Hàng nghìn hộ dân thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn đã an toàn vượt qua các đợt bão lụt vừa qua nhờ có nhà phòng tránh lụt bão được Nhà nước hỗ trợ xây dựng trước đó.
Mưa lũ kéo dài trong những ngày qua làm cho nước dâng cao, gây ngập úng nhiều địa phương thuộc vùng trũng thấp ở tỉnh Thừa Thiên – Huế và nhấn chìm hàng chục nghìn ngôi nhà khiến tài sản, hoa màu… bị hư hỏng, người dân phải đi sơ tán đến nơi cao ráo an toàn. Cùng thời điểm đó, hàng nghìn ngôi nhà phòng tránh lụt bão được Nhà nước hỗ trợ xây dựng cho hộ nghèo, hộ khó khăn ở những vùng hay có lũ lụt phát huy hiệu quả.
Theo đó, những ngôi nhà phòng tránh lụt bão với diện tích sàn tối thiểu 10m2, các kết cấu chính như móng, khung, sàn, mái xây dựng kiên cố, móng bê tông cốt thép… có gác lửng (tầng 2) phát huy hiệu quả trong đợt mưa lũ vừa qua. Cụ thể, khi xuất hiện mưa bão người dân không phải đi sơ tán đi nơi khác mà có thể tránh trú bão an toàn ngay tại nhà. Đồ đạc trong nhà cũng hạn chế hư hỏng vì được vận chuyển lên gác lửng tránh ngập.
Anh Lê Văn Hiền (trú thôn Phú Lương A, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) cho biết, vừa qua nước ngập úng hơn 1m và kéo dài 10 ngày mới rút nhưng cả nhà cùng đồ đạc chuyển lên gác lửng nên không phải chạy sang nhà hàng xóm trú tạm. “Gia đình được hỗ trợ tiền cho mẹ là bà Nguyễn Thị Cháu (85 tuổi) để xây nhà phòng tránh lụt bão, cộng với tiền vợ chồng tôi tích góp nên có được căn nhà nhỏ dù chưa tô, sơn được do thiếu tiền nhưng khi có mưa lũ là cả nhà yên tâm lên gác lửng ở” – anh Lê Văn Hiền chia sẻ.
“Hôm vừa rồi, nước dâng rất nhanh mà mẹ tôi không thể đi lại nhanh nên phải bế mẹ lên gác. Mấy đứa con cùng bà ở trên gác được 4 ngày an toàn” – anh Lê Văn Hiền nói thêm.
Tương tự, căn nhà phòng tránh lụt bão được hỗ trợ xây dựng của cụ Hoàng Thị Lém (82 tuổi, trú thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) nằm sát con sông Bồ, dù chưa hoàn thiện nhưng có gác lửng nên gia đình con cháu rất yên tâm mỗi khi có mưa bão. “Vừa rồi nước ngập không cao lắm nhưng đồ đạc trong nhà đã được chuyển lên gác lửng hết, tránh nước ngập” – con trai cụ Hoàng Thị Lém nói.
Trao đổi với PV, ông Hồ Ngọc Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) cho biết, nhà phòng tránh lụt bão được xây dựng theo nguyên tắc “3 cứng” gồm: cứng móng, cứng khung và cứng mái nên rất an toàn trong mùa bão lụt.
Cũng theo ông Tuấn, nhà phòng tránh lụt bão tại địa phương hiện đang được xây dựng chủ yếu theo chương trình nhà ở phòng tránh lụt bão theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg (còn được gọi là chương trình nhà 48) hoặc chương trình nhà 48 lồng ghép với dự án của Quỹ khí hậu xanh (GCF).
“Chương trình nhà 48 nếu thực hiện ở các xã bãi ngang thì mỗi hộ gia đình được cấp từ ngân sách 14 triệu đồng, được vay từ Ngân hàng chính sách xã hội 15 triệu đồng không lãi suất; còn đối với các hộ gia đình không phải xã bãi ngang thì được cấp từ ngân sách 12 triệu đồng và cũng được vay 15 triệu đồng không lãi suất từ Ngân hàng chính sách xã hội. Nếu kết hợp với dự án GCF thì mỗi hộ có thêm 1.700 USD”, ông Tuấn giải thích.
Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền thống kê, địa phương đã xây dựng được 478 căn nhà phòng chống lụt bão, trong đó, 334 căn được xây dựng theo chương trình nhà 48 và 144 căn được xây dựng theo chương trình 48 kết hợp với dự án GCF. Bên cạnh đó, tại huyện Quảng Điền còn 09 căn nhà đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt và đang chờ dự án GCF thông qua.
Theo Sở Xây dựng Thừa Thiên – Huế, thực hiện Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung và sự hỗ trợ của dự án tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam (GCF), tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phê duyệt 3.906 hộ, đến nay đã có 2.280 hộ xây dựng hoàn thành và đang tiếp tục triển khai các hộ còn lại để người dân thích ứng tốt hơn với mưa bão.
Điều 2, Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung quy định về đối tượng và phạm vi áp dụng như sau:
Hộ gia đình được hỗ trợ theo quy định của Quyết định này phải có đủ các điều kiện sau:
Là hộ nghèo theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015, có trong danh sách hộ nghèo doỦy bannhân dân cấp xã quản lý tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định này có hiệu lực thi hành tối thiểu 02 năm;
Chưa có nhà ở kiên cố có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở kiên cố nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà; hoặc có nhà ở được hỗ trợ theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác của Nhà nước, địa phương và các tổ chức, đoàn thể nhưng chưa có sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 1,5 m trở lên tính từ nền nhà;
Hộ không thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Phạm vi áp dụng:
Các hộ gia đình được hỗ trợ phải đang cư trú tại vùng thường xuyên xảy ra bão, lụt thuộc khu vực nông thôn hoặc tại các thôn, làng, buôn, bản, ấp, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) trực thuộc phường, thị trấn; xã trực thuộc thị xã, thành phố thuộc 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.