Sự phát triển của thị trường bất động sản (BĐS) trong bối cảnh nền kinh tế ổn định cộng với sự đa dạng của thị trường sẽ tiếp tục mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư ở các phân khúc BĐS trong 6 tháng cuối năm 2019.
6 yếu tố duy trì sự ổn định của thị trường
Sự phát triển của thị trường BĐS trong nửa đầu năm 2019 được nhận định có chiều hướng chững lại. Điều này thể hiện ở nguồn cung nhà ở tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cụ thể, tổng nguồn cung nhà ở quý 1/2019 tại Hà Nội giảm 25%, lượng giao dịch giảm 28% so với cùng kỳ năm 2018. Tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung nhà cũng có sự giảm mạnh, toàn thành phố chỉ có hơn 3.000 sản phẩm, giảm hơn 50%.
Nguyên nhân sụt giảm nguồn cung BĐS tại hai thành phố được cho là do một số dự án lớn đã tung khối lượng hàng lớn tại thời điểm quý 4/2018, đặc biệt là các dự án của Tập đoàn Vingroup. Cùng với đó, việc chậm phê duyệt các dự án, cũng như giảm tín dụng BĐS, cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung.
Tuy nhiên, nhận định về sự phát triển của thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2019, các cơ quan quản lý, chuyên gia đều có chung nhận định sẽ có những tín hiệu vui, tích cực. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, những tháng cuối năm 2019, sẽ có 6 yếu tố tích cực giúp thị trường BĐS tiếp tục phát triển ổn định.
Thứ nhất, nhu cầu về các loại BĐS nhà ở vẫn còn cao, đặc biệt tại các đô thị lớn và các khu hành chính - kinh tế mới.
Thứ hai, do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, sẽ tạo làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, giúp thị trường BĐS công nghiệp gia tăng mạnh mẽ. Theo đó, các cơ sở nhà ở, dịch vụ dành cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp sẽ có cơ hội phát triển.
Thứ ba, tín dụng BĐS sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, điều này làm cho chất lượng của các khoản vay BĐS sẽ chất lượng và lành mạnh hơn. Đồng thời, giảm nợ xấu, kích thích các nguồn vốn khác đầu tư vào BĐS như vốn tư nhân, kiều hối, vốn đầu tư từ nước ngoài, chứng khoán BĐS.
Thứ tư, phân khúc BĐS nghỉ dưỡng vẫn còn dư địa phát triển ở các thị trường mới. Nguồn lợi từ phân khúc BĐS nghỉ dưỡng này sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho các địa phương.
Thứ năm, xu thế phát triển BĐS quy mô thành phố thu nhỏ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, BĐS thông minh, BĐS xanh sẽ là xu thế phát triển chủ đạo trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Yếu tố cuối cùng là giá BĐS do thiếu nguồn cung sẽ tăng nhẹ ở hai thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Nhà đầu tư đổ về vùng ven thành phố
Sáu tháng cuối năm 2019, thị trường BĐS được nhiều chuyên gia nhận định sẽ có nhiều cơ hội phát triển đan xen với không ít những thách thức. Đặc biệt, xu hướng mở rộng đầu tư ra các khu vực vùng ven và giáp ranh giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sự chuyển biến tích cực này của thị trường BĐS các khu vực vệ tinh không chỉ là sự đón đầu mà còn được nhận định như một luồng gió mới đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa ở địa phương, giải tỏa bớt áp lực cho thị trường BĐS TP. Hồ Chí Minh cả về dân số, nhà ở.
Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh: “Không còn cách nào khác, các tỉnh - thành vùng ven đang trở thành lợi thế của nhiều nhà đầu tư BĐS TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nhiều tỉnh đang ráo riết thu hút nguồn vốn đầu tư một cách cởi mở hơn, đồng hành cùng doanh nghiệp nhiều hơn nên sẽ tạo nhiều thuận lợi cho thị trường phát triển trong giai đoạn tới”.
Tuy nhiên, ông Châu cũng đưa ra những thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, bồi thường giải phóng mặt bằng khó khăn, tín dụng có xu hướng thắt chặt hơn…, khiến thị trường BĐS đứng trước nhiều khó khăn và thách thức hơn.
Cùng chung nhận định về thị trường BĐS 6 tháng cuối năm 2019, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, những chính sách về tài chính BĐS đang có tác động lớn đối với việc đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang sử dụng 40% nguồn vốn vay ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn, trong một thời gian ngắn nữa sẽ giảm xuống còn 30%, đây được coi là thách thức dành cho thị trường, đặc biệt là trong thời điểm giá BĐS tăng cao gấp nhiều lần so với mức thu nhập bình quân của người dân.
Đánh giá về phân khúc đất nền vùng ven, ông Nhân nhận định, từ giờ tới thời điểm cuối năm, tại các tỉnh đang có những dự án triển khai phân khúc này tiếp tục nhận được sự quan tâm của khách hàng cũng như nhà đầu tư.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần YesHouse, nhận định, phân khúc đất nền tại các tỉnh vùng ven TP. Hồ Chí Minh hiện là kênh đầu tư tốt trong những tháng cuối năm 2019. Lý do được ông Tuấn đưa ra khi các dự án tại TP. Hồ Chí Minh bị “ngưng trệ”, quỹ đất sạch khan hiếm, việc đơn vị phát triển dự án tìm về những khu vực quanh TP. Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu là điều hiển nhiên. Mặt khác, nguồn cung chủ yếu đến từ giao dịch thứ cấp, đẩy giá đất lên quá cao, lập đỉnh liên tiếp. Trong khi đó, đất nền tại thị trường vùng ven có giá mềm, phù hợp với phần lớn nhà đầu tư.
Minh chứng tại huyện Long Thành (Đồng Nai) mới đây, dự án Long Thành Airport City mở bán giai đoạn 1 khoảng 100 nền đã được khách hàng đặt mua hết ngay trong ngày mở bán. Nguyên nhân do tỉnh Đồng Nai đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để kịp tiến độ khởi công dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, làm cho giá đất nền tại khu vực tăng “chóng mặt” và nhiều tiềm năng để bứt phá trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, dù thực hiện theo Luật Đất đai hay theo cơ chế thí điểm của Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, tất cả các dự án đó đều phải tuân thủ quy hoạch, bảo đảm việc giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, bảo đảm độ che phủ rừng...
Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sẽ hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với thời điểm đã được Quốc hội quyết định trước đó (1/1/2025), sẽ giúp khơi thông nguồn lực đất đai, tạo điều kiện cho nền kinh tế đất nước phát triển và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người dân.