Góp phần phát triển chăn nuôi bền vững, những năm gần đây, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tự chủ con giống để tiết kiệm chi phí, hạn chế dịch bệnh lây truyền.
Ổn định nguồn cung
Đầu tháng 4/2021, về xã Quang Sơn (Lập Thạch) - địa phương dẫn đầu tỉnh Vĩnh Phúc về quy mô, số lượng nuôi lợn, chúng tôi nhận thấy sự “thay da đổi thịt” của làng quê nơi đây.
Ông Vũ Văn Cát, Phó chủ tịch UBND xã, chia sẻ: Phát huy thế mạnh đồi rừng, những năm qua, chính quyền địa phương luôn tuyên truyền, định hướng cho người dân đẩy mạnh chăn nuôi, trong đó chú trọng nuôi lợn.
Hiện, toàn xã có gần 300 hộ nuôi lợn, quy mô từ vài chục đến vài trăm con, trong đó có 15 - 20 hộ được cấp Giấy chứng nhận trang trại.
Đặc biệt, 100% hộ chăn nuôi chủ động lợn nái nền để phối giống nhân tạo, tự chủ con giống. Nhờ đó, chăn nuôi trên địa bàn ít xảy ra dịch bệnh lớn.
Hiện nay, giá trị chăn nuôi toàn xã chiếm 70% trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/người/năm.
Hơn 13 năm phát triển chăn nuôi lợn, trải qua biết bao thăng trầm về giá cả nhưng đàn lợn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Hảo (thôn Sơn Kịch, xã Quang Sơn) đều chiến thắng mọi dịch bệnh, kể cả dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi.
Chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, chị Hảo cho biết: “Sau thời gian chăn nuôi nhỏ lẻ và không tự chủ con giống, tôi nhận thấy con giống là yếu tố tiên quyết.
Vì vậy, năm 2007, sau khi mở rộng quy mô chuồng trại, chăn nuôi theo phương pháp sinh học, thay vì mua lợn giống như trước đây, gia đình nuôi 20 lợn nái nền. Nhờ đó, không phụ thuộc vào nguồn giống, tiết kiệm chi phí; lợn được chăm sóc, tiêm phòng vắc xin định kỳ.
Bên cạnh đó, công tác khử trùng, vệ sinh tiêu độc chuồng trại, khu vực chuồng nuôi được gia đình thực hiện rất nghiêm ngặt.
Tuyệt đối nói “không” với người lạ vào khu vực chăn nuôi; toàn bộ vật dụng, xe cộ đem từ ngoài về nhà phải được khử trùng.
Thức ăn của con vật được gia đình tự chế biến bằng ngô, khô đậu tương, bột cá và một số phụ gia khác. Gia đình hiện nuôi 20 lợn nái, gần 100 lợn thịt. Năm 2020, doanh thu từ chăn nuôi đạt trên 1 tỷ đồng.
Cũng đầu tư chăn nuôi lợn từ năm 2014, hiện nay, gia đình anh Vũ Đình Hưng, thị trấn Tam Sơn (Sông Lô) có 20 lợn nái sinh sản và hàng trăm lợn con, lợn thịt.
Đây cũng là 1 trong những hộ gia đình duy trì chăn nuôi ổn định qua đợt dịch tả lợn châu Phi và sự trượt giá của lợn hơi những năm 2017, 2018, 2020.
Anh Hưng chia sẻ: Không phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài, đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nên gia đình luôn ổn định đàn vật nuôi từ 100- 200 con lợn.
Với giá lợn hơi như hiện nay, mỗi năm gia đình anh Hưng thu lãi hàng trăm triệu đồng. Dự kiến, trong thời gian tới, gia đình sẽ xây dựng chuồng trại khép kín theo hướng phát triển chăn nuôi bền vững.
Tránh rủi ro
Trên thực tế, chăn nuôi theo quy mô nhỏ lẻ thường hay bị thương lái ép giá; các hộ thường lơ là trong phòng, chống dịch bệnh nên gặp nhiều rủi ro.
Với những cơ sở, hộ chăn nuôi chủ động đầu tư xây dựng chuồng trại, chú trọng công tác ngăn ngừa các loại mầm bệnh…, vẫn duy trì, phát triển tốt.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016-2020, cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản đã dịch chuyển theo hướng tích cực.
Lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng; đặc biệt chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm đã trở thành thế mạnh của địa phương.
Đến nay, tổng đàn lợn của Vĩnh Phúc đạt 430.000 con, trong đó hơn 50.000 lợn nái, cơ bản đáp ứng nhu cầu con giống tại chỗ.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, xuất hiện nhiều thuận lợi nhưng cũng đan xen những khó khăn, thách thức cho ngành chăn nuôi, đặc biệt tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp.
Để phát triển chăn nuôi bền vững, cùng với tự chủ con giống, góp phần tiết kiệm chi phí, hạn chế lây truyền dịch bệnh, các cơ sở, hộ chăn nuôi cần chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, khu chăn nuôi định kỳ, thường xuyên; tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng, bệnh và chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học…