Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 10 năm 2019 | 15:1

Tự hào nông dân Việt: Tiết lộ 5 nhóm nông dân xuất sắc nhất năm 2019

Hội đồng bình chọn chung khảo đã nhận được tổng cộng 147 hồ sơ đề cử bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” do Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố gửi về. Theo đó, 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” được chia làm 5 nhóm.

khac-hoa-chan-thuc-cuoc-cach-mang-cua-nong-dan-tren-dong-ruong-1-ong-ho-quang-loi-1570169293-width640height446.jpg
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Giải phát biểu tại buổi họp báo.

 

63 "bông vàng" của nhà nông

Sáng nay (4/10), tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Họp báo công bố Danh sách 63 nông dân Việt Nam xuất sắc và Lễ trao Giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 - 2019.

Chia sẻ thông tin về danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019" Ban Tổ chức cho biết, từ tháng 11/2018 đến 7/2019, Hội đồng bình chọn chung khảo đã nhận được tổng cộng 147 hồ sơ đề cử bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” do Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố gửi về. Trên cơ sở hồ sơ thành tích này, Hội đồng bình chọn chung khảo đã nghiên cứu, xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng và đi tới thống nhất chọn ra 63 người xứng đáng nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.

63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” được chia làm 5 nhóm, gồm nhóm có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ và trang trại (có 13 nông dân); nhóm có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực trồng trọt (có 15 nông dân); nhóm có thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới (có 12 nông dân); nhóm có thành tích xuất sắc trong nuôi trồng thủy sản (có 16 nông dân); nhóm có thành tích suất sắc trong sáng chế, giải pháp kỹ thuật nông nghiệp, nông thôn (là 7 nông dân).

Trong số 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 có 53 nam và 10 nữ; có 5 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 là đồng bào dân tộc thiểu số; người ít tuổi nhất là anh Long Văn Nghĩa đến từ tỉnh Bạc Liêu, người cao tuổi nhất là ông Trần Thành Nam đến từ tỉnh Bến Tre.

Theo đó, “Nông dân xuất sắc 2019” có doanh thu cao nhất là ông Nguyễn Hồng Cương, phường Quỳnh Di, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An. Ông Cương sản xuất tôm giống, quy mô 19,5ha, doanh thu 50 tỷ đồng (2018). Ông cũng là “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” tạo ra nhiều việc làm nhất với 55 lao động thường xuyên hưởng lương và 50-70 lao động thời vụ.

“Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” sở hữu hệ thống trang trại chăn nuôi gà đẻ hiện đại nhất, doanh thu chăn nuôi cao nhất là ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 2011 ông Công đã xây dựng trại nuôi gà công nghệ Thái Lan. Đến nay ông Công có tổng cộng 5 trại gà đẻ công nghệ Thái Lan, cộng nghệ Đức với tổng đàn gà đẻ hơn 60.000 con, ngoài ra còn 1 trại lợn, 1 trại vịt đẻ. Tổng doanh thu năm 2018 đạt tới hơn 24 tỷ đồng….

"Nông dân xuất sắc 2019” có nhiều đất sản xuất nhất là ông Ngô Thành Đông, xã Đông An, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Hiện ông An có 300ha đất, trong đó trồng quế 146ha, còn lại là trồng các loại cây ăn quả, bưởi, chanh, cam, chuối. Doanh thu năm 2018 là 30 tỷ đồng, lợi nhuận 3 tỷ đồng.

"Nông dân xuất sắc 2019” trồng nhiều cao su, mít Thái siêu sớm và bưởi da xanh nhất là ông Phan Văn Thà, thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ông Thà có 160ha đất sản xuất, trong đó cao su là 80 ha, bưởi da xanh ruột hồng là 20ha, mít Thái siêu sớm là 60ha.

"Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” có quy mô sản lượng chăn nuôi gà công nghiệp lớn nhất là bà Nguyễn Thị Lạc, xã Tam Thới Thôn, huyện Hóc Môn, TP. HCM. Bình quân 1 năm bà Lạc nuôi 5 lứa gà công nghiệp, mỗi lứa 120.000 con, cả năm sản lượng là 600.000 con.

”Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” có tỷ suất lợi nhuận cao nhất là ông Nguyễn Hữu Hà, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông Hà trồng 12,5ha chanh tứ quý không hạt, lãi tỷ gần 5 đồng/năm.

“Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” trồng nhiều khoai lang đặc sản nhất là ông Nguyễn Trình, xã Tân Bình, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai. Hiện ông Trình có 40ha canh tác, trong đó có 35ha trồng khoai lang đặc sản Lệ Cần.

”Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” nuôi nhiều trâu nhất là bà Tô Thị Bắc, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Hiện bà Bắc đang nuôi đàn trâu 50 con và đàn lợn nái 50 con, đàn thỏ nái 150 con...

”Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” nuôi nhiều cừu nhất là ông Đạo Thanh Thích (dân tộc Chăm), xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Hiện ông Thích đang nuôi đàn cừu 150 con và đàn bò sinh sản 60 con...

Vinh danh những ngòi bút lan tỏa tấm gương sản xuất

Tại buổi Họp báo, Ban Tổ chức cũng đã trao giải báo chí toàn quốc Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 - 2019. Tiếp nối thành công của những mùa giải trước, Giải báo chí toàn quốc Tự hào nông dân Việt Nam lần thứ 6 (2018 – 2019) được chính thức phát động từ ngày 5/10/2018 và được tổng kết, tổ chức trao giải vào ngày 4/10/2019.

Sau một năm phát động, Ban tổ chức Giải báo chí Tự hào nông dân Việt Nam 2018 – 2019 đã nhận được 938 tác phẩm gửi đến dự thi. Ngày 5/9, Ban sơ khảo của giải gồm 4 thành viên đã nghiêm túc lựa chọn, đánh giá và chọn được 25 tác phẩm xuất sắc nhất giải gửi cho Hội đồng ban giám khảo chấm độc lập theo thang điểm đã được ban hành. Từ đó, chọn ra 11 tác phẩm xuất sắc nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.

khac-hoa-chan-thuc-cuoc-cach-mang-cua-nong-dan-tren-dong-ruong-6-giai-nhat-1570169293-width640height417.jpg
 Nhóm tác giả đạt giải A với chùm tác phẩm “Hồi sinh những cánh đồng chết” .

 

“Các tác phẩm đoạt giải đã khắc hoạ sâu sắc hình ảnh những người nông dân giỏi, giàu sức sáng tạo, không ngừng nỗ lực vươn lên trong việc làm giàu cho bản thân, không những thế còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng. Nét mới của Giải báo chí THNDVN 2018 - 2019 là nhiều bài viết có tính phát hiện cao, một số tác phẩm được thể hiện theo cách mới như Longform, Mega Story, Emagazine có kết hợp các video rất sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người xem. Văn phong của các tác giả vừa có sự sắc sảo, gãy gọn của một nhà báo, vừa thể hiện chất thơ, cảm xúc của mỗi tác giả dành cho nhân vật”, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Giải cho hay.

Đánh giá về những tác phẩm lọt vào vòng Chung khảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban giám khảo cho biết: “Tôi cực kỳ ấn tượng với loạt bài của nhóm tác giả Bạch Hân – Trần Thường (“Hồi sinh những cánh đồng chết” – Vietnamnet); “Cuộc chinh phục dòng Mê Kông của lão nông Bảy Bon mê mệt cá”; hay bài “3 hạt lạc, 11 khóm lúa và chuyện đời, chuyện nghề của CEO Trần Mạnh Báo”… Đó là những câu chuyện thật, mảnh đời thật. Những giống lúa của anh Trần Mạnh Báo giờ đây đã được bà con nông dân vùng đồng bằng sông Hồng tin tưởng sử dụng, góp phần tăng năng suất, sản lượng lúa…, hay như gương anh nông dân lập công ty tôm chỉ từ con số 20.000 đồng...".

Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban Tổ chức Giải cho biết: “Từ sáng kiến của Báo Nông thôn Ngày nay, Giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam đã phát triển thành giải uy tín, được giới báo chí trong cả nước đặc biệt quan tâm. Mỗi cuộc trao giải đều trở thành sự kiện rất vui của làng báo, điều đó đã chứng tỏ sức lan tỏa của Giải báo chí Tự hào Nông dân Việt Nam”.

Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, bên cạnh việc khắc họa thành công những chân dung nông dân giỏi, thì các tác phẩm báo chí đoạt giải còn ghi nhận thể hiện rõ nét sức sáng tạo của các nhà báo. Ở đây, chúng ta vừa tôn vinh nông dân, vừa tôn vinh các nhà báo – đây mới chính là ý nghĩa tốt đẹp, cao cả nhất mà giải báo chí Tự hào nông dân Việt Nam hướng tới.

Tại buổi họp báo, ngoài 2 nội dung chính trên, Ban Tổ chức còn công bố một loạt các hoạt động trong Chuỗi sự kiện Tự hào Nông dân Việt Nam sắp diễn ra, như: Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 4 với chủ đề “Từ CPTPP đến EVFTA: Cùng Nông dân đi chợ Thế giới”; Chương trình đưa Nông dân xuất sắc đi tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong nước; Chương trình Đoàn Nông dân xuất sắc Tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đặc biệt cao điểm là Lễ Tôn vinh và trao Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 diễn ra vào tối 12/10 tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam - VTV./.

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top