Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, làng tranh Đông Hồ, thị trấn Hồ (Thuận Thành - Bắc Ninh) hiện chỉ còn 2 hộ giữ nghề và tổ chức sản xuất tranh. Song, để dòng tranh dân gian ngày càng được nhiều người biết đến, các nghệ nhân đã làm mới bằng cách in lên vỏ hộp bánh, kẹo vào dịp lễ, Tết; hoặc xuất khẩu theo đơn đặt hàng...
Ông Nguyễn Đăng Tâm kiểm tra tranh trên bức mành tre.
Sức sống mới
Đến làng tranh Đông Hồ vào một ngày đông rét đậm, tôi có cơ hội trò chuyện với ông Nguyễn Đăng Tâm khá lâu. Ông Tâm là con út của nghệ nhân tranh Đông Hồ Nguyễn Đăng Chế, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân năm 1990. Bản thân ông Tâm cũng được phong tặng danh hiệu năm 2014, và là đời thứ 21 của dòng họ lưu giữ nghề làm tranh. Nghề làm tranh diễn ra quanh năm, ngày nắng thì bồi điệp (phủ màu lên giấy), sau đó để khô mới in thành tranh; ngày mưa in tranh và làm những công đoạn khác trong nhà.
Thị trấn Hồ thời bao cấp còn gọi là xã Song Hồ, do 2 xã Tú Hồ và Bắc Hồ sát nhập lại. Xưa kia, xã có 3 thôn, thôn Đông Hồ chuyên sản xuất tranh; thôn Tú Khê chuyên sản xuất hàng mã; thôn Đạo Tú chuyên bồi giấy (mua giấy thô về sơn màu xanh, đỏ), nhập cho các hộ làm vàng mã, vàng thỏi. Giấy làm tranh Đông Hồ do xã Đống Cao (nay thuộc TP. Bắc Ninh) cung cấp. Thời bao cấp, xã Song Hồ còn có hợp tác xã (HTX) làm tranh với khoảng 20 thành viên, chuyên xuất khẩu sang Đông Âu (cũ), công việc ổn định như vậy trong khoảng 10 năm liền. Đến thời kỳ đổi mới, các thôn chuyển sang làm vàng mã, những người làm tranh mai một dần. Đến nay, chỉ còn gia đình ông Chế và hộ ông Nguyễn Hữu Sam duy trì việc sản xuất tranh và đang tiếp tục bảo tồn di sản văn hóa quý giá này.
Hiện, tranh Đông Hồ vẫn được bán trong nước và xuất khẩu theo đơn đặt hàng. Ông Tâm cho biết, đã có đơn hàng bên Mỹ cách đây 10 năm và đang giữ mối quan hệ đều đặn như vậy từ bấy đến nay, thường mỗi năm đóng 1 đợt hàng với số lượng hàng vạn bức. Đặc biệt, năm 2017, ông còn có hợp đồng 25.000 tờ tranh Đông Hồ để dán vỏ hộp socola, xuất ra nước ngoài. Nước bạn Singapore đã gửi mẫu mã trang trí vỏ hộp bánh Trung thu sang để đặt hàng, với giá 5.000-7.000 đồng/tờ, hoặc 15.000 đồng/tờ, tùy kích thước. Ngoài ra, thị trường trong nước cũng tiêu thụ mỗi năm vài vạn tờ.
Một nét mới, mang tính sáng tạo nữa là, tranh Đông Hồ giờ đây không chỉ in trên giấy điệp mà còn in trên mành tre. Nếu trước đây, mẫu mã tranh chỉ gói gọn ở con số vài chục như: Đám cưới chuột, đánh ghen, mục đồng thổi sáo, hay gà, lợn, cá chép… thì nay đã có trên 200 mẫu. Ngoài dòng tranh dân gian còn có thêm những đề tài mới như: hội làng Quan họ, vinh hoa phú quý, phong cảnh làng quê…
Dòng tranh được biết nhiều nhất ở Việt Nam
Xưa kia, làng Đông Hồ được gọi là làng Mái, với 17 dòng họ cùng quây quần, quy tụ và đều theo nghề làm tranh. Dân làng Mái thường có câu ca: “Hỡi anh đi đường cái quan/Dừng chân ngắm cảnh mà tan nỗi sầu/Mua tờ tranh điệp tươi màu/Mua đàn gà lợn thi nhau đẻ nhiều”…
Tuy nhiên, cuối những năm 40 của thế kỷ trước, nghề làm tranh bắt đầu mai một, bởi nhu cầu tiêu thụ không còn nhiều như trước. Phải đến thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước, tranh Đông Hồ mới phần nào được khôi phục, qua việc hội tụ những nghệ nhân và hoạt động của HTX sản xuất tranh. Nhờ đó mà những bức tranh dân gian nổi tiếng đã được hồi sinh như ngày nay, và còn xuất sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Song, nghề làm tranh vẫn chưa hết thăng trầm, sang thập niên 1990, khi các nước Đông Âu tan rã, tình hình thị trường lại thay đổi theo chiều hướng xấu, HTX tranh Đông Hồ giải thể, nhiều hộ phải bỏ nghề, một số chuyển sang làm hàng mã, chỉ còn vài gia đình nghệ nhân bám trụ. Rất may, năm 2013, niềm vui bất ngờ đến với bà con, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Mặc dù không còn hưng thịnh như thời hoàng kim nhưng tranh Đông Hồ vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt. Bởi nó khắc họa đời sống lao động hàng ngày, ước mơ hạnh phúc, ấm no của người dân trong cuộc sống đời thường. Lý do để tranh Đông Hồ được biết đến nhiều nhất ở Việt Nam thời bao cấp và xa hơn nữa, có lẽ vì dòng tranh này tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán. Ngày Tết hầu như nhà nào cũng mua một vài bức về treo tường, năm sau lại thay tranh mới. Nhưng giờ đây, tục lệ này không còn nữa và làng tranh chỉ còn 2 nghệ nhân theo đuổi nghề. Song, nó vẫn được coi như một di sản, một dòng tranh dân gian đặc sắc trong kho tàng văn hóa Việt Nam.
Được biết, làm tranh Đông Hồ phải qua nhiều khâu, nhưng chủ yếu có 3 bước chính: tạo mẫu, khắc ván và in tranh. Tạo mẫu là khâu quan trọng và đã được đúc kết hàng trăm năm ở Đông Hồ, làm nên nét độc đáo, có một không hai của dòng tranh dân gian. Sau khi có mẫu, các nghệ nhân dùng bút lông, mực nho vẽ tranh lên giấy bản mỏng và phẳng, để thợ khắc, đục ván theo mẫu. Tranh mẫu có bao nhiêu màu thì cần bấy nhiêu bản khắc; ván khắc thường được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực, vừa dễ khắc lại vừa dai; nghệ nhân dễ tạo được các nét gọn, nhỏ, mảnh, tinh xảo. Khi in, lấy chổi làm bằng lá thông nhúng vào chậu màu, rồi quét đều lên mặt bìa, sau đó dập ván in xuống mặt bìa, để màu thấm đều trên mặt ván, rồi ấn mạnh ván in lên giấy dó. Cuối cùng, gỡ tranh ra khỏi ván in, đem phơi, chờ tranh khô mới in tiếp các màu khác, những nét đen trong bức tranh được in sau cùng.
Cần phải nói thêm rằng, loại giấy dùng để in tranh Đông Hồ là giấy dó truyền thống, có quét điệp là vỏ sò. Điệp biển được nghiền nát để có màu trắng óng ánh. Còn lại, các màu khác cũng lấy từ thiên nhiên như: màu đen làm bằng than gỗ xoan hoặc than lá tre; màu xanh lấy từ gỉ đồng, lá chàm; màu vàng từ hoa hòe; màu đỏ của sỏi son hoặc gỗ vang. Đó là những sản phẩm làm nên nét dung dị, đời thường và là đặc trưng của tranh dân gian.
Giờ đây, đến làng tranh Đông Hồ, du khách có thể tham quan cơ sở của hai nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam cùng các con, cháu. Đây là hai gia đình kỳ cựu nhất ở làng tranh, sau bao đổi thay của thời cuộc, họ vẫn giữ được nghề cổ truyền, cùng với hàng trăm bản khắc cổ quý giá, trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn của du khách xứ Kinh Bắc.
Dẫu vậy, cũng phải nói rằng, rất, rất cần một dự án để dòng tranh Đông Hồ còn mãi với thời gian và lưu giữ một làng nghề cổ truyền độc đáo.
Dương An Như
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.