Nhiều năm gần đây, Chi cục Thú y Hà Nội (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) đã nỗ lực trong việc giữ ổn định tình hình chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm, thủy cầm... đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cho trên 10 triệu dân Thủ đô.
Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn băn khoăn khi chăn nuôi, giết mổ tập trung mới chiếm 40%, 60% còn lại nằm rải rác, nhỏ lẻ trong khu dân cư, khó khăn trong việc truy căn nguồn gốc xuất xứ.
Cán bộ thú y thăm khu chăn nuôi gà sinh sản của hộ ông Toản.
Nỗ lực từ nhiều phía
Tính đến tháng 5/2016, Hà Nội có 163.430con trâu, bò (trong đó bò sữa 14.287 con); đàn lợn 1.853.863con; đàn gia cầm 23.345.151con. Ngoài ra, còn có các công ty liên doanh, quốc doanh chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng 5.877con trâu, bò; 380.140 con lợn và 2.953.593 con gia cầm. Để quản lý chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh ATTP cần sự nỗ lực từ nhiều phía: người chăn nuôi, giết mổ và nhà quản lý.
Hoài Đức là địa phương nằm liền kề nội đô, tuy diện tích sản xuất nông nghiệp không còn nhiều, song mảng chăn nuôi rất phát triển. Ông Nguyễn Bách Toản, xã Cát Quế, cho biết, ông chăn nuôi gà sinh sản 20 năm nay, hiện trong nhà có 5.000 gà đẻ giống Lương Phượng. Do chăn nuôi lớn nên ông tuân thủ triệt để hướng dẫn của thú y cơ sở và của Viện Chăn nuôi, nơi nhập gà bố mẹ. Nhờ tuân thủ quy trình vệ sinh thú y phòng dịch, chăn nuôi ổn định nên ông Toản thu nhập 400-500 triệu đồng/năm.
Bà Nguyễn Thị Dậu, xã Tiền Yên cho biết, bà chăn nuôi lợn thương phẩm 5-6 năm nay, hiện gia đình có 120 con lợn thịt nuôi bán công nghiệp. Bà tuân thủ triệt để việc phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, bà còn học kinh nghiệm dân gian lấy lá gai, lá ổi cho lợn ăn kèm, hoặc nấu nước uống để tránh tiêu chảy rất tốt.
Phó chủ tịch UBND xã Tiền Yên, ông Nguyễn Như Khương, cho biết: “Kể từ khi có chỉ thị của Chính phủ quy trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương, chúng tôi được Đảng ủy xã phân công phối hợp với thú y huyện trong việc tổ chức phòng chống dịch trên địa bàn, bình quân thực hiện 7 lần/năm với các công việc tẩy uế, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phun thuốc khử trùng tiêu độc, rắc vôi bột... Tổ chức tiêm phòng đại trà 2 lần/năm, hoặc tiêm bổ sung, vì vậy, nhiều năm liền ở đây không có dịch lớn xảy ra”.
Bên cạnh nỗ lực của các hộ chăn nuôi, hàng năm, Chi cục Thú y Hà Nội tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vào đầu tháng 3 và tháng 10 cho 584 xã, phường, thị trấn. Thành phố hỗ trợ những vắc-xin bệnh nguy hiểm, như: cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh. Lấy mẫu xét nghiệm định kỳ để đảm bảo hiệu giá vắc-xin, thông thường đạt 80 - 90%.
Mặt khác, Chi cục đã xây dựng được 45 cơ sở an toàn dịch bệnh, nhờ những biện pháp mạnh như vậy nên nhiều năm liền Hà Nội chưa có dịch hại xảy ra. Việc quản lý giống, thức ăn chăn nuôi cũng được kiểm soát kịp thời. Năm 2016, Chi cục vận động các tổ chức, cá nhân cam kết không tham gia sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Đã có 108.039/122.000 hộ đăng ký, đạt 88%. Có 1.396 cửa hàng kinh doanh thuốc thú y cam kết lưu hành thuốc đạt chuẩn, đạt 97%. Công tác kiểm dịch cũng được đưa lên hàng đầu, 10 tháng đầu năm 2016, Hà Nội đã xuất đi các tỉnh gần 50.000 lợn giống, trên 50 triệu gia cầm; nhập vào 70.000 trâu, bò, 1 triệu con lợn, 15 triệu con gia cầm, 79 triệu quả trứng, 91.000 tấn thịt động vật các loại, tất cả được kiểm dịch chu đáo trước khi xuất, nhập.
Trao đổi với chúng tôi, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết: “Hà Nội hiện có 1.423 chợ, 400 cơ sở sơ chế động vật; 357 siêu thị, 2.196 nhà hàng, khách sạn, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật nên việc kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc được chúng tôi ưu tiên hàng đầu. Mạng lưới thú y cơ sở gồm 2.400 người, giúp việc đắc lực cho chính quyền cấp thôn, xã triển khai tốt kế hoạch tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ.
Khó truy xuất nguồn gốc
Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, khó khăn thách thức của ngành chăn nuôi Thủ đô vẫn còn nhiều, đó là, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao (60%), khiến cho việc quản lý, giám sát gặp nhiều khó khăn. Hà Nội có nhiều cửa ngõ, dân số lớn (trên 10 triệu dân), khiến việc quản lý dịch bệnh trên mọi nẻo đường vào Thủ đô không đơn giản. Nhất là khi người chăn nuôi, kinh doanh chưa tự giác, dùng nhiều thủ đoạn buôn bán bất chính; vận chuyển bằng xe máy và né tránh các chốt, trạm kiểm dịch động vật. Mặt khác, từ 1/7/2016, Luật Thú y có hiệu lực, bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, kiểm dịch trứng gia cầm, nên gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý, truy xuất nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật.
Hiện, Hà Nội có 1.074 cơ sở giết mổ, nhưng chỉ có 99 cơ sở công nghiệp, bán công nghiệp đủ điều kiện vệ sinh thú y, ATTP; còn lại là các điểm giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư, khiến việc kiểm tra, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật vô cùng khó khăn. Đơn cử như Hoài Đức, nơi có nhiều làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, chất thải chưa được xử lý triệt để xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm và phát sinh dịch bệnh là điều khó tránh khỏi.
Có một nghịch lý là, một số cơ sở giết mổ đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y lại hoạt động không hiệu quả, chỉ đạt khoảng 10-15% công suất do bà con đã quen với các cơ sở giết mổ thủ công và ngại mức phí cao. Số lượng chợ đầu mối buôn bán sản phẩm gia súc, gia cầm chưa đáp ứng nhu cầu, nên hiện tượng kinh doanh sản phẩm động vật tại các chợ cóc, chợ tạm vẫn diễn ra hàng ngày. Việc xây dựng cơ sở, làng an toàn dịch bệnh gặp nhiều trở ngại do quy hoạch chăn nuôi phải được địa phương cho phép.
Khó khăn nữa là, Hà Nội chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến; quy hoạch chăn nuôi chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc. Hướng giải quyết trong thời gian tới là tham mưu, đề xuất với thành phố thực hiện quy hoạch chăn nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm; triển khai kế hoạch giết mổ tập trung theo quy hoạch đã ban hành; tăng cường công tác kiểm dịch vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi, sản xuất, chế biến, tiêu thụ động vật và sản phẩm động vật. Đặc biệt, tăng cường kiểm tra, phát hiện việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; xử lý vi phạm về phòng chống dịch bệnh; khuyến khích cá nhân, chủ trang trại xây dựng vùng nguyên liệu, vùng và cơ sở an toàn dịch bệnh.
Dương An Như
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.