng phóng viên Quang Thành (Báo Điện tử Vietnamnet) để đưa tin sự cố lật tàu ở Hải Lăng (Quảng Trị); những ngày dài cùng nhà báo Minh Tây (phóng viên VTV) để thực hiện loạt bài “Thí sinh đại học Huế nhận giấy báo trúng tuyển rồi lại…rớt”… đã “dạy” cho anh nhiều kiến thức phục vụ việc viết báo sau này.
Trong muôn vàn chuyến đi ấy, điều Nguyễn Vương nhớ nhất đến lúc này vẫn là lần cùng nhà báo Lê Công Thành (Tạp chí Điện tử Người đưa tin Pháp luật) và phóng viên Hà Oai (Chuyên trang điện tử infonet của Báo Vietnamnet)… ra tác nghiệp về việc khai thác titan ảnh hưởng đến đời sống người dân ở Quảng Trị.
“Khi ấy chúng tôi đều mới ra trường, chỉ là cộng tác viên và dĩ nhiên là rất nghèo. Khi đi tác nghiệp mọi thứ đều phải tự túc từ xe cộ, ăn uống và nghỉ ngơi… Trong quá trình tác nghiệp, anh em chúng tôi phải xin bà con nông dân ở Gio Linh (Quảng Trị) mì gói để ăn cho qua bữa trưa… Lúc về xe tôi còn bị thủng lốp phải thay trong khi trong ví chỉ còn đúng 80.000 đồng. Kết quả của chuyến đi hôm đó của tôi là loạt vài về khai thác titan gây ảnh hưởng đời sống người dân ở Quảng Trị đăng trên chuyên san Tri Thức Trẻ (Báo Tiền phong)”, nhà báo Nguyễn Vương nhớ lại.
Kết thúc cuộc trò chuyện, bằng kinh nghiệm của mình và từ nhiều nhà báo khác, Nguyễn Vương cho rằng, với những người mới bước chân vào nghề báo hoặc những ai có ý định theo đuổi nghề này thì điều đầu tiên họ phải xác định và chấp nhận dấn thân, luôn lắng nghe và cầu thị… Bên cạnh đó, người làm báo phải đọc thật nhiều, đi thật nhiều để học được cách tư duy đề tài và định hình được phong cách viết riêng của mình.
“Hồi mới vào nghề, một người cậu từng nói với tôi rằng “làm báo nó như con dao 2 lưỡi” vì thế các bạn mới bước vào nghề hãy tìm cách thể hiện tên tuổi của mình trên mặt báo thay vì gục ngã trong những hào nhoáng bên ngoài. Bởi lẽ Báo chí cũng chỉ là một cái nghề chứ không phải “cậu ông trời””, dẫn lời nhà báo Nguyễn Vương.
Nói về tay bút trẻ Nguyễn Vương, Nhà báo Trần Anh Phong (Báo Thừa Thiên - Huế) cho biết, Vương là người vui vẻ, nhiệt tình và có tinh thần đấu tranh trong công việc.
Nhà báo Nguyễn Quang Tám, Trưởng Văn phòng đại diện Báo Pháp luật Việt Nam tại Thừa Thiên - Huế cho biết, qua các bài viết cho thấy nhà báo Nguyễn Vương là người chịu khó lăn lộn và thường có mặt ở những “điểm nóng” trên địa bàn. Nhiều bài viết của Nguyễn Vương đã góp phần hoàn thiện hơn những thực trạng chưa phù hợp trong thực tiễn, mới nhất trong số đó là việc phản ánh xe tải cơi nới thùng để vận chuyển cát.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.