Vì chiến tranh, người đàn ông mất đi một phần cơ thể nhưng bù lại ông đã gặp được một nửa yêu thương của mình và nên duyên vợ chồng. Nhìn lại chặng đường 40 năm chung sống với nhau, cặp vợ chồng ấy đang vô cùng viên mãn.
Ông Nguyễn Đắc Tương, sinh năm 1954, trú tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế là thương binh suy giảm sức khỏe 81 %. Vào năm 2019, ông được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội.
Người đàn ông mang nhiều vết thương trên mình vì bom đạn kể lại, khi ông được khoảng 15, 16 tuổi thì thường để ý, rà soát bom, lựu đạn, các cạm bẫy mà quân địch rải để báo cho bộ đội ta. Bên cạnh đó, ngoài công việc chăn trâu, ông cũng tìm cách để thu thập thông tin của quân địch để báo cho bộ đội ta.
Hành động ấy của cậu thiếu niên Nguyễn Đắc Tương lúc ấy đã bị địch phát hiện và kết quả cậu bị chúng bắt bớ, giam cầm tại một trại giam ở tỉnh Thừa Thiên - Huế lúc bấy giờ. Tuy nhiên, do không có chứng cứ và dĩ nhiên, vì Nguyễn Đắc Tương đã không khai nhận bất cứ điều gì nên chúng phải thả ông sau gần 01 tháng giam cầm.
Lúc ấy, dù ra khỏi trại giam nhưng do đã “có vết” trong mắt kẻ thù nên ông Nguyễn Đắc Tương không thể ở lại quê nhà. Chàng trai Tương lang thang đến các khu thành thị xung quanh để làm việc kiếm tiền và không quên giữ liên lạc, hỗ trợ quân cách mạng bằng cách gửi cho họ những bộ áo quần, vật dụng mà mình tích góp được.
Sau chiến thắng năm 1975, chàng thanh niên Tương được trở về để trực tiếp đóng góp công sức cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước trong vai trò canh giữ tù binh và tiếp đó là thành viên của đội rà soát, tháo gỡ bom mìn tại địa phương.
Cũng từ đây, hàng loạt biến cố lớn xảy ra với cuộc đời của ông Nguyễn Đắc Tương.
Đầu tiên, vào năm 1976, khi ông và các đồng đội đang thực hiện công việc rà soát, tháo gỡ bom mìn tại huyện Hương Điền (nay thuộc địa phận huyện Phong Điền) thì chẳng may bị nổ. Vụ nổ dù không lấy đi tính mạng của ai trong nhóm nhưng đã khiến nhiều người bị thương và trong đó có ông Tương.
Ít ngày sau vụ nổ, ông Tương tỉnh dậy và thấy mình đang được buộc chặt tay, chân trên giường bệnh. Đau đớn, hụt hẫng là điều duy nhất mà ông Tương còn nhớ được vào thời điểm ấy.
Điều trị tại bệnh viện được một thời gian, ông Tương được cho về điều trị tại nhà. Tại đây, ông gặp được bà Nguyễn Thị Túy (sinh năm 1955, trú tại xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) – lúc này đang là y tá trạm xá xã.
Bà Túy được giao nhiệm vụ đến thay băng, theo dõi và điều trị tại nhà cho ông Tương. Và, thấy bà có sự đồng cảm với những mất mát của ông Tương, bạn bè, người thân đã “làm mai” cho hai người.
Đám cưới của ông Tương với bà Túy đã được diễn ra vào năm 1980. Sau đó ông bà có với nhau 05 người con trai vào các năm 1981, 1983, 1986, 1992 và 1996.
Điều vui mừng nhất là 4 trong số 5 người con trai của hai ông bà đều đã tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng trong cả nước như Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Huế, Đại học An Ninh. Và, 3 trong số 5 người con trai của ông bà hiện đang công tác trong ngành công an tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Phấn khởi trước sự trưởng thành của các con, bà Túy vẫn không quên những tháng ngày gian khổ của 02 vợ chồng đã trải qua. Bà Túy kể lại, sau khi cưới nhau, bà phải đi làm đổi công với những người trong làng. Đặc biệt, bà phải từ bỏ nghề y tá của mình.
“Tôi đi cấy, đi gặt cho họ rồi họ thì đi cày, đi bừa cho mình. Nói chung cứ làm luôn tay hết việc này đến việc khác vì ông bị vậy sao làm được. Mà làm y tá thì phải đi nhiều, như lúc họ kêu đi hộ sinh từ đêm nay nhưng đến trưa mai, chiều mai mới sinh, những lúc ấy không có ai lo việc nhà hết nên tôi phải nghỉ việc”, bà Túy nhớ lại.
Bà Túy cho biết thêm, giờ đây con cái đã có công ăn việc làm ổn định, cùng với đó 03 người con trai đầu đã lập gia đình riêng nên vợ chồng ông bà hết sức phấn khởi. Tới đây, với sự hỗ trợ của con cái và chính quyền địa phương, ông bà sẽ sửa chữa lại căn nhà đã xuống cấp của mình.
Trao đổi về trường hợp của thương binh suy giảm sức khỏe 81 % Nguyễn Đắc Tương, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền Nguyễn Văn Lương cho biết, dù không phải là người quá nổi bật trong việc phát triển kinh tế, nhưng bù lại, gia đình ông Tương đã nuôi dạy được 05 người con trưởng thành, học hành đàng hoàng, công việc ổn định… đó là điều mà nhiều gia đình phải mơ ước.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.